Tranh thêu nhận giải "100 thương hiệu nổi tiếng ASEAN"

Bà Nguyễn Thị Hữu Hạnh ở thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng là nghệ nhân thêu tay duy nhất của tỉnh Lâm Đồng sẽ được vinh danh tại buổi lễ phong tặng và vinh danh NSND, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ do Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương tổ chức vào tối 26/8 tại Thủ đô Hà Nội.

Sản phẩm tranh thêu Hữu Hạnh cũng vừa được nhận giải thưởng “Top 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ nổi tiếng ASEAN năm 2016”. Trong lúc nghề thêu đang ngày càng bị mai một, người theo nghề ngày càng giảm thì sản phẩm tranh thêu tay Hữu Hạnh vẫn có chỗ đứng, là một dòng tranh nghệ thuật được công chúng đón nhận. 

Dòng tranh thêu tay Hữu Hạnh có chỗ đứng không chỉ trong nước mà còn cả trên thị trường thế giới là nhờ công sức rất lớn của nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh. Bà Hạnh bước vào nghề thêu từ năm 12 tuổi, đến năm 17 tuổi bà đã có các sản phẩm thêu tay xuất khẩu sang các nước Đông Âu và Nhật Bản. Gần 50 năm trong nghề, bà Hạnh vẫn giữ được nhiệt huyết và đã truyền “lửa” nghề đến rất nhiều học trò. Nhiều học trò xuất sắc của bà hiện nay vẫn gắn bó với bà, với Công ty trách nhiệm hữu hạn Thêu nghệ thuật và Mỹ nghệ Hữu Hạnh để tạo nên một dòng tranh thêu tay độc đáo. Trong đó có thể đến những cái tên Tạ Thị Lài, Nguyễn Thị Trang, Phạm Ngô Nhật Thảo, Phan Trần Nhã Trang, Nguyễn Thị Chi, Lê Thị Diễm Quỳnh... 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh bên sản phẩm tranh thêu của mình.

Bà Hữu Hạnh hiện là cố vấn kỹ thuật của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thêu nghệ thuật và Mỹ nghệ Hữu Hạnh. Hơn 15 năm nay, dưới áp lực thay đổi của công nghệ, việc tiêu thụ sản phẩm tranh thêu tay bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những tác phẩm tranh thêu máy. Vì vậy, để sản phẩm tranh thêu tay Hữu Hạnh có chỗ đứng trên thị trường, bà Hạnh đã nghiên cứu đưa kỹ thuật thêu ứng dụng vào mỹ thuật, hội họa; tạo thêm những trường phái, dòng tranh thêu tay hiện đại như thêu 2 mặt, thêu nổi, 3D... Với những dòng sản phẩm này, bà Hạnh đã giành được hàng trăm giải thưởng trong và ngoài nước. 

Bà Hữu Hạnh chia sẻ: Danh hiệu nghệ nhân ưu tú mang ý nghĩa lớn, khẳng định công sức của tôi trong nhiều năm qua đã cố gắng dạy nghề, thành lập công ty, cơ sở thêu... tạo cho tôi động lực để sáng tạo thêm nhiều ý tưởng hơn, làm nên nhiều sản phẩm mới. Từ đó, lan tỏa đến những nghệ nhân, thợ thêu khác, tạo thêm động lực cho họ đi theo nghề. 

Còn theo bà Phạm Ngô Nhật Thảo, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thêu nghệ thuật và Mỹ nghệ Hữu Hạnh, công ty đang có dòng sản phẩm tranh thêu thực hiện theo đơn đặt hàng của các đối tác Nhật Bản và Na Uy. Những đường kim, mũi chỉ tinh xảo của những người thợ thêu của công ty đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất của những khách hàng Nhật Bản, vốn nổi tiếng là những người tỉ mỉ và khó tính. Dòng tranh thêu cho khách hàng Nhật Bản thường là những họa tiết rất nhỏ để trang trí trên những bộ trang phục truyền thống của họ. 

Nghề thêu thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại là một nghề cần sự cẩn trọng, kiên nhẫn và sức sáng tạo cao. Thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hữu Hạnh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thêu nghệ thuật và Mỹ nghệ Hữu Hạnh đã đào tạo nghề cho hơn 1.000 người, rất nhiều trong số đó là người khuyết tật. Những thợ thêu thạo nghề có thể đạt mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. 

Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đã ghi nhận những cống hiến của bà Nguyễn Thị Hữu Hạnh cùng với rất nhiều cộng sự, nghệ nhân, thợ thêu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thêu nghệ thuật và Mỹ nghệ Hữu Hạnh. Điều này góp phần tạo thêm động lực để nhiều thợ thêu tay gắn bó với nghề, góp phần đưa dòng tranh thêu tay phát triển mạnh mẽ hơn.
Phạm Kha
Khai trương phòng triển lãm tranh thêu tay XQ Hạ Long
Khai trương phòng triển lãm tranh thêu tay XQ Hạ Long

Sau hơn 1 tháng chuẩn bị, 18 giờ ngày 29/10, tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh,Công ty TNHH XQ Việt Nam chính thức khai trương gian trưng bày, giới thiệu nghệ thuật tranh thêu tay XQ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN