Năm Du lịch quốc gia Lào Cai Tây Bắc 2017, với tư cách là chủ nhà, Lào Cai đã cùng 8 tỉnh Tây Bắc tập trung khai thác những tiềm năng du lịch sẵn có bằng cách phát huy các sản phẩm đặc thù, giúp các địa phương tạo dựng được thương hiệu "Sắc màu Tây Bắc".
Những cung đường di sản Du khách ngồi uống trà ngắm nhìn ruộng bậc thang tại bản Cát Cát (Sa Pa). Ảnh: Nhật Anh/TTXVN |
Nhắc tới Tây Bắc không thể không nói tới ruộng bậc thang - một sản phẩm canh tác nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số. Ruộng bậc thang là biểu tượng cho vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và trí óc sáng tạo cùng đôi bàn tay lao động cần cù của đồng bào dân tộc địa phương.
Diện tích ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc có gần chục nghìn ha; trong đó ba địa danh có diện tích lớn nhất là huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) với gần 2.200 ha, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) với gần 765 ha và Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai) với gần 1.000 ha.
Ba địa danh này đã được Nhà nước công nhận là Danh thắng cấp quốc gia, là những cung đường di sản mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, xã hội, khoa học của các tộc người Tây Bắc.
Ông Giàng A Tông, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, người sinh ra và lớn lên trên lưng dãy núi Khau Phạ tự hào về danh thắng quê hương: Từ đời cha ông chúng tôi, ruộng bậc thang đã mang lại nguồn sống. Các thế hệ người Mông nối tiếp nhau không ngừng bồi đắp thêm những nấc ruộng mới. Năm 2007, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận ruộng bậc thang Mù Cang Chải là Danh thắng cấp quốc gia, những cánh đồng của người dân trở thành tài sản chung được gìn giữ.
Không chỉ tạo ra thóc lúa, ruộng bậc thang còn là bản sắc của người Mông địa phương. Những thửa ruộng bậc thang nằm trên địa bàn ba xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Dế Xu Phình đang là địa điểm thu hút du khách lên chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ vào mùa nước đổ và mùa lúa chín.
Hàng năm, huyện Mù Cang Chải tổ Lễ hội ruộng bậc thang vào đúng mùa gặt để quảng bá du lịch. “Lễ hội ruộng bậc thang thực chất là lễ hội tôn vinh những cư dân đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, để tạo nên những nấc thang hạnh phúc, ấm no cho mảnh đất vùng cao này”, ông Giàng A Tông tự hào.
Khác với Mù Cang Chải (Yên Bái) hay Y Tý (Lào Cai), ruộng bậc thang ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) dường như có độ cao hơn, dốc hơn, chênh vênh hơn. Chính điều này đã làm cho cảnh sắc của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì càng thêm hùng vĩ. Những bờ ruộng cao, thẳng đứng như những tác phẩm điêu khắc được con người gọt dũa công phu.
Ruộng bậc thang ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) nằm trên địa bàn 6 xã gồm: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên. Đây là những xã có danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tiêu biểu, được đánh giá vào loại đẹp nhất Việt Nam với lịch sử hàng trăm năm được sáng tạo bởi đôi bàn tay khéo léo, cần mẫn của đồng bào dân tộc Dao Đỏ, Nùng, La Chí. Vì vậy, 760 ha trong tổng số hơn 3.000 ha diện tích ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì đã được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia.
Lào Cai không chỉ sở hữu một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất trên thế giới tại Sa Pa do Tạp chí Du lịch Travel and Leisure của Mỹ bình chọn mà địa phương này còn có một công trình “sáng tạo vĩ đại” của dân tộc Mông và Hà Nhì nơi biên cương Tổ quốc, được công nhận là danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang quốc gia. Đó là Khu danh thắng ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả có diện tích khoảng 233,1 ha, nằm trên địa phận hai xã Y Tý và Ngải Thầu.
Theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, ruộng bậc thang Y Tý, Ngải Thầu được xếp hạng đã tạo ra thương hiệu, thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của khu vực vùng cao Bát Xát. Khách du lịch đến tham quan, ngắm cảnh đẹp của các thửa ruộng bậc thang là đến trải nghiệm, khám phá các bản làng truyền thống của người Mông, người Hà Nhì đã có từ hàng trăm năm nay.
Sắc hoa bốn mùa Tây BắcDu khách nhí với hoa đỗ quyên trên đỉnh Fansipan (Lào Cai). Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Ở Tây Bắc, phần lớn đồng bào các dân tộc dường như không tính thời gian theo tuần theo tháng mà theo mùa hoa. Hết mùa này sang mùa khác, hàng nghìn sắc hoa e ấp quyến rũ bước chân lữ khách du lịch Tây Bắc.
Mùa Xuân, nếu có một chuyến du lịch Tây Bắc từ Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… du khách sẽ như được ở trong một tấm thảm hồng mềm mại sắc hoa đào. Vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần lãng mạn trong sắc đào hồng chính là điều lôi cuốn bước chân du lách đến với Tây Bắc trong mùa Xuân nhiều hơn.
Không chỉ có đào, tháng 3 cũng chính là thời gian nở rộ của loài hoa ban trắng nức tiếng khắp Tây Bắc. Đến thị trấn Mộc Châu (Sơn La) và tỉnh Điện Biên..., nơi nào cũng thấy hoa ban trắng trời, trắng đất. Trong tháng 3/2017, tỉnh Điện Biên đã tổ chức Lễ hội hoa ban, thu hút hàng ngàn du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh tân, hồn nhiên của đóa hoa núi rừng.
“Bồng bềnh mây trôi/Gió quất ngang trời/Sắc quyên vời vợi…", những câu hát về loài hoa dại mà sang trọng giữa núi rừng đại ngàn Tây Bắc, đặc biệt là ở vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn - nơi được mệnh danh là “vương quốc hoa đỗ quyên” khiến người nghe phần nào thấy được vẻ đẹp của loài hoa này.
Hoa đỗ quyên nở vào đầu mùa Hè, khoảng tháng 4 khi tiết trời khô ráo thuận tiện cho chuyến du lịch Tây Bắc. Loài hoa này có vẻ đẹp rực rỡ với bông lớn, màu sắc nổi bật và đa dạng như đỏ, hồng, vàng, trắng...". Lễ hội hoa đỗ quyên" được tổ chức vào cuối tháng 4/2017 tại Sa Pa, Lào Cai đã thu hút hàng ngàn lượt khách tới chiêm ngưỡng, tham quan.