Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Buôn Ma Thuột, Trưởng Ban Tổ chức chương trình cho biết, thành phố có diện tích tự nhiên hơn 370 km2, dân số gần 500.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 16%. Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay Buôn Ma Thuột là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, là nơi sinh sống của 40 dân tộc anh em. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc với những lễ hội truyền thống, những bản trường ca hào hùng và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nghề dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa của vùng đất Tây Nguyên nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng. Được thực hiện bằng đôi bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân, nghề dệt thổ cẩm không chỉ tạo ra những món đồ dùng hàng ngày mà còn là biểu tượng của sự tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. Thổ cẩm Tây Nguyên mang vẻ đẹp tinh tế đầy sức hút và đặc trưng của đồng bào các dân tộc, phản ánh sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Mỗi sản phẩm thổ cẩm là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn sáng tạo của những người nghệ nhân, không chỉ thể hiện nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là sản phẩm thể hiện chiều sâu văn hóa, kết nối quá khứ với hiện tại.
Trong những năm qua, việc triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột bước đầu mang lại hiệu quả. Thành phố luôn tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành tổ chức truyền dạy văn hóa phi vật thể, nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống “Vũ điệu Ban Mê” nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung; quảng bá bản sắc văn hóa, trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đến với du khách trong và ngoài nước; góp phần duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là hoạt động hướng tới Chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024).
Xuyên suốt chương trình, đại biểu, nhân dân và du khách đã được thưởng thức “bữa tiệc” âm nhạc đặc sắc gắn với những tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu. Trong tiếng hát, điệu múa, hòa với tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng đàn, hòa với nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, thổ cẩm được giới thiệu, thể hiện rõ nét qua quy trình dệt, qua trang phục truyền thống, trang phục cách tân, trang phục thổ cẩm thiếu nhi… Đây là các bộ trang phục thổ cẩm đặc sắc do các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, đặc biệt là nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh - Giám đốc sáng tạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Mốt thực hiện. Cùng với đó, chương trình còn tái hiện đời sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên qua các hình ảnh gần gũi trên sân khấu như: dệt thổ cẩm, tạc tượng, làm gốm, đan lát, chiếc gùi… và tái hiện lễ ăn cơm mới, lễ tạ ơn cha mẹ, lễ lúa mới, lễ rước nước, lễ chúc sức khỏe. Chương trình diễn ra thành công tốt đẹp, lôi cuốn, hấp dẫn, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Ông Hoàng Văn Chiến, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, đây là lần đầu tiên ông được thưởng thức một chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm đặc sắc, ấn tương như vậy. Chương trình đã đưa thổ cẩm Tây Nguyên đến gần gũi hơn với khán giả, nhân dân và du khách, đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, trải qua các cung bậc cảm xúc da diết, sôi động, hào hứng.
Theo bà H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, buôn Tơng Jŭ, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, được tham gia biểu diễn tại chương trình, bà rất vui và tự hào, đặc biệt là rất xúc động khi thấy thời trang thổ cẩm trình diễn trên sân khấu. Thổ cẩm từ xưa đến nay gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân Tây Nguyên, do đó, chương trình là cơ hội để quảng bá, lan tỏa, tôn vinh nét đẹp thổ cẩm và những nét văn hóa đặc sắc khác của các dân tộc Tây Nguyên.