Trân quý di sản đồ sộ của nhà Việt Nam học Ivo

Đã qua giỗ đầu của Tiến sỹ Ivo Vasiljev - nhà Việt Nam học xuất sắc, người bạn lớn của cộng đồng người Việt tại CH Séc. Bác đã để lại một kho kỷ vật rất phong phú liên quan đến Việt Nam. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để lưu trữ và sử dụng những tư liệu quý giá này một cách hiệu quả.

Di sản đồ sộ

Người Việt Nam ở CH Séc thường trân trọng và trìu mến gọi Tiến sỹ ngữ học Ivo Vasiljev là “bác Ivo”. Tiến sỹ Ivo Vasiljev sống cuộc đời giản dị, không màng đến danh lợi, tiền tài. Từ khi còn trẻ cho đến lúc mất ở tuổi 81, bác dành rất nhiều tâm huyết, sức lực và thời gian cho tình yêu Việt Nam.

Bác Ivo (phải) và ông Nguyễn Quyết Tiến trong một buổi giới thiệu Từ điển Séc - Việt.

Bác mất khi trên bàn làm việc ở thành phố Ceske Budejovice còn ngổn ngang những tấm thẻ ghi chú các cụm từ để chuẩn bị cho tập năm của bộ Đại từ điển Giáo khoa Séc - Việt. Bác Ivo đã không kịp thực hiện ý nguyện là hoàn thành trọn bộ sáu tập cùng với soạn giả Nguyễn Quyết Tiến.

Nhưng những gì mà bác Ivo Vasiljev và ông Nguyễn Quyết Tiến đã làm thật đáng khâm phục. Tập 1 của bộ Đại từ điển được ra mắt vào tháng 11/2013 (có 10.100 mục từ và 630 trang), tập 2 - tháng 11/2014 (có 9.200 mục từ và 690 trang), tập 3 - tháng 11/2015 (có 19.200 mục từ và 930 trang).

Tập 4 được hoàn thành không lâu trước khi bác Ivo qua đời gồm 21.000 mục từ và 800 trang. Công trình hướng tới phục vụ thế hệ người Việt được sinh ra tại Séc và có nhu cầu học tiếng mẹ đẻ cũng như một số người Séc quan tâm đến tiếng Việt. Đây không đơn thuần chỉ là những cuốn từ điển mà gần như là bộ bách khoa toàn thư được soạn bằng hai ngôn ngữ và đề cập nhiều lĩnh vực - xã hội, văn hóa, lịch sử, địa lý, sinh vật học...

Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Việt Nam tặng bác Ivo.

Tháng 5/2016, Hội đồng Dịch thuật toàn quốc Cộng hòa Séc đã tổ chức lễ công bố và trao Giải thưởng Từ điển 2016. Đại từ điển giáo khoa Séc - Việt dù mới hoàn thành 3 trong tổng số sáu tập vẫn được trao giải nhì. Từ cuối năm 2015, sức khỏe của bác Ivo bắt đầu yếu đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Bác chạy đua với thời gian, với bệnh tật.

Có thời kỳ tưởng như ý chí sắt đá và tình yêu đối với Việt Nam đã đẩy lùi được số phận. Bác từng tâm sự với phóng viên Tin tức: “Tôi 80 tuổi Tây rồi. Ở cái tuổi đó thì tôi nghĩ là mình rất khỏe và rất là may mắn. Tất nhiên là không thể tránh khỏi những lúc trái nắng trở trời. Nhưng tôi luôn luôn cố gắng giữ sức khỏe, cố gắng làm việc. Thực ra nếu có một công việc lớn đòi hỏi tập trung sức khỏe và ý chí thì đây là điều kiện thuận lợi cho mình sống khỏe”.

Những kỷ vật quý giá


Giờ đây soạn giả Nguyễn Quyết Tiến không còn người cộng sự tâm huyết, nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện việc biên soạn bộ Đại từ điển theo đúng lịch trình như ông và bác Ivo đã lập ra. Ông cho chúng tôi xem Giấy ủy thác viết tay, đúng hơn là bản di chúc của bác Ivo dành cho đồng tác giả của bộ từ điển.

Giấy ủy thác nêu rõ: “Trong trường hợp người ký tên dưới đây ở giai đoạn sau của cuộc đời vì lý do sức khoẻ hoặc qua đời thì kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến (và những thành viên có trình độ chuyên môn về ngôn ngữ trong gia đình của ông) được toàn quyền sử dụng tác phẩm này, tức là Đại từ điển Giáo khoa Séc - Việt và tất cả các tư liệu đã cùng nhau soạn thảo để tiếp tục công việc nhằm hoàn thành toàn bộ tác phẩm trong thời gian dự kiến, cũng như việc bổ sung, hiệu đính nó và sau này dự định sẽ soạn thảo Đại từ điển Giáo khoa Việt - Séc (chiều ngược lại của Đại từ điển Séc - Việt)”.

Ông Nguyễn Quyết Tiến cho biết: “Trước lúc mất, anh Ivo có nói một câu là ‘Thiếu tôi thì không sao, anh vẫn làm được nhưng mà thiếu anh mới khó’. Nhớ anh, tôi quyết tâm làm bằng được với tinh thần như hai anh em đã làm cho bốn tập trước, tức là rất kỹ, rất tỉ mỉ. Tất nhiên, thiếu anh Ivo thì sẽ buồn, thiếu đi một người bạn tâm huyết mà có thể trao đổi với nhau hàng ngày, chỉnh sửa thật kỹ. Nhưng để bù đắp lại thì anh cũng có giới thiệu một số học giả trong các trường đại học ngôn ngữ. Những người đó sẵn sàng giúp”.

Bộ Từ điển Giáo khoa Séc - Việt.

Đúng dịp giỗ đầu của tiến sỹ Vasiljev, anh Hà Mạnh Hùng, một người Việt ở Ceske Budejovice, đã tâm sự với phóng viên Tin tức về tình cảm sâu nặng mà vợ chồng anh dành cho bác. Mới gặp bác Ivo lần đầu Hùng đã hết sức ngưỡng mộ về tài nói tiếng Việt “chuẩn như phát thanh viên Hà Nội”.

Còn khi đã gần gũi, biết tiến sỹ Vasiljev đã dịch ra tiếng Séc “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng làm phiên dịch trong buổi Bác Hồ tiếp các nhà lãnh đạo Tiệp Khắc tại Hà Nội thì anh coi bác như người cha của mình. Trong những tháng bác Ivo giành giật sự sống với căn bệnh hiểm nghèo mà người thân của bác ở xa thì anh Hùng, chị Yến và một số bạn bè vẫn thường xuyên thăm hỏi, mang đến cho bác những món ăn Việt mà bác thích.

Giờ đây bác Ivo đã yên nghỉ ở nghĩa trang gần nhà. Và suốt một năm qua, vợ chồng anh Hùng thường xuyên đến thăm mộ, trồng hoa, thắp cho bác ba nén hương thơm như cách mà người Việt ứng xử với người thân đã khuất. Anh Hùng nhớ lại, khi nghe tin căn hộ của bác Ivo đã sang tên đổi chủ thì trong đầu anh chỉ kịp lóe lên ý nghĩ bằng mọi giá phải giữ lấy những kỷ vật liên quan đến Việt Nam do bác Ivo để lại.

Anh đã xếp hàng nghìn cuốn sách của bác Ivo vào trong các thùng giấy và đưa về nhà mình để lưu giữ. Anh cho rằng nếu có thể mở được phòng lưu niệm để cộng đồng người Việt vào tham quan thì rất có ý nghĩa. Ý tưởng của anh Hà Mạnh Hùng được ông Hoàng Đình Thắng, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc và giờ đây là Chủ tịch Liên hiệp các hội người Việt Nam tại châu Âu, ủng hộ. Ông cũng là người có nhiều năm gắn bó với bác Ivo.

Ông nói: “Bác Ivo Vasiljev là một người có tình cảm rất đặc biệt đối với người Việt Nam cũng như đất nước Việt Nam. Cả cuộc đời bác có thể nói là rất gắn bó với Việt Nam, rất gắn bó với cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc. Cho nên những kỷ vật của bác để lại thì tôi nghĩ là rất cần phải lưu giữ. Cái này chắc chắn Hội Người Việt Nam phải bàn để làm sao lưu giữ không phải cho ngày hôm nay mà các thế hệ sau này cũng biết là có những người Séc suốt cả cuộc đời đã tận tụy đối với cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc, cũng như là tình cảm rất đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam ta”.

Bài và ảnh: Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)
Đại sứ quán thăm hỏi, tặng quà Tết cộng đồng người Việt tại Séc
Đại sứ quán thăm hỏi, tặng quà Tết cộng đồng người Việt tại Séc

Chiều 11/2, Đại sứ Hồ Minh Tuấn và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc đã đến thăm hỏi và tặng quà Tết cho các gia đình là nạn nhân của vụ cháy chợ ở thành phố Cheb (Khép) hồi cuối năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN