Sự gặp gỡ giữa sơn mài Việt và các ý tưởng thiết kế châu Âu

Thông qua sự kết nối của Đại sứ quán Pháp và Viện Pháp tại Việt Nam, vừa qua, thương hiệu sơn mài Hanoia đã hợp tác với ba nhà thiết kế người Pháp nhằm hiện thực hóa các ý tưởng của họ trên chất liệu sơn mài, góp phần tạo nên những tác phẩm mới tham dự triển lãm D17/20 - Design in Southeast Asia tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ mùng 1 - 9/2/ 2020.

Được khởi xướng bởi Đại sứ quán Pháp tại Thái Lan năm 2017, “D17/20 Design in Southeast Asia” là dự án hướng đến việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống ở Đông Nam Châu Á, thông qua việc tạo cơ hội cho các nhà thiết kế trẻ gặp gỡ và làm việc cùng các nghệ nhân địa phương. Đến nay, dự án này đã kết nối được 43 nhà thiết kế đến từ Pháp, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam với 18 xưởng thủ công truyền thống và tạo nên hơn 100 tác phẩm, được trình bày tại Tuần lễ Thiết kế Bangkok (Bangkok Design Week) từ ngày 1 - 9/2/2020.

Chú thích ảnh

Tại Việt Nam, dự án này đã kết hợp ba nhà thiết kế người Pháp - Pierre Charié, Marie-Aurore, Guillaume Delvigne với nhà chế tác sơn mài cao cấp Hanoia. Trong khoảng thời gian ngắn, các nhà thiết kế đã sát cánh cùng đội ngũ nghiên cứu & phát triển sản phẩm của Hanoia, đã nỗ lực hết mình tại xưởng sơn mài Hanoia ở làng Hạ Thái và xưởng mây tre đan ở làng Ninh Sở để hoàn thành 16 tác phẩm sơn mài, từ khâu lên khuôn đến hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.

Sinh năm 1979, Guillaume Delvigne từng theo học trường thiết kế Nantes Atlantique và Politecnico di Milano. Anh lập nghiệp tại Paris từ năm 2005, làm việc cho những công ty thiết kế nổi tiếng như RADI Designers, Delo Lindo, Elium Studio và Marc Newson. Năm 2011, anh mở xưởng riêng, trưng bày các bộ sưu tập đồ nội thất và trang trí nội thất của mình. Anh đã thực hiện thành công nhiều dự án cho các thương hiệu lớn trong nước như Hermès, Givenchy, Cristal de Sèvres… và nước ngoài như Fabbian, Frandsen, Karakter Copenhagen và nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá. Tác phẩm tham dự triển lãm “D17/20 Design in Southeast Asia” yêu thích nhất của anh chính là chiếc bình “Sépale”, được tạo nên từ nhiều mảnh ghép khác nhau. Sự kết hợp của các hình khối tương phản, của các hiệu ứng sắc độ và nhiều chất liệu phong phú góp phần tôn vinh giá trị của sơn mài, mang đến nét độc đáo riêng cho tác phẩm này.

Tốt nghiệp trường đại học mỹ thuật công nghiệp ENSCI ở Pháp, Pierre Charrié đã tích lũy bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm qua nhiều năm làm việc cho các thương hiệu lớn. Năm 2019, anh được tạp chí Architecture Design của Pháp bình bầu là 1 trong 100 nhà thiết kế giỏi nhất nước Pháp. Hiện anh là một nhà thiết kế độc lập luôn quan tâm đến sự ảnh hưởng của chất liệu, âm thanh hoặc chuyển động đối với những thói quen và tương tác mới. Những dự án này được trưng bày trên toàn thế giới, góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác của anh với khách hàng trong việc thiết kế, phát triển và công nghiệp hóa các sản phẩm mang tính sáng tạo cao. Anh đã mang đến triển lãm “D17/20 Design in Southeast Asia” những chiếc đèn sơn mài. Ánh sáng làm thay đổi màu sắc của sản phẩm và tạo nên độ loang màu dưới tấm chụp khiến anh vô cùng tâm đắc. Hiệu ứng mài xước trên sơn mài tôn vinh sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ và khiến sản phẩm trở nên tinh tế hơn nhiều.

Chú thích ảnh

Marie-Aurore sinh năm 1981 tại Paris. Cô tốt nghiệp trường đại học mỹ thuật công nghiệp ENSCI năm 2007, sau đó là những khóa học nâng cao tại Pháp và Ý. Cô từng nhận được học bổng và phần thưởng khi còn là sinh viên, trong đó phải kể đến giải thưởng Tài năng của Audi năm 2010. Những năm qua, cô đã làm việc cho nhiều dự án tại Paris và Osaka và luôn nhận được sự mến mộ của đồng nghiệp và khách hàng. Trong số những tác phẩm tham gia triển lãm “D17/20 Design in Southeast Asia”, bộ gương sơn mài được đặc biệt đánh giá cao, với đặc trưng là các dải ruy-băng kim loại, tính đa chức năng và hiệu ứng sơn mài độc  đáo trên bề mặt sau của gương.

Với Pierre Charié, Marie-Aurore và Guillaume Delvigne, triển lãm “D17/20 Design in Southeast Asia” mang đến cho họ cơ hội gặp gỡ, khám phá những con người, những nền văn hóa, những kỹ thuật thủ công và môi trường làm việc hoàn toàn mới. Họ rất hứng thú được làm việc với các nghệ nhân sơn mài Việt Nam, được thử sức mình trong một lĩnh vực thủ công được đánh giá là khó khăn và khắc nghiệt. Họ cũng rất mong chờ được khám phá tác phẩm của các nhà thiết kế đến từ những góc khác của thế giới, với cách nhìn khác và những kinh nghiệm sống khác.

Với Hanoia, dự án “D17/20 Design in Southeast Asia” mở ra một cách tiếp cận mới cho sơn mài Việt. Đại diện thương hiệu này chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao việc hợp tác với các nhà thiết kế trẻ người Pháp với hy vọng những ý tưởng mới mẻ của họ sẽ mang đến cho chúng tôi một hướng đi mới trong việc phát triển các sản phẩm của mình, góp phần phát huy thế mạnh sơn mài Việt. Như các bạn đã biết, sơn mài Việt là cả một quá trình lao động tốn nhiều công sức và thời gian, mỗi sản phẩm dù nhỏ dù to đều phải trải qua 20 công đoạn trong vòng không dưới 100 ngày từ khâu đầu tiên đến lúc hoàn thiện. Bởi vậy, để tối ưu hóa khoảng thời gian 2 tuần lễ làm việc tại xưởng sản xuất theo yêu cầu của dự án, ngay sau khi được kết nối với các nhà thiết kế, chúng tôi đã gấp rút liên hệ và thống nhất chia quá trình làm việc thành ba giai đoạn với những mục tiêu khác nhau.

Giai đoạn 1 - trước khi làm việc tại xưởng, chúng tôi chia sẻ với họ về sơn mài Việt nói chung và sơn mài Hanoia nói riêng nhằm tạo cảm hứng và giúp họ hoàn thành những bản vẽ phác thảo đầu tiên. Giai đoạn 2 - làm việc tại xưởng, hai bên cùng nỗ lực hết mình để cho ra đời những mẫu sản phẩm đầu tiên và thảo luận những vấn đề kỹ thuật phát sinh. Giai đoạn 3 - sau khi làm việc tại xưởng, các nhà thiết kế đánh giá mẫu sản phẩm, sửa đổi bản vẽ thiết kế cho phù hợp, giải quyết vấn đề kỹ thuật để hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Chúng tôi rất tự hào đã giúp các nhà thiết kế thực hiện 16 tác phẩm mang dự triển lãm”.

Chú thích ảnh

Đây là lần đầu tiên Việt Nam, thông qua đại diện là thương hiệu sơn mài Hanoia tham gia triển lãm “D17/20 Design in Southeast Asia” tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, một dự án nhằm góp phần phát triển nghề thủ công truyền thống vốn là thế mạnh của các nước Đông Nam Á và đưa chúng hội nhập với nền kinh tế quốc tế. Các nhà thiết kế sẽ đối thoại với các nghệ nhân và các nhà sản xuất để cùng đưa ra những giải pháp mới, những cách tiếp cận mới cho ngành nghề thủ công của Đông Nam Á nói chung và từng nước nói riêng.

Tại Tuần lễ Thiết kế Bangkok, các sản phẩm sơn mài hợp tác giữa ba nhà thiết kế Pháp và Hanoia được các đại diện của Tuần lễ Thiết kế Paris đánh giá rất cao và đều được lựa chọn để tham dự triển lãm được tổ chức vào tháng 9 năm 2020 tại Paris, Pháp.

Th.Thủy
Những nỗ lực phát triển của một thương hiệu sơn mài Việt
Những nỗ lực phát triển của một thương hiệu sơn mài Việt

Vừa qua, Hanoia liên tiếp nhận được hai giải thưởng: “Best of Lacquerware Art & Craftsmanship” (Tinh hoa & Nghệ thuật sơn mài) của Luxuo Asia Awards và “Best Vietnamese Craftsmanship brand” (Thương hiệu Thủ công Việt xuất sắc nhất) của Robb Report Awards.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN