Nếu Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, (dày hơn 350 trang, nhiều tác giả), đưa các góc nhìn lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền biển đảo của người Việt. Trong khi đó Hoàng Sa, Trường Sa hỏi và đáp (hơn 200 trang, tác giả TS Trần Nam Tiến) lại “sẵn sàng” trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến biển đảo quê hương.
Biển Đông yêu dấu (hơn 200 trang, tác giả PGS-TS Trần Ngọc Toản) đưa ra góc nhìn về khoa học biển, về tài nguyên phong phú của biển Đông, lịch sử hào hùng của dân tộc ta và các thách thức trong sự nghiệp làm chủ, khai thác và bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.
Nhà văn Nguyên Ngọc, thường được biết đến với các tác phẩm về Tây Nguyên, cũng góp mặt trong tủ sách này với ký sự Có một con đường mòn trên biển Đông, dày hơn 200 trang. Tác phẩm này của Nguyên Ngọc nguyên là kịch bản phim tài liệu về con đường bí mật vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam xuyên biển Đông trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, được nhà văn tu chỉnh lại thành một thiên ký sự. Con đường bí mật đó đã trở thành huyền thoại với rất nhiều sách báo, phim ảnh nói về nó.
Với kịch bản của Nguyên Ngọc, Điện ảnh Quân đội đã dựng thành phim Đường mòn trên biển Đông, từng đoạt Bông sen Vàng tại Liên hoan phim 11 và giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật về Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 1995 - 2000 của Bộ Quốc phòng.
Thông tin từ NXB Trẻ cho biết, 4 quyển sách này chỉ mới là sự khởi đầu của Tủ sách Biển đảo Việt Nam, được NXB đặt rất nhiều tâm huyết và mời các học giả, nhà văn hóa uy tín cộng tác thực hiện.
Theo thethaovanhoa.vn