Say mê trang phục truyền thống
Khi những đóa hoa cà phê đang khoe sắc trắng tinh khôi trên khắp triền đồi ở Di Linh, gác lại công việc vườn rẫy thường nhật, Ka Nhìm (xã Gung Ré, huyện Di Linh) chọn cho mình một bộ váy thổ cẩm mới nhất để sum họp cùng gia đình trong những ngày Xuân Ất Tỵ. Trong bộ váy truyền thống kết hợp các chi tiết hiện đại, hợp mốt, Ka Nhìm vui vẻ nói: “Từ ngày có những mẫu váy thổ cẩm được cách điệu hiện đại như thế này, mình hầu như bỏ quên các mẫu váy áo thông thường mà chỉ chọn mặc váy thổ cẩm để đi ăn cưới, mặc trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện quan trọng của gia đình hay buôn làng”.
Cũng như Ka Nhìm, nhiều “sơn nữ” ở khắp buôn làng vùng Di Linh có cả bộ sưu tập trang phục thổ cẩm dành riêng cho mỗi dịp khác nhau. Đó là các bộ váy thổ cẩm đi biểu diễn văn nghệ, váy đi chơi, đi ăn cưới hay váy mặc vào các dịp Noel, lễ, Tết. Mỗi bộ váy áo sẽ có họa tiết, kiểu thiết kế khác nhau và thường được đính thêm hạt cườm, phối thêm vải voan trong suốt ở phần cánh tay giúp tổng thể thêm hài hòa, thời trang hơn.
Theo già làng K’Keo (65 tuổi, xã Gung Ré, Di Linh), những bộ váy áo thổ cẩm của người K’Ho hiện nay đã được may đo hợp thời hơn, vừa giữ được nét truyền thống, vừa có nét đẹp hiện đại. “Không chỉ thiếu nữ mà các chàng trai người K’Ho cũng chuẩn bị sẵn những bộ áo thổ cẩm để mặc trong dịp lễ hội như Mừng lúa mới, hay các ngày trọng đại như cưới xin với nhiều mẫu mã phù hợp cho các sự kiện khác nhau”, già K’Keo chia sẻ.
Bà Ka Hờn (chủ nhà may Hờn, xã Liên Đầm, huyện Di Linh) cho biết, những năm gần đây, tiệm may của bà có lượng khách đến đặt may đồ thổ cẩm tăng nhiều hơn so với trước đây. Trung bình mỗi tháng, khách hàng đặt may khoảng 200 bộ đồ thổ cẩm các loại, cá biệt có tháng cao điểm như dịp cuối năm hay Noel, lễ, Tết, tiệm may của bà may khoảng 300 bộ/tháng. “Không chỉ người dân tộc thiểu số mà cả người Kinh cũng đến đặt may đồ thổ cẩm với nhiều mẫu mã đa dạng như đầm công sở, váy dự tiệc… với mức giá trung bình 500.000 đồng trở lên cho đầm nữ, 300.000 đồng trở lên cho áo nam”, bà Ka Hờn cho biết.
Đưa thổ cẩm vào đời thường
Không chỉ vào các dịp lễ hội quan trọng, sắc màu thổ cẩm cũng dần len lỏi vào đời sống thường ngày của người K’Ho ở huyện Di Linh nói chung. Trong thời gian qua, nhiều đơn vị, trường học đã phát động phong trào mặc trang phục truyền thống nhằm lan tỏa, phát huy và giữ gìn bản sắc của người dân tộc bản địa. Điển hình như Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – Trung học cơ sở huyện Di Linh, Trường Trung học cơ sở Tân Thượng (xã Tân Thượng), Trường Trung học cơ sở Đinh Lạc (xã Dinh Lạc), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh… đã phát động phong trào mặc trang phục thổ cẩm đến trường, tổ chức cuộc thi nét đẹp thổ cẩm Tây Nguyên thu hút đông đảo người dân tham gia hưởng ứng.
Mỗi tuần một lần, cô Ka Dúys, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học cơ sở Tân Thượng (xã Tân Thượng) lại chọn cho mình một bộ váy thổ cẩm để “diện” đến trường. Ka Dúys chia sẻ, cô cảm thấy rất tự hào khi được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình khi đến đứng trên bục giảng. Thông qua hoạt động này cũng giúp cho các em học sinh biết được giá trị của trang phục truyền thống dân tộc K’Ho.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Thượng (xã Tân Thượng, huyện Di Linh), trong thời đại công nghệ số, xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, việc các em học sinh chạy theo trào lưu, xu hướng mới trên mạng xã hội là điều không tránh khỏi. Do vậy, việc phát động phong trào mặc trang phục dân tộc đến trường, các ngày lễ lớn nhằm giúp cho học sinh giữ gìn bản sắc của dân tộc mình, yêu quê hương đất nước hơn.
Ông Vũ Đức Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh nhận định, mô hình bảo tồn văn hóa về trang phục và chữ viết tại một số trường học ở huyện là “điểm sáng” trong giữ gìn văn hóa của người K’Ho tại địa phương. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số thêm tự tin, từ đó giúp cho các bạn trẻ thấy được giá trị bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Hằng năm, huyện cũng dành một nguồn kinh phí để hỗ trợ các mô hình trên, qua đó nhằm phát huy và nhân rộng hơn nữa các mô hình bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa tại địa phương.