Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trong một lần đến làm việc và tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế vào cuối tháng 10/2014 từng mong muốn, trong một ngày không xa, việc trùng tu các di sản kiến trúc ở Huế cũng sẽ trở thành những điển hình xuất sắc, tương tự như trường hợp của Nara hay Horyu-ju Kondo (Nhật Bản). Phóng viên TTXVN có dịp trao đổi Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế về vấn đề này.
Kiến trúc bằng gỗ của di tích Tả Trà thuộc Cung Diên Thọ, Đại Nội - Huế nhìn từ bên trong. |
PV: Xin ông cho biết khái quát về di sản kiến trúc ở Huế
Tiến sĩ Phan Thanh Hải: Di sản kiến trúc không chỉ phản ánh kỹ thuật xây dựng, quan niệm thẩm mỹ về không gian mà còn chứa đựng triết lý sống và lịch sử thời đại. Di sản kiến trúc thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, trong đó chủ yếu là kiến trúc cung đình Huế cho thấy sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, thể hiện triết lý và tinh thần nhân văn cao đẹp, và đây cũng chính là một phần giá trị nổi bật toàn cầu đã góp phần tạo dựng danh hiệu di sản thế giới của Huế.
Đặc trưng quần thể di tích cố đô Huế bao gồm nhiều loại hình di sản kiến trúc hợp thành, đại diện cho một giai đoạn lịch sử Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ thứ 20, có thể nói đến là: Hệ thống Kinh thành, Hoàng thành tập trung một mật độ lớn các loại hình kiến trúc cung điện, miếu điện, đền đài, lâu các phục vụ nhu cầu ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia và là công sở làm việc của triều đình Nguyễn; lăng tẩm các Hoàng đế với các loại hình kiến trúc tẩm điện, đình tạ, kiến trúc cảnh quan sinh thái mang đặc điểm kiến trúc vườn cảnh dùng làm nơi để thờ cúng các vị Hoàng đế và Hoàng hậu; hệ thống đàn miếu, chùa chiền… phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của triều đình và nhân dân. Tất cả được qui hoạch một cách hài hòa và đặt trong một khung cảnh thiên nhiên độc đáo với đầy đủ các yếu tố phong thủy tự nhiên được bảo tồn một cách nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Theo các nguồn sử liệu triều Nguyễn thì quần thể di tích cố đô Huế bao gồm thành quách, cung điện, đàn miếu, lăng tẩm, đài tạ, viên hồ, hành cung, tự quán… được sử dụng với chức năng khác nhau và có sự phân cấp bằng vị trí qui hoạch, qui mô/hình loại kiến trúc và vật liệu xây dựng; trong đó kết cầu hệ khung và mái phần lớn đều là những loại hình kiến trúc gỗ.
Hệ khung gỗ của kiến trúc Huế được cấu thành từ nhiều cấu kiện gỗ (Timbers) liên kết với nhau bằng các hình thức liên kết mộng truyền thống. Vào giai đoạn đầu của triều Nguyễn, loại hình kết cấu này chưa có tường tham gia chịu lực, những giai đoạn sau (thời Tự Đức trở đi) tường đã được thêm vào 2 hoặc 3 mặt của kiến trúc nhằm gia tăng khả năng chịu lực và hạn chế sự biến dạng hệ khung gỗ.
Theo nghiên cứu của Đại học Monotsukuri (Nhật Bản) và các kết quả thí nghiệm kết cấu của Đại học Tokyo (Nhật Bản) thì hệ khung gỗ kiến trúc Huế có khả năng chịu tải và chịu kéo dọc theo phương lòng trến (longitude strength) trong phạm vi an toàn cho phép, tuy nhiên lực chịu kéo ngang theo phương lòng xuyên (latitude strength) thì có yếu hơn nên dễ dẫn đến hiện tượng biến dạng hệ khung khi chịu áp lực gió bão. Điểm yếu này đã được nhận ra từ thời Tự Đức (1847-1883) nên đã gia cường bằng tường gạch, tuy nhiên giải pháp này lại làm gia tăng độ ẩm trong nội thất công trình, tạo môi trường vi khí hậu thuận lợi cho mối mọt tấn công vào hệ khung gỗ.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. |
PV: Hướng tới sự điển hình và xuất sắc trong lĩnh vực trùng tu các di sản kiến trúc ở Huế, kinh nghiệm thu được từ quá trình hợp tác với Nhật Bản thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Phan Thanh Hải: Từ những năm 1994, sau khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đã có nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với di sản Huế, trong đó Nhật Bản là quốc gia đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho công cuộc nghiên cứu bảo tồn ở Huế như Đại học Nihon, Đại học Waseda, Đại học Tokyo và Đại học Monotsukuri (Nhật Bản).
Trong đó, giai đoạn 1 (1994 - 1997) là giai đoạn đặt nền tảng quan hệ hợp tác, xây dựng dữ liệu cơ sở, hình thành phương pháp luận nghiên cứu bảo tồn đặc thù cho di tích Huế. Với phương thức hợp tác chia sẻ kinh phí và đôi bên cùng tiến hành trùng tu di tích, Đại học Nihon và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành dự án đầu tiên là trùng tu di tích Hữu Tùng Tự (lăng Minh Mạng) giai đoạn 1994-1997; Đại học Waseda đã ký kết với Trung tâm chương trình hợp tác 5 năm đầu tiên về nghiên cứu nguyên lý thiết kế qui hoạch Kinh đô và hướng đến mục tiêu là dự án phục nguyên Điện Cần Chánh.
Giai đoạn 2 (1998 - 2002) được tiếp tục chủ yếu với Đại học Waseda do GS. Nakagawa Takeshi đại diện, tiến hành một loạt các khảo sát nghiên cứu trên thực địa, phỏng vấn thợ mộc và các nhân chứng lịch sử nhằm thu thập dữ liệu cơ sở cho việc phân tích nguyên lý thiết kế và đúc rút hệ thống tỉ lệ kiến trúc, xây dựng dự án phục nguyên Cần Chánh Điện.
Giai đoạn 3 (2003 - 2008) là giai đoạn xúc tiến chuyển giao thiết bị và công nghệ nghiên cứu bảo tồn, đúc rút các kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào các dự án bảo tồn trùng tu di tích, mở rộng diện nghiên cứu của chương trình hợp tác ở tầm vĩ mô với 5 mục tiêu lớn gồm: Xây dựng chính sách hợp tác quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản; nghiên cứu bảo tồn đô thị sinh thái lịch sử trong mối quan hệ hữu cơ với Quần thể di tích cố đô Huế; ứng dụng phương pháp luận nghiên cứu bảo tồn và công nghệ trùng tu, tái thiết di sản của Nhật Bản vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam; phát triển công nghệ thông tin qua việc thiết lập Trung tâm nghiên cứu đào tạo và bảo tồn cho khu di sản Huế; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế. Giai đoạn này chủ yếu do Viện di sản Waseda đại diện kết hợp với Đại học Tokyo, Đại học Monotsukuri (Nhật Bản) thực hiện đã mang lại những thành tựu quan trọng và có ý nghĩa đối với công cuộc bảo tồn quần thể di tích cố đô Huế.
Giai đoạn 4 (2009 đến nay) là giai đoạn chuyển giao giữa nhiệm vụ của giai đoạn trước và giai đoạn mới. Giai đoạn từ 2005 đến 2010 đã tiến hành dự án trùng tu di tích Long Đức Điện, năm 2010 đến 2015 tiến hành dự án phục hồi Chiêu Kính Điện do Đại học Monotsukuri thực hiện, cả 2 dự án này đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng.
Có thể đúc kết công tác trùng tu, phục hồi di tích kiến trúc gỗ ở Huế phải đảm bảo các yếu tố như cấu trúc nguyên gốc, vật liệu nguyên gốc, yếu tố gốc, tính chân xác. Có nghĩa là, đánh giá những gì còn lại của một di tích kiến trúc mà chưa hề bị thay đổi hoặc bị khuất lấp bởi những thành tố thêm vào sau này; và tận dụng hết chủng loại vật liệu nguyên thủy được sử dụng trong xây dựng từ khi khởi dựng di tích, những yếu tố nguyên thủy cấu thành di tích có từ khi di tích đó được hình thành; trên cơ sở hiểu biết thấu đáo mọi khía cạnh di sản văn hóa bằng những nghiên cứu khoa học đầy đủ qua công tác nghiên cứu bảo tồn trùng tu di tích. Tuy nhiên, cũng phải luôn chú ý để đảm bảo tính bền vững của các loại vật liệu và làm sao tăng tuổi thọ của công trình. Và điều quan trọng nhất là phải luôn đảm bảo được tính kế thừa, sự truyền tiếp các thông điệp về giá trị di sản đó cho các thế hệ tương lai.
Ngoài ra, chuẩn bị cho giai đoạn hợp tác tiếp theo, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Đại học Waseda sẽ ký một chương trình hợp tác mới (2014-2018) chủ yếu tập trung vào công tác quản lý di sản và giảm thiểu hiểm họa thiên tai. Trung tâm và Đại học Monotsukuri cũng đang tiến hành thủ tục ký kết văn bản hợp tác cho dự án phục nguyên Thái Tổ Miếu (Hoàng Thành Huế) vào những năm tiếp theo.
Có thế khẳng định, từ những nỗ lực nói trên, từ tháng 6/2013, tại kỳ họp thứ 38, UNESCO đã nhất trí đưa Huế ra khỏi danh sách các di sản bị khuyến cáo. Đồng thời, Ủy ban Di sản Thế giới cũng vừa đề xuất xây dựng Huế trở thành một trung tâm trùng tu chuẩn mực tại khu vực Đông Nam Á, và xa hơn, là của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Huế cũng đang được đề nghị cử người tham gia vào ICOMOS thuộc Ủy ban di sản thế giới…
Quốc Việt(thực hiện)