Tài sản quý của dân tộcNgày 15/7/2016, sau 72 năm ra đời và gắn bó với lịch sử dân tộc, thể theo nguyện vọng của nhạc sỹ Văn Cao lúc sinh thời và ý nguyện của gia đình, ca khúc “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được gia đình cố nhạc sỹ hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam, trở thành tài sản - báu vật chung của dân tộc.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận ca khúc “Tiến quân ca”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bài hát “Tiến quân ca” sáng tác trong những ngày đất nước đang sục sôi khởi nghĩa, giành độc lập, và được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Quốc ca của Việt Nam. Hơn 70 năm qua, ca khúc đã khẳng định sức sống mãnh liệt, gắn liền với sự kiện trọng đại của dân tộc, trở thành bài ca của cả dân tộc. Quốc ca như biểu tượng thiêng liêng về Tổ quốc Việt Nam và tiếp tục vang mãi như lời hiệu triệu non sông. Bài ca đã và sẽ mãi mãi là tài sản vô giá của nhân dân Việt Nam.
Nhắc đến hoàn cảnh ra đời bài hát lịch sử, họa sỹ Văn Thao, con trai cố nhạc sỹ Văn Cao kể, vào đầu tháng 10/1944, nhạc sỹ Văn Cao gặp một cán bộ Việt Minh tên gọi Vũ Quý, tại ga Hàng Cỏ. Vũ Quý khi ấy đang công tác tại Ban cán sự Đảng Hà Nội - nay là Thành ủy Hà Nội. Tại cuộc gặp này, Vũ Quý đã động viên Văn Cao tham gia hoạt động cách mạng và Văn Cao đồng ý.
Nhiệm vụ đầu tiên mà Vũ Quý giao cho nhạc sỹ Văn Cao là soạn một bài hát để động viên tinh thần cho Đội quân Cách mạng, với yêu cầu: Bài hát đó phải là một tiếng kèn xung trận, một hiệu lệnh xuất quân... Đó là chất xúc tác đầu tiên để nhạc sỹ Văn Cao cho ra đời bài “Tiến quân ca”. Cuối năm 1944, bài hát được hoàn thành, với những lời ca hào hùng: “Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa… Đoàn quân Việt Minh đi, sao vàng phấp phới, dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”. Và cuối cùng ở đoạn cao trào của bài hát như một lời hiệu triệu “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền…”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao trong lễ tiếp nhận bài “Tiến quân ca” và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sỹ, tổ chức ngày 15/7/2016, tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa /TTXVN |
Mấy ngày sau, gặp lại Vũ Quý, Văn Cao lấy cây đàn ghi ta vừa đệm vừa hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng, ông đề nghị Văn Cao chép lại cho ông một số bản để chuyển lên chiến khu. Cũng trong ngày hôm đó, Văn Cao được Vũ Quý giao nhiệm vụ cùng với Nguyễn Đình Thi sang hoạt động bên Đảng Dân chủ. Văn Cao chịu trách nhiệm phụ trách nhà in bí mật Phan Chu Trinh, trình bày báo Độc Lập và in tài liệu cho mặt trận Việt Minh. Nguyễn Đình Thi lo phần nội dung của tờ báo. Do người thợ viết chữ không viết được nốt nhạc, Văn Cao phải trực tiếp xuống cơ sở in bí mật tại làng Bát Tràng, tự tay viết và in bài “Tiến quân ca” trên trang văn nghệ của tờ báo Độc Lập số đầu tiên. Bài “Tiến quân ca” ra đời, và đã được chuyển đi khắp mọi nơi trên toàn quốc.
Tháng 8/1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở Quốc dân đại hội tại Tân Trào. Nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi được Bác giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến các đại biểu, chọn một số bài hát mang lên để Bác chọn làm Quốc ca. Sáng ngày 16/8, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi mang lên trình Bác 3 bài hát: Bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Chiến sỹ Việt Minh” và “Tiến quân ca” của Văn Cao, - để Bác chọn. Sau khi nghe Nguyễn Đình Thi hát, Bác Hồ quyết định chọn bài “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao làm Quốc ca, bởi theo Bác, bài hát này vừa thể hiện được ý chí, khát vọng của dân tộc, lại gắn gọn, dễ thuộc lời, dễ phổ cập, giai điệu lại hùng tráng… Trong kỳ họp này, Quốc dân đại hội đã thành lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc do Bác Hồ làm Chủ tịch, và nhất trí lấy lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ. Lấy bài “Tiến quân ca” làm bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh (Quốc ca).
Ngày 19/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trước hàng ngàn quần chúng nhân dân, giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, nhạc sỹ Văn Cao đã chỉ huy đội đồng ca thiếu niên tiền phong hát vang bài “Tiến quân ca”. Bài hát như một hồi kèn xung trận, đồng hành cùng quần chúng nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, góp phần làm nên Cách mạng tháng Tám.
Đến ngày 2/9/1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay dưới bầu trời xanh lộng gió, hàng chục vạn người dân Thủ đô có mặt tại Quảng trường Ba Đình đã hát vang bài “Tiến quân ca”.
Và những chuyện ít người biết Nghe những giai điệu hào hùng của Tiến quân ca, chắc hẳn nhiều người cho rằng, nhạc sỹ Văn Cao sáng tác Tiến quân ca khi ông đang cùng sục sôi chiến đấu, nếm mật nằm gai ở chiến khu… Song, ít người biết, nhạc sỹ Văn Cao sáng tác “Tiến quân ca” khi ông mới 21 tuổi, và ông chưa từng trải nghiệm thực tế cuộc sống của những người chiến sỹ cách mạng.
Những nốt nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca” được ông viết khi ông chứng kiến cảnh nhân dân đói khổ, lầm than dưới ách thống trị của thực dân. Họa sỹ Văn Thao nhớ lại: Trong cuốn hồi ký của mình, cha tôi đã viết: Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập một đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ… Tôi chưa gặp các chiến sỹ cách mạng của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy… Và tôi chỉ nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ hát được…”.
Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trên cả nước thành công, với đủ mọi thành phần và các đảng phái đã trúng cử vào Quốc hội khóa đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay trong ngày họp phiên toàn thể, Quốc ca đã bị đòi thay thế. Họa sỹ Văn Thao kể, ngày 2/3/1946, Quốc hội họp phiên toàn thể đầu tiên tại Nhà hát Lớn và bầu ra chính phủ mới, do Bác Hồ làm Chủ tịch. Ông Nguyễn Hải Thần của Quốc dân đảng làm Phó Chủ tịch.
Khi họp bàn về chọn Quốc ca, những đại biểu của Quốc dân đảng đưa ra bài “Việt Nam minh châu trời đông” của nhạc sỹ Hùng Lân, đòi thay thế bài “Tiến quân ca”, lập tức một đại biểu Quốc hội là nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi đứng lên, bắt nhịp và hát vang bài “Tiến quân ca”, cả hội trường đều đứng dậy hát theo, chỉ còn lại một vài đại biểu của Quốc dân đảng thuỗn mặt ngồi. Và “Tiến quân ca” đã được Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chọn làm Quốc ca. Đến năm 1955, Quốc hội đã mời nhạc sỹ Văn Cao tham gia sửa chữa một số chỗ về phần lời để phù hợp với tình hình thực tế, và đó chính là bài Quốc ca như hiện nay.