Truyền thông quốc gia trong kỷ nguyên mới: Kể câu chuyện Việt Nam bằng khát vọng và giá trị nhân bản

Trong kỷ nguyên truyền thông số, câu chuyện thương hiệu quốc gia cần được định vị bằng thông điệp xuyên suốt, giàu cảm xúc và mang tính toàn cầu. Truyền thông hiện đại không chỉ chuyển tải thông tin, mà còn phải chạm đến trái tim công chúng để Việt Nam không chỉ được biết đến, mà còn được yêu mến, tin tưởng và đồng hành.

Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế: Câu chuyện mới, khát vọng mới

Ông Lương Thanh Nghị, cựu Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch chia sẻ, trong nhiều năm qua, hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ông nhắc lại một bài viết của nhà báo Thomas Friedman (New York Times) cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, trong đó hình ảnh Việt Nam hiện lên với những cậu bé chăn trâu thong dong giữa đồng và tiếp đó là hình ảnh  Việt Nam, một quốc gia hiện đại, với những cô gái mặc áo dài bước ra từ xe ô tô, tay xách laptop vào văn phòng làm việc.

Chú thích ảnh
Ông Lương Thanh Nghị, cựu Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch chia sẻ tại toạ đàm “Định vị Việt Nam - Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”. 

“Hiện tại, người nước ngoài nhìn nhận Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, bao dung… nhiều bạn bè của tôi ở nước ngoài thường hỏi: Các ông từng trải qua chiến tranh với nhiều nước, vì sao giờ đây quan hệ quốc tế lại hữu hảo, tốt đẹp như vậy…? Bên cạnh đó, trong ấn tượng của người nước ngoài, người Việt Nam chúng ta rất thân thiện, hiếu khách, hỏi 100 người thì 99 người nói chúng ta hiếu khách, thân thiện, ai hạnh phúc, chúng ta đều vui cả”, ông Lương Thanh Nghị, chia sẻ.

Cùng với đó là một Việt Nam đang chuyển mình với tiềm năng lớn và khát vọng rõ nét. Theo ông Lương Thanh Nghị, “người nước ngoài cảm nhận rất rõ khát vọng vươn lên của Việt Nam”. Chẳng hạn việc sáp nhập các đơn vị hành chính khiến nhiều nhà ngoại giao ngạc nhiên. 

“Các bạn Đan Mạch bảo tôi rằng: Các ông tham vọng thế, liệu các ông có làm được không? Chuyện sáp nhập các địa phương tại Đan Mạch đã làm nhiều lần, lần cuối cùng từ năm 2007, từ 213 xã, phường xuống còn 95 xã, phường, mất 4 năm. Vừa rồi, tôi gặp đại sứ Đan Mạch, ông chia sẻ rằng không nghĩ trong vòng mấy tháng mà chúng ta có thể làm được. Tôi cho rằng, điều này thể hiện khát vọng, quyết tâm của chúng ta, như Tổng bí thư Tô Lâm đã nói, vươn mình để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh… và hiện tại người nước ngoài cũng cảm nhận được khát vọng của chúng ta”.

Theo ông Lương Thanh Nghị, Việt Nam còn hấp dẫn bởi sự đa dạng, từ dân tộc, tôn giáo đến ẩm thực. Những nhà hàng Việt Nam tại nước ngoài ngày càng phổ biến và từng được Thủ tướng Đan Mạch gửi lời cảm ơn vì đã mang văn hóa ẩm thực Việt đến châu Âu.

Tuy nhiên, vẫn còn những định kiến cũ, do nhiều yếu tố này là khách quan và chủ quan, hình ảnh một Việt Nam trong chiến tranh đói nghèo, vẫn hiện hữu trong một bộ phận công chúng nước ngoài, điều này do tác động rất lớn từ truyền thông phương Tây… Một bộ phận người ngoại quốc cũng cho rằng Việt Nam chỉ có phở, bánh mì, áo dài, nón lá. Trong khi thực tế, đất nước Việt Nam có nhiều khía cạnh để giới thiệu đến bạn bè quốc tế. 

Vì thế, theo ông Nghị, để định vị hình ảnh quốc gia, Việt Nam cần xác định rõ thông điệp cốt lõi cần truyền tải, đó phải là một Việt Nam hiện đại, năng động, giàu khát vọng. Thông điệp phải xuyên suốt, nhất quán trong ít nhất 5 - 10 năm. Không thể hôm nay nói thế này, ngày mai lại nói khác. Và quan trọng hơn, thông điệp đó cần được truyền tải bằng nhiều cách, trong đó có vai trò của các KOLs trong nước và quốc tế, dùng tiếng nói của chính họ để kể câu chuyện Việt Nam một cách tự nhiên, thuyết phục. Ông Lương Thanh Nghị gợi ý việc học hỏi cách truyền thông của quốc tế, ví dụ người Đan Mạch kể câu chuyện sáng tạo của họ thông qua lego, câu chuyện chuyển đổi xanh…

Kể câu chuyện "đa sắc"

Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Trưởng Ban Truyền hình Đối ngoại - VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Trưởng Ban Truyền hình Đối ngoại - VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ: “Là người làm truyền hình đối ngoại suốt 27 năm, chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các tổ chức truyền thông quốc tế, được học hỏi từ các mô hình tiên tiến. Một trong những câu hỏi chúng tôi luôn trăn trở là: Làm sao để nâng cao hiệu quả truyền thông Việt Nam ra thế giới?”

Theo nhà báo Phương Liên, có hai yếu tố cốt lõi cần được chú trọng: Thứ nhất, truyền thông phải có góc nhìn đa chiều và tính toàn cầu, các chương trình quảng bá về du lịch, chính sách hay hình ảnh quốc gia cần được đặt trong dòng chảy chung của khu vực và thế giới, không chỉ đơn thuần là đưa thông tin một chiều đến khán giả.

“Ví dụ, khi đưa ra một cái chính sách về kêu gọi đầu tư vào khoa học công nghệ, thay vì truyền tải những con số khô khan, hãy kể bằng câu chuyện thông qua những tọa đàm có CEO, chuyên gia, đại diện trung tâm đổi mới sáng tạo, để phân tích rõ hơn ý nghĩa của chính sách, thách thức, tiềm năng đầu tư. Chính những góc nhìn đa dạng đó mới tạo nên chiều sâu và sức hấp dẫn cho thông tin”, bà Nguyễn Thị Phương Liên chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Liên điều thứ hai là phải lấy con người làm trung tâm: “Truyền thông muốn chạm đến cảm xúc khán giả, phải kể được những câu chuyện thật, giản dị, dễ hiểu và giàu tính nhân văn. Ví dụ, khi nói về chuyển đổi số trong hành chính công, thay vì chỉ giới thiệu chính sách, hãy kể câu chuyện của một người nông dân vùng xa xôi, người giờ đây có thể dùng điện thoại thông minh để bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử, thanh toán qua QR code... Chính những hình ảnh cụ thể như vậy mới giúp khán giả thấy được sự thay đổi trong đời sống và tin vào ý nghĩa của chuyển đổi số.”

Chú thích ảnh
Hình ảnh phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Sơn La bán hàng qua livestream.

Bà Phương Liên cho rằng, muốn truyền thông hiệu quả, phải hài hòa giữa bản sắc địa phương, tính dân tộc với tinh thần quốc tế. Những câu chuyện về tình yêu thương, khát vọng hòa bình, nỗ lực vươn lên của con người luôn là chủ đề thu hút công chúng khắp nơi. Ngoài nội dung, chất lượng sản phẩm truyền thông cũng phải đạt chuẩn quốc tế. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, khán giả đã quen với hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động, cách dựng hiện đại. Để cạnh tranh và tạo dấu ấn, mỗi chương trình cần đầu tư về hình thức, kể chuyện bằng ngôn ngữ hiện đại, cảm xúc. Đặc biệt, truyền thông hiện đại cần tiếp cận đa nền tảng. “Khán giả ở đâu, chúng ta phải hiện diện ở đó”, từ truyền hình truyền thống đến mạng xã hội, nền tảng số. Có như vậy, những câu chuyện Việt Nam mới thực sự lan tỏa và chạm đến trái tim bạn bè quốc tế…

Kể câu chuyện Việt Nam bằng giá trị nhân bản

TS Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Khi nói đến thương hiệu quốc gia, chúng ta thường nghĩ ngay đến Hà Nội thanh lịch, những cô gái mặc áo dài, một hình ảnh mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, thế giới, đặc biệt là phương Tây, tiếp cận khái niệm thương hiệu ở góc độ rộng mở và linh hoạt hơn, không cố định hay khuôn mẫu. Chẳng hạn, tôi là một người làm nghiên cứu khi đến một vùng đất, tôi quan tâm đến không gian văn hóa, tiếp cận với giới trí thức, tầng lớp tinh hoa. Nhưng một người khác, có thể là doanh nhân, nghệ sĩ hay nhà hoạt động văn hóa sẽ tìm kiếm những giá trị khác. Do đó, chúng ta cần gợi mở nhiều tầng giá trị, nhận diện văn hóa phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau”.

Chú thích ảnh
TS Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Theo TS Đỗ Anh Đức, trong xây dựng thương hiệu quốc gia, các nước trên thế giới đều nhấn mạnh vai trò của người dân và cộng đồng. Bất kỳ chiến dịch nào thiếu sự đồng thuận, không có sự tham gia tích cực của người dân thì đều khó thành công. Trong lịch sử, không ít quốc gia đã thất bại trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu vì quá tập trung vào khẩu hiệu dành cho người nước ngoài, mà quên mất sự ủng hộ từ chính người dân địa phương, những người trực tiếp ‘sống’ với thương hiệu đó.

 Việt Nam có lợi thế lớn từ hệ thống truyền thông chính thống, từ các cơ quan báo chí của Nhà nước. Nhưng để những câu chuyện vĩ mô, tầm quốc gia thực sự lan tỏa và sống động, cần phải có sự nhập cuộc của người dân để họ thấy mình có thể kể câu chuyện của chính mình, từ đó tạo nên sức sống chân thực cho thương hiệu Việt.

“Về chiến lược truyền thông, điều thế giới quan tâm không chỉ là việc chúng ta đang có một đất nước hòa bình, ổn định, mà là “chúng ta làm gì với những điểm mạnh đó”. Việt Nam một quốc gia yêu chuộng hòa bình đã đánh đổi bằng xương máu của nhiều thế hệ để giữ gìn nền hòa bình chính nghĩa. Vậy thì, giá trị ấy đóng góp gì cho nhân loại? Vai trò của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động hôm nay là gì? Đó mới là những điều thế giới muốn lắng nghe…”, TS Đỗ Anh Đức nhấn mạnh. 

Chú thích ảnh
Du khách ấn tượng với nụ cười thân thiện, hiếu khách của các em nhỏ tại Hà Giang (nay là tỉnh Tuyên Quang)

Cũng theo TS Đỗ Anh Đức, trong tương lai, con người sẽ có xu hướng tìm về những giá trị nhân bản sâu thẳm. TS Đức dẫn lại một nghiên cứu cá nhân để minh chứng cho những giá trị riêng có của văn hóa Việt: “Tôi từng phỏng vấn nhiều người nước ngoài đến Việt Nam và bị cuốn hút bởi múa rối nước. Có rất nhiều lý do, nhưng một trong số đó là vì họ tìm thấy sự hồn nhiên, chất phác, những giá trị mà xã hội công nghiệp hiện đại dường như đang đánh mất.”

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, thế giới có thể dần rời xa những giá trị cốt lõi thuộc về con người. “Chúng ta đương nhiên phải phát triển công nghệ để phát triển đất nước. Nhưng mặt khác, Việt Nam có một thế mạnh đặc biệt, đó là nền văn hóa đề cao tình cảm, nghĩa tình, tính cộng đồng. Tôi nghĩ, chúng ta cần nhấn mạnh điều đó để thế giới nhìn thấy Việt Nam không chỉ như một quốc gia đang phát triển, mà còn là điểm tựa văn hóa, là nơi có thể đóng góp cho nhân loại những giá trị gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm… Tuy nhiên, điều đó không thể chỉ được thể hiện một cách bản năng, tự nhiên, mà phải được truyền thông bằng một chiến lược bài bản, nâng tầm ở một cấp độ cao hơn”, TS Đỗ Anh Đức bộc bạch. 

Hồng Phượng - Lê Phú/ Báo Tin tức và Dân tộc
Định vị Việt Nam - Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới
Định vị Việt Nam - Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Ngày 10/7, Báo Việt Nam News and Law, Thông tấn xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam - Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN