Trai làng Thạch Bàn cởi trần, ngồi bệt thi kéo co

Lễ hội đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) diễn ra sôi nổi trong ngày 23/4, với nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi, thu hút sự tham gia của nhiều thanh niên địa phương.

Clip trai làng cởi trần, ngồi bệt thi kéo co:

Kéo co ngồi đã trở thành một nghi thức văn hoá dân gian lâu đời, độc đáo được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trò chơi kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ là một trò diễn mang tính nghi lễ, thể hiện ý chí quyết tâm và sức mạnh đoàn kết của người dân.

Chú thích ảnh
Ba đội trưởng của ba mạn tiến hành nghi lễ nâng bó song mây (một loại cây dẻo dai và chắc chắn) được dùng để làm dây kéo co. Cuộn dây kéo được các đội trưởng nâng lên 3 lần khi hành lễ.

Lễ hội đền Trấn Vũ được tổ chức vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm, nhằm thể hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ảnh những ước mơ, khát vọng của con người mong muốn có cuộc sống an bình. Lễ hội diễn ra với những nghi thức truyền thống của địa phương, thể hiện bức tranh văn hóa và phong tục của người dân sinh sống ven sông Hồng.

Chú thích ảnh
Cây song được các đội rước ra khoảnh đất trước sân đền để thi đấu.

Nghi lễ kéo co ngồi đền Trấn Vũ là một nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có một không hai, được trình diễn vào dịp lễ hội.

Nghi lễ “kéo co ngồi” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cùng với Campuchia, Hàn Quốc, Philippines.

Theo truyền thuyết, xưa kia làng Ngọc Trì gặp hạn hán, có 12 cái giếng thì chỉ còn giếng thuộc xóm (gọi là mạn) Đìa còn nước. Trai mạn Đường, mạn Chợ xuống giếng mạn Đìa lấy nước bị trai mạn Đìa ngăn không cho lấy. Thời đó, nước gánh bằng quang làm từ dây song.

Khi hai bên giằng co, sợ nước đổ nên ngồi xuống đất ôm lấy cả thùng nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng, cầu cho mưa thuận, gió hòa.

Tiêu chuẩn để tuyển chọn người kéo là gia đình phải nền nếp, gia giáo, có 5 đời sinh sống ở làng trở lên. Ngọc Trì có ba mạn là Đường, Đìa, Chợ. Mỗi mạn được cử một đội kéo co đại diện.

Chú thích ảnh
Trai kéo co cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ in tên từng mạn. Tùy theo mỗi năm, mỗi đội có 15 - 25 người tham gia và một Tổng cờ.
Chú thích ảnh
Trai kéo cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít dây đỏ. Tổng cờ mặc áo đỏ, khăn đỏ. Các đội thi đấu vòng tròn. Đội nào thắng 2 trận sẽ vô địch.

Trước khi thực hành kéo co, các mạn chuẩn bị lễ vật tập trung trước sân đền lễ Thánh. Lễ vật nhiều ít tùy tâm nhưng không thể thiếu thủ lợn phủ mỡ chài đặt trên mâm xôi nếp. Tiếp đó, các mạn nghe thể lệ thi đấu, bốc thăm và đại diện ba đội lên nâng cây song (một loại cây dẻo dai và chắc chắn dùng để kéo co) ba lần theo nghi lễ trước khi mang song ra sân thi đấu.

Chú thích ảnh
Khác với hội thi kéo co bình thường, vật sử dụng để kéo trong hội thi là cây song to và nhẵn dài khoảng 50m, được kéo qua một lỗ nhỏ trên cột trụ.

Trai kéo co cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ in tên từng mạn. Khác với hội thi kéo co bình thường, vật sử dụng để kéo trong hội thi là cây song to và nhẵn dài khoảng 50m, được kéo qua một lỗ nhỏ trên cột trụ.

Chú thích ảnh
Tư thế kéo ngồi thiếu lực trụ, vì vậy người chơi phải dùng chân đạp vào cây cột ở giữa hoặc cắm gót chân xuống đất để làm trụ lực.

Hàng chục thanh niên ngồi qua một cây song dài từ 50 m, đường kính 5 cm. Trước khi diễn ra lễ hội, cây được ngâm nước để dễ dàng uốn thẳng và đàn hồi. Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, song được kẹp chặt dưới nách của tay co. Sau khi có hiệu lệnh bằng 3 hồi trống khẩu, nêm được tháo ra, hai tổng phất cờ hô hiệu lệnh và các đội bắt đầu kéo. Cái hay của việc kéo co ngồi là mỗi người đều dùng tay để ghì chặt cây song, chân đạp thành hố sâu dưới đất để tạo lực. Người tham gia thì phải có sức khỏe với thân hình vạm vỡ và rất săn chắc.

Chú thích ảnh
Các đội thi đấu trong sự reo hò cổ vũ của dân làng và du khách thập phương. Trong tiếng trống hội rộn rã, tiếng hò reo cổ vũ cả dân làng, trai tráng khoẻ mạnh nhanh tay ra sức kéo cây song.

Cột trụ thường là gỗ lim to được chôn sâu dưới đất để làm điểm tựa. Trên thân cột được đục một lỗ tròn ngang đầu gối người lớn để luồn dây song. Những người ngồi đầu mỗi đội chơi thường lấy chân đạp vào cột để tăng sức kéo.

Chú thích ảnh
Trai tráng trong làng căng sức để mang lại chiến thắng cho đội mình. Sự cố gắng, quyết liệt mỗi hiệp kéo biểu cảm rõ nét trên từng người tham gia kéo.
Chú thích ảnh
Trong tiếng trống hội rộn rã, tiếng hò reo cổ vũ cả dân làng, trai tráng khoẻ mạnh nhanh tay ra sức kéo cây song. Đội chiến thắng sẽ rước cuộn song mây trở lại đình làng.

Nghi lễ kéo co ngồi truyền thống đền Trấn Vũ là niềm tự hào của nhân dân phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Việc thực hành nghi lễ góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong gìn giữ di sản để trao truyền cho các thế hệ sau và lan tỏa giá trị di sản ra cộng đồng, cũng như ra toàn thế giới.

Tin, ảnh, clip: L. Sơn/Báo Tin tức
Nghi lễ kéo co ngồi đền Trấn Vũ được vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại
Nghi lễ kéo co ngồi đền Trấn Vũ được vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại

Sáng 7/4, nghi lễ kéo co ngồi truyền thống đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) đã được nhận bằng ghi danh của UNESCO, trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN