Phát biểu tại lễ khai mạc, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế cho biết, "Bảo đạc trường minh" là bốn chữ được trích từ cặp đối trên nghi môn bảo tháp Tổ sư Liễu Quán, với ý nghĩa là "chuông báu vang mãi" hay "Pháp âm của Tổ sư vang mãi" - một thanh âm độc lộ, thanh thoát, vô tướng, vô ngôn giữa bao cung bậc phù trầm của nhân thế, nhưng vẫn mãi ngân vang và hiện hình sống động trong tâm thức của bao thế hệ hậu duệ Thiền phái Liễu Quán. Chủ đề triển lãm được chọn, phát xuất từ ý nghĩa ấy.
Triển lãm trưng bày trên 200 đầu mục tư liệu gồm kinh sách, thư tịch cổ liên quan đến Tổ sư Liễu Quán và lịch đại Tổ sư truyền thừa; gia phổ họ tộc của các thiền sư thuộc Thiền phái Liễu Quán; Hộ giới điệp; Chánh pháp nhãn tạng; Châu bản thời chúa Nguyễn; Châu bản, Sắc phong và Độ điệp thời vương triều Nguyễn, cùng nhiều loại hình điển tịch cổ và văn bản Hán Nôm có giá trị sử liệu khác, với niên đại trải dài từ cuối thế kỷ XVII đến nửa cuối thế kỷ XX.
Đặc biệt, lần đầu tiên trưng bày bức hoành chùa Viên Thông do Chúa Nguyễn Phúc Chu ban; kinh sách do Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán truyền dạy, hộ trì in ấn lưu hành; bia tháp ngài Tử Dung.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày trên 100 bức hình về các ngôi cổ tự, bảo tháp, pháp tượng, pháp khí,... liên quan đến quá trình học đạo, hành đạo, khai sáng tự vũ, tục diệm truyền đăng của Tổ sư Liễu Quán và các thế hệ truyền thừa, trải dài từ Thanh Hóa đến tận các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Triển lãm góp phần làm sáng tỏ công hạnh của đức Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán và lịch đại Tổ sư thiền phái qua 5 nhánh truyền thừa chính của các ngài. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện tưởng niệm 281 năm ngày Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch (1742 - 2023).
Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667 - 1742) là vị Sơ tổ của Thiền phái Liễu Quán, một dòng thiền thuần Việt ra đời vào đầu thế kỷ XVIII tại Đàng Trong.
Triển lãm mở cửa đến ngày 10/1/2024.