Tham dự Lễ trao giải có: Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng; Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cơ quan bảo trợ Giải; ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành viên Hội đồng giám khảo… cùng đông đảo các họa sỹ tham gia giải thưởng.
Phát biểu tại Lễ trao giải, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc TTXVN, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng đánh giá, sự kiện Cúp Rồng Tre - Giải biếm họa báo chí Việt Nam 2018 là dấn ấn quan trọng của văn hóa trong thời gian qua. Đây là sự kết nối giữa báo chí với nghệ thuật, qua đó thúc đẩy sự quan tâm của các nhà báo, các họa sĩ đến với tranh biếm họa - một trong những thành phần rất quan trọng của báo chí truyền thống cũng như báo chí hiện đại.
“Con số 400 tác phẩm của 50 tác giả tham gia Giải thưởng lần này chưa phải là nhiều. Hy vọng khi Báo Thể thao và Văn hóa nối lại Giải thưởng này đều đặn trong những năm tới, sẽ thu hút nhiều hơn sự tham gia của các họa sỹ nghiệp dư và chuyên nghiệp, và biếm họa sẽ đóng vị trí quan trọng trong đời sống hiện nay”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Chúc mừng một mùa Giải biếm họa báo chí thành công, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan bảo trợ Giải cho biết: Với cương vị là lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, khi chấm Giải biếm họa Báo chí Việt Nam lần này, trong thâm tâm muốn có thêm một kênh để tìm hiểu xem biếm họa báo chí đang phát triển ra sao, đã phản ánh được bức tranh thời sự của đất nước trong năm như thế nào? Có một điều mà ông Hồ Quang lợi thực sự thấy tâm đắc, đó là chủ đề của Giải biếm họa năm nay là “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh”, thoạt nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực sự thì đó là vấn đề rất sâu sắc, rất căn cơ của xã hội chúng ta hiện nay, bởi ứng xử văn hóa chính là gương mặt của văn hóa". Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, rất nhiều vấn đề thời sự gây nhức nhối của năm 2018 vừa qua bắt đầu từ những lệch lạc, lệch chuẩn về văn hóa ứng xử.
Nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định: "Thành công của giải biếm họa lần này cho thấy, biếm họa thực sự là một vũ khí sắc bén trong tay các nhà báo - họa sỹ và các cơ quan báo chí. Lực lượng các nhà báo - vẽ vẫn còn rất sung sức để đưa những vấn đề trọng yếu của xã hội lên trước công luận bằng những bức tranh đôi khi chỉ được in bằng bao diêm, nhưng lại có khả năng tác động trực diện, trực quan vào nhận thức của mọi tầng lớp công chúng, không phân biệt trình độ, tuổi tác hay ngôn ngữ".
Thành công của giải đã tạo đà để các nhà báo, họa sĩ tiếp tục khôi phục, phát triển và trả lại biếm họa vị trí xứng đáng trên báo chí. Việc tổ chức giải biếm họa góp phần khích lệ nét đẹp trong văn hóa ứng xử, đặc biệt là ứng xử trên mạng xã hội. “Biếm họa góp phần chữa trị những biểu hiện lệch lạc trên mạng xã hội theo cách riêng của mình”, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Ông Hồ Quang Lợi cũng hoan nghênh sáng kiến của Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trong việc đưa triển lãm biếm họa ra trưng bày trên vỉa hè phố đi bộ Hồ Gươm, để đông đảo người dân đều có thể tiếp cận, nhằm lan truyền thông điệp “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh” tới cả cộng đồng.
Sau 8 tháng phát động (từ tháng 4/2018 - 12/2018), “Giải biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V-2018” đã thu hút khoảng 400 tác phẩm dự thi, chưa kể hàng chục tác phẩm gửi để "dự treo" triển lãm. Điều đó cho thấy sức sáng tạo biếm họa của các họa sĩ chuyên và không chuyên khắp cả nước vô cùng dồi dào. Theo Ban tổ chức, có tới trên 30% số tranh dự thi đã chọn đề tài văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Điều đó đã phản ánh rất chính xác nỗi lo lắng của toàn xã hội trong thời gian này.
Ban Tổ chức và Hội đồng giám khảo đã trao 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng cho tác phẩm “Chực chờ” của họa sĩ Lê Diệu Bang (bút danh Méo); 2 giải Nhì (trị giá 8 triệu đồng/giải) được trao cho 2 tác phẩm: “Chung sức” của họa sĩ Đỗ Anh Dũng (bút danh DAD) và “Khi đời tư cũng thành… món ăn nhanh” của họa sĩ Nguyễn Mạnh Tiến.
Ban Tổ chức cũng trao 2 giải Ba (trị giá 5 triệu/giải) cho tác phẩm: “Dê đen và Dê trắng” của họa sĩ Trần Hải Nam (bút danh N9) và tác phẩm: “Trật tự đô thị” của họa sĩ Nguyễn Minh Đông (bút danh điop).
4 tác phẩm được trao giải Khuyến khích trong cuộc thi lần này gồm các tác phẩm: “Lịch chăm mẹ ốm” của họa sĩ Nguyễn Đức Trí; “Không lời” của họa sĩ Nguyễn Duy Sơn; “Nhào Dzô…” của họa sĩ Nguyễn Hữu Lộc (bút danh H.Lộc) và “Không lời” của họa sĩ Lê Đức Hùng (bút danh DINGO).
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm của Giải Biếm họa báo chí Việt Nam năm nay, họa sĩ Lý Trực Dũng, thành viên Hội đồng Giám khảo, người được mệnh danh là "kiến trúc sư" của Giải thưởng nhận xét: "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh" là đề tài nghe thì dễ nhưng thực sự khó. Nó tương đối trừu tượng. Ví dụ biếm họa chống tham nhũng, giao thông, bảo vệ môi trường thì nó rất cụ thể. Còn nếu nói hài hước thì đề tài ứng xử văn hóa rất khó “nhằn”.
"Tuy nhiên, khi chấm 400 bức tranh, ban đầu rất lo là có chọn được những tác phẩm xứng đáng không? Nhưng chấm xong thì tôi phấn khởi vì chọn được tranh tốt. Với tranh biếm họa, quan trọng nhất phải có ý tưởng", họa sĩ Lý Trực Dũng cho biết. 7 vị trong ban giám khảo cũng đã thống nhất cao để chọn ra giải nhất vì nó có ý tưởng và các thể hiện rất thú vị, vừa dễ hiểu, những cũng tạo ra nhiều suy ngẫm thâm thúy. Đó không phải là một điều dễ trong khi trước đó giải biếm họa chống tham nhũng ban giám khảo chúng tôi đã không chọn ra được giải nhất.
Cùng với việc in vựng tập, Ban Tổ chức và Hội đồng Giám khảo Giải thưởng đã chọn 60 tranh tiêu biểu để triển lãm tại sảnh Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội ngày 11/1. Sau đó, trong 2 ngày Cuối tuần (12 - 13/1/2019), triển lãm được mang ra Phố đi bộ Hồ Gươm (đoạn trước tòa nhà số 2 Lê Thái Tổ) trưng bày nhằm lan truyền thông điệp "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh" tới cả cộng đồng.