Đêm 14 tháng Giêng năm Quý Tỵ (tức đêm 23/2/2013), Lễ Khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định) đã diễn ra tại đền Thiên Trường. Từ chiều ngày 14 tháng Giêng, lượng người đến lễ tại khu vực đền Trần đã rất đông, nhiều người phải chen chúc để có được một chỗ đứng bên trong đền.
Trước giờ khai ấn, trên các ngả đường dẫn vào khu di tích đền Trần, nơi diễn ra lễ Khai ấn đều đông nghịt người. BTC đã bố trí nhiều chốt an ninh, với những hàng rào sắt được dựng lên, ngăn không cho những người không có thẻ, không có giấy mời đi vào khu vực đền. Mặc dù vậy, lượng người có mặt trong khu vực sân đền Thiên Trường, nơi diễn ra lễ Khai ấn vẫn đông nghịt, dòng người nhích từng tý một để đi vào khu vực bên trong.
Dòng người chen lấn, xô đẩy tại Lễ Khai Ấn.
|
Từ 22h, các nghi thức của lễ Khai ấn được thực hiện một cách trang nghiêm. Sau nghi lễ dâng hương của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Nam Định, đúng 22h40 kiệu ấn được 120 người đại diện cho các tầng lớp nhân dân làng Tức Mạc, phường Lộc Vượng rước từ đền Cố Trạch thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sang đền Thiên Trường, nơi đặt bài vị của 14 vị vua Trần. Sau bài diễn văn ca ngợi công lao to lớn của Vương triều Trần, nêu cao ý nghĩa của tục lệ Khai ấn xưa, nghi lễ Khai ấn được thực hiện hết sức trang nghiêm vào đúng giờ Tý tại nội cung đền Thiên Trường theo nghi thức truyền thống.
Lễ Khai ấn đền Trần năm nay vẫn còn nhiều hình ảnh chưa đẹp diễn ra. Khi đoàn rước kiệu các vua Trần đi vào sân đền Thiên Trường, rất đông khách thập phương ở nơi đoàn rước kiệu đi qua và trong khu vực sân đền đua nhau gấp nhỏ những tờ tiền đủ các loại mệnh giá, tìm mọi cách ném vào chiếc kiệu mà đoàn người rước đi qua. Những cơn “mưa tiền” như những đàn châu chấu rào rào bay vào những chiếc kiệu, bắn ra xung quanh.
Để cố ném cho được tiền vào kiệu, có người đã phải ném tiền rất nhiều lần. Một du khách hồ hởi khoe, sau khoảng 20 ném, anh mới ném được đồng tiền vào kiệu có 1 lần… Sau khi kiệu đi qua, rất nhiều người lại tranh nhau xông vào nhặt những đồng tiền vừa được ném để nhặt lấy “lộc thánh”. Người nhặt được lộc thì hỷ hả, soi xem tờ tiền của mình có số sêri là bao nhiều, người không nhặt được lộc thì tiếc rẻ…
Ai nấy đều muốn xin được lộc của nhà đền.
|
Trong khi BTC không ngừng thông báo trên loa là mọi người không được tự ý lấy hoa quả, đồ thờ cúng ở trên kiệu, trên bàn thờ mà hãy trật tự xếp hàng để được nhận lộc do nhà đền phát ra, nhưng nhiều người vẫn bỏ ngoài tai lời nhắc nhở, xông vào tranh cướp và cố giành cho mình một nhành hoa, một cây nến hay bất cứ thứ gì có thể lấy được trên ban thờ của nhà đền…
Cướp được lộc, lại chen lấn, thậm chí dẫm trên vai người khác để chen ra ngoài. Trong quá trình chen lấn vào đền, ở khu vực cổng chính vào đền, một cụ bà hơn 60 tuổi đã bị xô ngã, bị nhiều người dẫm lên và ngất xỉu, phải mất một lúc lâu mới tỉnh lại.
Để xin được lộc nhà đền đầu năm, rất nhiều người cố gắng chen vào trong đền, cửa ra vào đền Thiên Trường luôn chật cứng người, tình trạng chen lấn nghẹt thở đó diễn ra trong vòng khoảng 1-2 tiếng đồng hồ, đến tầm 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng, lượng khách bắt đầu thưa dần. Mướt mồ hôi mới chen được ra ngoài, ông Nguyễn Văn Vinh, một du khách đến từ Hà Nam cho biết: “Người đông quá, chen vào đã khó, chen ra còn khó hơn. Năm sau chắc chắn sẽ không đi vào giờ này, vì đằng nào cũng không lấy được ấn, lại chen lấn khổ sở…”.
Mặc dù năm nay đã là năm thứ 2 thực hiện phương án phát ấn mới theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có nghĩa là sau các nghi thức khai ấn, đến 7 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng mới phát ấn, Tuy nhiên, rất nhiều du khách thập phương vẫn không nắm được thông tin này, nên vẫn cố chen vào lấy ấn, đến khi biết sáng hôm sau mới phát ấn thì lại thất vọng quay ra. Anh Nguyễn Minh Đức, một du khách đến từ Ninh Bình cho biết: “Do không biết việc đổi giờ phát ấn, nên tôi đã đi từ Ninh Bình sang đây, mong lấy được lá ấn về nhà. Sang đến đây mới biết là sáng mai mới được phát ấn, giờ tôi chưa biết sẽ nghỉ ở đâu để chờ đến sáng mai lấy ấn mang về…”.
Nạn trộm cắp ở khu vực đền Trần năm nay vẫn hoành hành, nhiều du khách trong quá trình chen chân vào đền Trần đã bị kẻ gian lấy trộm điện thoại, ví tiền… Tình trạng ăn xin, ăn mày vẫn xuất hiện. Rất nhiều người bị mất ví, giấy tờ và điện thoại đã vào nơi trực của Ban tổ chức để khai báo mất cắp.
Đây là năm thứ hai Lễ hội Khai ấn được tổ chức theo kịch bản mới do Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố xây dựng và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt. Theo đó, lễ hội Khai ấn đền Trần được tổ chức trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng Giêng Âm lịch với trọng tâm là Lễ khai ấn đêm ngày 14 tháng Giêng. Lễ phát ấn Xuân Quý Tỵ cho nhân dân và du khách thập phương sẽ tổ chức từ 7 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng Âm lịch (tức ngày 24/2) tại ba nhà Giải Vũ và nhà trưng bày của đền Trùng Hoa, chất liệu phôi ấn năm nay là một loại giấy màu vàng.
Được biết, để đảm bảo Lễ hội Khai ấn đền Trần năm nay diễn ra trang nghiêm và an toàn, tỉnh Nam Định đã huy động lực lượng an ninh gồm 2.500 người, trong đó có 600 lực lượng chính quy, với hàng chục vòng chốt bảo vệ. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn bố chí lực lượng phòng cháy chữa cháy hùng hậu, cùng với 5 lều y tế và gần chục xe cứu thương. Lễ Khai ấn Xuân Quý Tỵ diễn ra vào cuối tuần cùng với thời tiết đẹp, nên có tới hàng vạn dân địa phương và du khách thập phương đổ về đền Trần, đông hơn hẳn so với năm ngoái.
Phương Lan