'Cúp Rồng tre' - Thắp lửa cho biếm họa báo chí

Giải thưởng năm nay không hạn chế đề tài, nhằm phản ánh bức tranh toàn diện nhất, điển hình nhất về mọi mặt của đời sống xã hội qua con mắt biếm họa, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng của biếm-họa-báo-chí, với tư cách là một thể loại báo chí đặc biệt, trong việc bám sát tình hình thời sự, nhất là các vấn đề nổi cộm.

Buổi họp báo lễ phát động.


Sự trở lại của "tự do"

Những giải Biếm họa hai năm trước đều có quy định chặt chẽ về đề tài: Đề tài "Giao thông thời hội nhập" (giải lần thứ hai), "Môi trường và biến đổi sinh thái" (giải lần thứ ba). Nhưng “Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam – Cúp Rồng Tre” lần IV năm 2013 - 2014 (do Báo Thể thao &Văn hóa- Thông tấn xã Việt Nam, tổ chức), lại là một sân chơi "rộng đất" cho sáng tạo của các tác giả, khi  BTC quyết định trở lại với đề tài tự do như lần tổ chức đầu tiên. Và xem ra,  xu hướng tự do này sẽ còn được duy trì từ nay về sau.

Theo lý giải của BTC, "lợi thế" của xu hướng tự do là góp phần làm cho những sáng tạo của các tác giả được phong phú, đa dạng hơn; đồng thời số tác phẩm dự thi cũng sẽ nhiều và chất lượng hơn. "Mong muốn của BTC giải Biếm họa là giải thưởng sẽ phản ánh bức tranh toàn diện nhất, điển hình nhất về mọi mặt của đời sống xã hội qua con mắt biếm họa trong khoảng thời gian 2 năm, từ khi kết thúc nhận tác phẩm lần trước, đến kết thúc nhận tác phẩm lần này. Qua đó, khẳng định vai trò quan trọng của biếm-họa-báo-chí, với tư cách là một thể loại báo chí đặc biệt, trong việc bám sát tình hình thời sự, nhất là các vấn đề nổi cộm; nhờ đó trở thành cuốn “biên niên sử” của thời đại bằng tranh, mà mỗi kỳ giải thưởng là một dịp để tổng kết lại mỗi giai đoạn 2 năm của cuốn “biên niên sử" này", đại diện BTC, bà Trương Lê Kim Hoa - TBT báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), Trưởng BTC cuộc thi, chia sẻ.

"Không giới hạn đề tài cũng tạo điều kiện cho các tác giả biếm họa, nhất là các tác giả không chuyên, dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, cũng có thể đóng góp góc nhìn của mình đối với cuộc sống theo tiêu chí 'Cho nhau nụ cười'", bà Trương Lê Kim Hoa nhấn mạnh.

Theo BTC, với hai mặt xây và chống, các tác giả dự thi năm nay sẽ có thể mở rộng biên độ của cảm hứng sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống trong khoảng thời gian từ 2012 – 2014, đặc biệt là những chủ đề thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận trong thời gian này như: Môi trường, biến đổi khí hậu, giao thông, y tế, giáo dục, showbiz, hay những biểu hiện suy thoái đạo đức trong xã hội…

Thời gian nhận tranh dự thi  từ 14/11/2013 - 14/2/2014, tại tòa soạn Thể thao & Văn hóa. Các tác phẩm dự thi đáp ứng tiêu chí của cuộc thi sẽ được giới thiệu trên trang web:  www.thethaovanhoa.vn/biemhoa, để công chúng thưởng thức, bình chọn, làm cơ sở để Hội đồng giám khảo xét các giải bình chọn của cộng đồng", đại diện BTC chia sẻ.

"Thắp lửa" cho Biếm họa

Biếm họa là một trong những thể loại báo chí của Việt Nam, xuất hiện từ những ngày đầu của lịch sử báo chí, nhưng theo thời gian, biếm họa đến nay vẫn chưa thực sự có được vị trí xứng đáng của mình. Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết: Hiện nay Hội Nhà báo vẫn chưa biết xếp biếm họa vào thể loại báo chí nào trong danh mục giải thưởng báo chí quốc gia hàng năm, và cũng nhiều người cho rằng nếu mức giải thưởng cho giải biếm họa cũng như những giải báo chí khác thì sẽ là không hợp lý; vì vậy hiện nay Hội vẫn tạm gác lại thể loại này trong danh mục giải thưởng báo chí.

Trước thông tin trên, không nhiều người tham dự lễ phát động cảm thấy bất ngờ; song rõ ràng rất nhiều người thấy "chạnh lòng" cho Biếm họa vì "nỗi niềm" này. Bởi lẽ, dù chính bản thân Hội Nhà báo đã có đánh giá cao với thể loại này, nhưng sự nhìn nhận của xã hội, thậm chí những người trong nghề với thể loại này vẫn chưa hoàn toàn đúng đắn.

Bên cạnh  đó, chính bản thân Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng chưa thực sự "coi trọng" thể loại này. Tổng số họa sĩ vẽ biếm họa là Hội viên Hội Mỹ thuật hiện chỉ có 20 người, như tiết lộ của  họa sĩ Thành Chương – Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ngành Đồ họa, Hội Mỹ thuật VN.

Theo họa sĩ Thành Chương, chỉ tới khi giải Biếm họa "Cúp Rồng tre" của báo TT &VH được phát động, hội mới thực sự "thức tỉnh" và quan tâm nhiều hơn tới tranh biếm họa, và bắt đầu có sự đầu tư cho thể loại tranh mang nhiều đặc thù này. "Chúng tôi đã bắt đầu chọn những tác phẩm biếm họa để đăng trên tạp chí Mỹ thuật, đồng thời cũng có sự hỗ trợ, tài trợ cho các tác giả để tăng thu nhập vì trên thực tế, thể loại này rất khó bán được tranh. Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức những triển lãm tranh biếm họa vào năm không có giải Biếm họa "Cúp Rồng tre", như một bước đệm cho giải thưởng", họa sĩ Thành Chương chia sẻ.

Với một thực tế này, càng thấy ý nghĩa của giải Biếm họa "Cúp Rồng tre" trong vai trò "bà đỡ" cho các tác giả biếm họa nói riêng và nền biếm họa Việt Nam nói chung. Và hiểu vì sao, đây là một giải thưởng có giá trị và có tiếng vang ngày càng xa sau mỗi kỳ tổ chức.


 P.V


Xem nhật ký EURO bằng tranh biếm họa
Xem nhật ký EURO bằng tranh biếm họa

Cuộc thi biếm họa "Nhật ký EURO bằng tranh" đã kết thúc ngày 29/6 bằng một cuộc trưng bày hơn 50 bức vẽ nổi bật nhất tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN