Cứ mỗi độ xuân về, người dân làng Hương Canh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) lại tổ chức hội thi Kéo song để ôn lại truyền tích luyện thủy quân của Ngô Vương Quyền trên khúc sông Cà Lồ, góp phần thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Bạch Đằng Giang.
Hội được tổ chức vào ngày mùng 8 Âm lịch hàng năm, nhằm tái hiện lại quá trình quân ta sử dụng dây song để kéo thuyền, làm tăng nhanh tốc độ bơi, đồng thời căng cho thuyền lướt nhẹ và đúng hướng, tránh bị vướng vào cọc nhọn. Kéo song khác với Kéo co, sợi dây kéo phải bằng sợi song, dài từ 50 - 70 m, không dùng thừng chão như kéo co.
Người kéo song phải ngồi và có lúc nằm ngửa để rút song cho được độ dài. Hội thi không quy định số người nhiều hay ít, chỉ cần 2 bên bằng nhau, mỗi đội phải kéo 3 lượt với các đội bạn, mỗi trận 3 hiệp, mỗi hiệp 20 phút. Dây song lồng xuyên qua trụ gỗ, ngập dưới mặt nước khiến giặc không ngờ tới, nhưng vẫn giúp định vị phương rút lui của thuyền mình, làm nơi bấu víu cho các chàng “Yết Kiêu” ngậm cuống lau sậy, giấu mình dưới nước, khi cần thì đục thuyền giặc, kéo thuyền của ta lướt sóng. Chính giữa dây song, người ta khoanh một vòng sơn đỏ, đặt trong lỗ cột, chia dây song thành hai phần đều nhau. Dây bên nào bị rút qua lỗ cột quá vệt đỏ 50 cm là bên ấy thua.
Cả thị trấn Hương Canh có tới hàng chục đội tham gia thi Kéo song. Trong suốt những ngày diễn ra hội thi, lễ hội còn có các trò chơi như bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà và các trò hài...
Lâm Đào An