Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, xã Long Hưng, huyện Châu Thành là trung tâm cuộc khởi nghĩa ở Tiền Giang. Hơn 0 giờ ngày 23/11/1940, quần chúng Long Hưng khởi nghĩa, tự vũ trang, rầm rập kéo đến địa điểm quy ước trước, nghe Ủy ban khởi nghĩa phát lệnh và kéo đến nhà việc (trụ sở tề xã) giành chính quyền.
Từ ngày 23 – 30/11/1940, trên địa bàn Tiền Giang có 75/124 xã đứng lên giành chính quyền. Ngày 23/11/1940, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho thành lập tại đình Long Hưng. Đây là Chính quyền Cách mạng nhân dân cấp tỉnh của chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa quốc lần đầu tiên trên cả nước. Chính quyền cách mạng nhân dân tỉnh Mỹ Tho công bố các chính sách trừ gian diệt ác, giành lại quyền lợi chính đáng về tự do, dân chủ cho nhân dân.
Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho thành lập đặt tại đình Long Hưng. Hoạt động xét xử công khai bọn tay sai của giặc của Tòa có sự tham dự đông đảo của quần chúng nhân dân. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân lao động trực tiếp tham gia luận tội những tên tay sai bán nước hại dân thể hiện tính dân chủ của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Lần đầu tiên trên cả nước, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh chính thức xuất hiện trong Khởi nghĩa Nam kỳ và được treo trên ngọn cây bàng trước đình Long Hưng. Đó là những trang sử hết sức hào hùng trên quê hương Long Hưng.
Theo ông Lê Văn Hưởng, phát huy truyền thống cách mạng, thời gian qua, quân dân Tiền Giang ra sức thi đua yêu nước, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh giành được một số thành tựu nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 7,3%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng. Tỉnh đã xây dựng 107/143 xã nông thôn mới, đạt 146,8% so với Nghị quyết; có 2 huyện nông thôn mới là Gò Công Đông và Chợ Gạo; 3/3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ và cả hệ thống chính trị tỉnh đề cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, doanh nghiệp, chủ động hội nhập kinh tế vùng, hội nhập quốc tế; giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Là miền đất anh hùng, căn cứ cách mạng, cái nôi cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ tại Tiền Giang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Hưng thời gian qua phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, huy động các nguồn lực đất đai, lao động xây dựng lại quê hương đàng hoàng, to đẹp.
Xã hình thành vùng trồng cây ăn quả trên 1.000 ha với những chủng loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, hồng xiêm, bưởi da xanh, dừa… Từ chỗ tuyệt đại bộ phận nhân dân đều nghèo khó, thiếu thốn, thậm chí thiếu ăn lúc giáp hạt trước đây, đến nay, Long Hưng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,1% (mục tiêu nhiệm kỳ 2015 – 2020 đặt ra là còn 3,5%).
Đến tháng 11/2020, Long Hưng cơ bản đạt 18/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu để được công nhận và ra mắt xã nông thôn mới vào cuối năm 2020. Ngày nay, cụm khu di tích Nam Kỳ khởi nghĩa tại đình Long Hưng đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, là nơi về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay. Phát huy hào khí Khởi nghĩa Nam Kỳ năm xưa, Long Hưng đang tiến lên giành thêm những thắng lợi mới.
Cũng trong ngày 23/11, tại khu di tích lịch sử Đình Hòa Tú, xã Hòa Tú 1, UBND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra Lễ kỷ niệm 80 năm Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2020). Theo ông Đặng Văn Phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, đây là hoạt động nhằm ôn lại những năm tháng hào hùng của sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940 của quân dân Hòa Tú anh hùng, thể hiện lòng tri ân sâu sắc với những người con quê hương đã anh dũng hy sinh, không tiếc máu xương cho nền tự do, độc lập; đồng thời khẳng định, quyết tâm của thế hệ hôm nay sống xứng đáng với cha anh, với truyền thống anh hùng của quê hương Hòa Tú.
Tiếp nối truyền thống hào hùng của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, suốt 80 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Mỹ Xuyên nói chung và quê hương Hòa Tú nói riêng đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, ra sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Kinh tế của địa phương tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tiềm năng thế mạnh của huyện về sản xuất nông nghiệp được phát huy, xây dựng nông thôn mới đã mang lại một diện mạo mới cho xóm, ấp. Nhà cửa được xây dựng khang trang, đường giao thông được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu giao lưu hàng hóa và sinh hoạt của người dân.
Phát biểu tại buổi lễ, chị Huỳnh Thị Cẩm Hồng, Bí thư Huyện đoàn Mỹ Xuyên cho biết, phát huy tinh thần quật khởi Nam Kỳ khởi nghĩa của làng Hòa Tú năm xưa, tuổi trẻ huyện Mỹ Xuyên tiếp tục không ngừng học tập, rèn luyện vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp nối truyền thống cha ông, trở thành những người có đức, có tài, xứng đáng với danh hiệu thanh niên thế hệ mới như Đảng và Bác Hồ hằng mong muốn.
Theo Bí thư Huyện đoàn Mỹ Xuyên, huyện đoàn sẽ tiếp tục giáo dục trong đoàn viên thanh niên, nhận thức được ý nghĩa của ngày Nam Kỳ khởi nghĩa về công tác giáo dục truyền thống; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức được trách nhiệm trong đoàn viên, thanh thiếu nhi, đặc biệt là thực hiện tốt cuộc vận động tuổi trẻ Mỹ Xuyên học tập và làm theo lời Bác; tổ chức các hoạt động tình nguyện , qua đó giúp đoàn viên, thanh niên thể hiện được tình cảm, ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn với các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
Nhân dịp này, có 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Mỹ Xuyên được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng do có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện, các cấp cũng tặng nhiều phần quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình chính sách tiêu biểu, đại diện gia đình tiền khởi nghĩa đã có nhiều đóng góp, hy sinh trong Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại quê hương Hòa Tú năm 1940.