Nhiều bất ngờ
Đó là suy nghĩ của nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam sinh sống, làm việc hoặc du lịch vào dịp Tết. Đặc biệt, nếu lần đầu tiên đón Tết ở thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, họ cảm thấy lạ lùng vì trong ba ngày Tết, thành phố bỗng trở nên yên tĩnh và vắng vẻ lạ thường.
Anh Ray Kuschert (người Australia, 52 tuổi), hiện làm giáo viên tiếng Anh cho một trường cấp 2 tại quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Tôi đã sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh được hơn 6 năm, thế nhưng đến nay tôi vẫn chưa quen được với cái Tết truyền thống của Việt Nam, vì đó thật sự là quãng thời gian khó khăn cho người nước ngoài khi ở một mình. Lần đầu tiên ăn Tết ở Việt Nam vào năm 2013, tôi thật sự sốc…”.
Anh Ray kể lại cảm giác của mình: “Khi sự ồn ào và náo nhiệt của đêm 30 vừa qua, mùng 1 Tết ở thành phố không còn ai, đường sá vắng hoe và thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe chạy qua. Cảm giác không khí thành phố trong ngày Tết thật mát mẻ và dễ chịu, không kẹt xe, không ồn ào… nhưng sau đó, tôi chợt nhận ra một sự thật đáng sợ: Tất cả các cửa hàng, quán xá và siêu thị đều đóng cửa. Lúc này, tôi thật sự lo lắng, bởi tôi biết ngày hôm nay, tôi không thể tìm được nơi nào để ăn. Đến tối, tôi may mắn nhìn thấy một quán bar ở quận 1 còn mở cửa, tôi hi vọng mình tìm được chút gì để lót dạ cho cả ngày, nhưng nơi đây chỉ có rượu, bia và mồi nhậu là trái cây và đĩa lạc, khô bò. Không chỉ thế, giá cả cũng tăng gấp đôi so với ngày thường”.
Chị Marilyn Mendoza (người Philippines, 45 tuổi), ở Việt Nam được 2 năm và hiện làm giáo viên tại TP Hồ Chí Minh, cho biết Tết ở Việt Nam tuy vui nhưng cũng buồn. Vui vì trước Tết mọi người đều tất bật mua sắm, chuẩn bị cho dịp Tết. Ai ai cũng vội vã, từ nơi làm việc đến ngoài đường, khiến khoảng thời gian này rất náo nhiệt. Đặc biệt, đường phố được trang trí rất đẹp, cảm giác của những người nước ngoài khi lần đầu đón Tết tại Việt Nam thật mới mẻ và thích thú. May mắn hơn anh Ray, chị Marilyn Mendoza có gia đình cùng sinh sống ở TP Hồ Chí Minh nên mọi sự chuẩn bị cho ngày trước Tết cũng khá nhiều. Trong đó, việc chuẩn bị gia hạn Visa tại Việt Nam là rất quan trọng, bởi nếu cận Tết sẽ không ai làm việc và nếu gia đình chị muốn đi chơi cũng rất khó khăn. Ngoài ra, gia đình chị cũng phải chuẩn bị đồ ăn và hẹn bác sĩ trước, vì thời gian này nơi đâu cũng đông đúc và khó có thể làm được nhanh nếu không tranh thủ đi sớm hoặc đặt lịch hẹn.
“Tuy nhiên, trong Tết thì nhịp sống tại thành phố trở nên yên tĩnh lạ thường. Không ai ở quanh chung cư nơi chúng tôi đang ở. Trong hồ bơi và thậm chí quanh thành phố, mọi người đều “biến mất”. Sau mùng 4 và mùng 5 Tết, thành phố bắt đầu nhộn nhịp và chúng tôi lại tiếp tục căng thẳng khi lượng người trở lại thành phố ngày càng đông. Chúng tôi phải cố gắng điều chỉnh tâm lý để không bị quá sốc. Do vậy, Tết năm thứ 2 tại Việt Nam, gia đình tôi không muốn quanh quẩn tại TP Hồ Chí Minh mà quyết định đi Singapore. Thế nhưng, điều khá bất ngờ là sân bay rất đông và ai cũng chen chúc xếp hàng làm thủ tục. Đó là những kỷ niệm khó quên”, chị Marilyn Mendoza chia sẻ.
Ấm áp bữa cơm Tết Việt
Anh Juan Carlos (người Tây Ban Nha, 49 tuổi), hiện làm việc cho một công ty tư vấn xây dựng tại quận 1 (TP Hồ Chí Minh), cho biết anh lấy vợ người Việt quê ở Nha Trang nên Tết năm nào anh cũng về quê vợ ăn Tết.
Ấn tượng của anh Juan Carlos trong dịp Tết đều rất vui và ấm áp. Bởi trước Tết, tất cả các đường phố trung tâm tại TP Hồ Chí Minh đều được trang trí đèn và tiểu cảnh rất đẹp; mọi trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đều nhộn nhịp người đến mua sắm. Mặc dù ai cũng tất bật, nhưng thời tiết và không khí trước Tết mát mẻ, dễ chịu, cộng với sự hân hoan của mọi người chuẩn bị chào đón một năm mới nên anh cảm thấy rất hào hứng. Khi về Nha Trang cùng vợ đón Tết, niềm vui càng được nhân đôi vì đây là thời gian anh được trải nghiệm không khí Tết Việt truyền thống. Đó là cùng gia đình vợ dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ dùng trong nhà, đi chợ và siêu thị mua sắm đồ cúng, chuẩn bị món ăn cho ngày Tết.
“Mẹ vợ tôi năm nào cũng nấu một nồi bánh chưng rất to. Mặc dù không trực tiếp cùng mẹ vợ nấu bánh, nhưng tôi biết đây là món bánh truyền thống mà gia đình nào cũng có ít nhất một cái để cúng tổ tiên. Tôi rất thích khi cùng gia đình vợ chuẩn bị các món ăn cho tất niên và cho ngày Tết. Tôi cũng tham gia nấu món cơm theo kiểu Tây Ban Nha để mọi người cùng thưởng thức”, anh Juan Carlos chia sẻ.
Điều mà gia đình chị Marilyn Mendoza rất thích là năm nào cũng được hàng xóm và đồng nghiệp tặng bánh chưng. Đây là món ăn yêu thích của gia đình chị trong những ngày Tết ở Việt Nam. Tết năm 2020, gia đình chị sẽ đi du lịch Nha Trang để đón một kỳ nghỉ lãng mạn và vui vẻ ở thành phố biển này. Tất nhiên, món bánh chưng sẽ không thể thiếu trong chuyến đi này.
Còn Tết 2020 với anh Ray sẽ vẫn là một TP Hồ Chí Minh thanh bình, vắng vẻ. Nhưng anh Ray cho biết, rất nhiều bạn bè người Việt mời anh đến nhà chơi và thưởng thức các món ăn, bánh mứt mà chỉ có ngày Tết mới có. “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được chia sẻ và trải nghiệm thời gian đặc biệt này với gia đình họ, đó là đặc quyền mà không phải người nước ngoài nào cũng có cơ hội khi đón Tết ở Việt Nam. Tôi rất mong đến Tết để tiếp tục được thưởng thức các món ăn ngày Tết”, anh Ray cười tươi cho biết.