Tiếp nhận các tác phẩm quý hiếm của nữ danh họa Lê Thị Lựu

Ngày 23/11, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tiếp nhận và khai mạc Trưng bày sưu tập chủ đề “Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn”.

Chú thích ảnh
Bà Thụy Khuê (phải) trao tặng tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Bộ sưu tập bao gồm 29 tác phẩm hội họa, trong đó có 26 bức tranh đặc sắc của nữ danh họa Lê Thị Lựu (sáng tác giai đoạn 1940 – 1988), do ông Lê Tất Luyện và bà Thụy Khuê sưu tập và trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, công chúng yêu nghệ thuật có cơ hội tiếp xúc trực tiếp những tác phẩm hội họa quý báu của nữ danh họa tài danh đầu tiên trong ngành Mỹ thuật Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20.

Bà Lê Thị Lựu sinh năm 1911, tại làng Thổ Khối, Phú Thuận, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc về địa giới quận Long Biên, Hà Nội). Năm 1927, trong khi phần lớn phụ nữ Việt Nam đoan trang nép mình nơi khuê phòng, bà Lê Thị Lựu đã tự tin ghi danh vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Với niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, bà Lê Thị Lựu trở thành nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp Thủ khoa khóa III (1927 – 1932) tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Từ đó, như những họa sĩ đương thời, họa sĩ Lê Thị Lựu tích cực hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, cùng với những thay đổi, khó khăn của thời cuộc lúc bấy giờ, sự nghiệp sáng tác hội họa của bà Lê Thị Lựu cũng đã trải qua nhiều thăng trầm. Đến năm 1940, họa sĩ Lê Thị Lựu theo chồng là ông Ngô Thế Tân sang Pháp định cư. Do vậy, hầu hết tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu đều được lưu giữ tại Pháp.

Được tiếp xúc với họa sĩ Lê Thị Lựu tại Pháp, nhà phê bình văn học Thụy Khuê cho biết, tranh của bà Lê Thị Lựu có những nét độc đáo rất khác biệt và đặc trưng. Khi xem tranh của bà Lê Thị Lựu, người xem có thể cảm nhận được các nét vẽ rất mềm mại, thánh thoát, thơ mộng như chính tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, người xem còn thấy trong tranh của bà Lê Thị Lựu là những nét rất sắc sảo, mạnh mẽ, thể hiện cách nhìn của một người phụ nữ cá tính, độc lập. Tuy vậy, nhìn chung, các tác phẩm tranh của bà Lê Thị Lựu đều có chủ đề chung về phụ nữ và trẻ em.

Giới chuyên môn đánh giá, Việt Nam không dễ dàng có được bộ sưu tập của các họa sĩ Đông Dương như bộ sưu tập tranh lần này được hiến tặng tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Bởi, đây là những tác phẩm quý hiếm không chỉ mang giá trị về mặt mỹ thuật, mà còn có ý nghĩa về mặt văn hóa, xã hội, là nhân chứng một thời của một giai đoạn phát triển lịch sử mỹ thuật dân tộc.

Chú thích ảnh
 Ông Lê Tất Luyện (phải) trao tặng tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Bà Nguyễn Kim Phiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh bày tỏ, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố vinh dự được chọn là nơi giữ gìn, phát huy 29 tác phẩm trong đó có 26 bức tranh đặc sắc và nhiều tư liệu của họa sĩ Lê Thị Lựu. Những tác phẩm này đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao, có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Một số tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu tạo được dấu ấn quan trọng trong nền mỹ thuật Việt Nam trong mối tương quan của hội họa thế giới. Đặc biệt hiện nay đang có những phiên đấu giá tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu rất cao trên thị trường tranh quốc tế.

Tại buổi trưng bày “Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn”, khách tham quan được chiêm ngưỡng các bức họa nổi tiếng của nữ danh họa Lê Thị Lựu cùng một số hình ảnh, tư liệu quý. Phần 1 bao gồm 18 tác phẩm chất liệu lụa, sơn dầu và hai bản sao chụp tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu, do ông Ngô Thế Tân, chồng của họa sĩ Lê Thị Lựu trao tặng cho bà Thụy Khuê vào năm 1994. Phần 2 gồm 9 tác phẩm lụa, sơn dầu thuộc bộ sưu tập riêng của bà Thụy Khuê và ông Lê Tất Luyện, trong đó có 8 tác phẩm do họa sĩ Lê Thị Lựu sáng tác và một tác phẩm do ông Ngô Thế Tân sáng tác, tiêu biểu là các tác phẩm tranh như: “Ba mẹ con góa phụ”; “Mẹ địu con”; “Sơn nữ địu em”; “Nửa chừng xuân”….

Dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã xuất bản sách “Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn” của tác giả Thụy Khuê.

Gia Thuận (TTXVN)
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11: Múa Tắc Xình - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Chay
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11: Múa Tắc Xình - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Chay

Ngày 22/11, tại Không gian văn hóa Trà Tân Cương, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay tỉnh Thái Nguyên”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN