Bà Phạm Thị Mai Thủy, Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng (Bảo tàng lịch sử Quốc gia) chia sẻ về công tác bảo quản hiện vật:
Tờ báo của ngày Độc Lập
Có mặt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong những ngày mùa thu, được tận mắt chứng kiến những hiện vật quý báu, tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, chúng tôi như được sống lại không khí sục sôi của những ngày Tết Độc lập năm xưa.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu giữ gần 250.000 tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật đặc biệt quý hiếm. Đến nay 20 hiện vật trong số đó đã được công nhận (trong tổng số 188) là Bảo vật quốc gia.
Những tài liệu, hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam, về lãnh tụ Hồ Chí Minh, giai đoạn trước và về sự kiện Cách mạng Tháng Tám 1945 có vị trí đặc biệt tại Bảo tàng. Trong đó, có một hiện vật đặc biệt đã thu hút sự chú ý và quan tâm của khách tham quan, đó là tờ báo Đông Phát, số 6107 - số báo đặc biệt được phát hành đúng vào Chủ nhật, ngày 2/9/1945.
“Sự đặc biệt của tờ báo là người xem có thể thấy được thông tin về ngày lễ trọng đại của dân tộc, từ khâu chuẩn bị đến nội dung, diễn biến của Lễ Độc lập 2/9/1945”, chị Trịnh Thị Hòa, hướng dẫn viên tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết.
Báo Đông Phát có trụ sở tại 94 Hàng Gai, Hà Nội. Tờ báo do ông Ngô Văn Phú, một chủ đồn điền ở Thái Bình làm chủ nhiệm, ông Hoàng Hữu Huy làm chủ bút. Ban đầu báo có tên là Đông Pháp, nhưng khi Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam (9/3/1945), Tờ báo đổi tên là Đông Phát. Từ ngày 2/9/1945, tờ Đông Phát một lần nữa lại được đổi tên thành Gia Báo để biểu lộ tinh thần đoạn tuyệt triệt để những dấu vết của chế độ cũ và để kỉ niệm nền độc lập của nước Việt Nam mới.
Báo Đông Phát có kích thước 52cmx33cm, được in ấn khá thô sơ, trên nền giấy đen ố vàng và chữ in lito nhỏ, đã mờ, gồm 2 trang. Trên đầu tờ báo ghi: “Số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc Lập”.
Ngay ở đầu trang nhất, bên trái, dưới tiêu đề:“Việt Nam độc lập muôn năm” được in đậm, to, rõ ràng, là dòng thông báo: “2 giờ chiều hôm nay toàn thể dân chúng phải tới dự “ngày độc lập” và khẳng định “Ngày độc lập tại khắp các tỉnh Trung, Nam, Bắc sẽ tỏ rõ tinh thần tranh đấu của chúng ta trong sự đoàn kết, trật tự và kiên quyết”. Đồng thời, báo đăng nội dung nhắc nhở dân chúng: “Lần đầu tiên, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh ra mắt đồng bào. Dân chúng cần phải chỉnh tề hàng ngũ đông đủ và chặt chẽ quanh Chủ tịch. Việc làm ấy không riêng là ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng để tỏ rõ hơn một lần nữa rằng toàn thể đồng bào rất tín nhiệm ở Chính phủ Dân chủ lâm thời- một Chính phủ dân chủ cộng hòa không phân biệt đảng phái, mà chỉ biết có phụng sự quốc gia, tranh đấu lấy nền hoàn toàn độc lập".
“Ngày Độc lập” sẽ để cho mọi người làm tròn bổn phận ấy. Không những ở trong cuộc hội họp trên vườn Ba Đình, mà còn ở riêng từng gia đình, từng xưởng thợ, nhà máy, ở những tấm lòng thành thực và hăng hái. Kiên quyết của người công dân nước Việt Nam quý mến của chúng ta”.
Tờ báo cũng dành vị trí đặc biệt ngay đầu trang nhất đăng tải lời “Thề Độc Lập” của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước quốc dân:“Sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đặng mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”. Và ngay bên dưới là “Lời thề của Quốc dân” nguyện cùng Chính phủ “giữ quyền độc lập hoàn toàn cho tổ quốc, chống lại mưu mô xâm lược dù có phải chết cũng cam lòng”.
Tái hiện không khí ngày trọng đại của dân tộc
Điểm đặc biệt của tờ báo Đông Phát phát hành đúng vào ngày Độc lập 2/9/1945 là người xem có thể thấy được thông tin chi tiết về Lễ Tuyên ngôn Độc lập sẽ diễn ra trong ngày.
Trong “Chương trình chính thức cuộc mít tinh và biểu tình tại Hà Nội (có sửa đổi khác chương trình cũ)”, Đông Phát đưa tin chương trình sẽ mở đầu bằng việc bắn súng đón chào Chính phủ lâm thời, tiếp đến là lễ chào cờ; hát bài “Tiến quân ca”. Sau đó, đại biểu Ban tổ chức đọc chương trình khai hội và giới thiệu Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố về nền Độc lập Việt Nam và chính thể Dân chủ Cộng hòa, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chính phủ tuyên thệ trước quốc dân… Sau lễ bế mạc và mít tinh biến thành biểu tình thị uy qua các phố Tây đến tập trung ở bờ Hồ Gươm trước khi giải tán…
Nét độc đáo của số báo Đông Phát ngày ấy là dù không có ảnh, nhưng trong số báo có hình vẽ sơ đồ ghi rõ vị trí dành riêng cho các giới dưới tiêu đề “Lời chỉ dẫn”. Hàng ngũ tham dự mít tinh được sắp xếp trong buổi lễ cũng được chỉ dẫn một cách cụ thể. Theo đó, các đoàn thể đến họp ở vườn hoa Ba Đình phải tới trước 13 giờ để Ban trật tự xếp chỗ. Dân chúng mỗi phố đến dự biểu tình phải xếp đặt theo thứ tự: Nhi đồng, người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên và bắt buộc phải có đội tự vệ đi kèm để trật tự lúc nào cũng được bảo đảm.
Việc “hát và hô khẩu hiệu” được hướng dẫn rất rõ ràng, ai hát, ai hô, khi nào hô, và để hô cho được đồng thanh thì “Lúc hô, đội tự vệ phải cắt cử người chỉ huy cho được đồng thanh”.
Một thông tin thú vị khác cũng được đăng tải trên trang nhất của số báo này là những thông báo mới về giờ làm việc ở các công sở bắt đầu từ ngày 3/9/1945, là ngày làm việc đầu tiên của chế độ mới. Theo đó, giờ thiết quân luật tại Hà Nội từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng với lời nhấn mạnh “theo giờ Việt Nam độc lập”, cùng giờ làm việc tại các công sở của chính quyền mới bắt đầu thực hiện từ ngày 3/9/1945. Sáng: 6 giờ 30 đến 11 giờ và Chiều: 2 giờ đến 5 giờ.
Bản báo cũng thông báo sẽ đổi tên báo với nội dung: "Nước nhà đã bước sang trang mới, nên báo Đông Phát nay mai sẽ đổi tên, để biểu lộ tinh thần đoạn tuyệt triệt để những dấu vết của chế độ cũ, và để kỷ niệm nền Độc lập của nước Việt Nam mới".
Trang 2 của tờ báo thể hiện một khí thế tưng bừng như một ngày hội lớn của non sông. Từ nhân viên Sở Hỏa xa đến học sinh các trường phổ thông, thanh niên Hà Nội, phụ nữ, các văn nghệ sĩ, các vị bô lão... đều có chương trình dự mít tinh đông đủ và hào hứng. Hội Phật giáo Việt Nam qua báo Đông Phát gửi lời mời tới các tín đồ Phật tử đúng 7 giờ sáng tới các chùa làm lễ tụng kinh Dược sư để cầu cho nền độc lập nước nhà được củng cố vĩnh viễn.
Tờ báo Đông Phát hôm đó đăng tải những thông tin rất xúc động cho thấy tấm lòng của người dân trước khí thế tưng bừng của nước Việt Nam mới: "Ông chủ tiệm ăn ở 47 Hàng Quạt có nhã ý cúng vào Quỹ Việt Nam giải phóng quân số tiền thu được, cả vốn lẫn lời trong ngày Độc lập"; còn các rạp hát và chiếu bóng đều có buổi diễn đặc biệt về độc lập với "giá tiền Độc lập" vào 8 giờ sáng ngày 2/9. Cùng với đó là thông tin nhiều mặt hàng được giảm giá để phục vụ công chúng trong ngày đặc biệt.
“Có thể nói, Đông Phát chỉ vẻn vẹn có 2 trang báo nhưng đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quý giá về ngày lễ lịch sử trọng đại của dân tộc. Qua đó có thể thấy, Ban tổ chức đã rất chi tiết từ việc tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc mít tinh để vận động nhân dân tham gia mít tinh, đến việc lường trước các tình huống khi người dân đi dự lễ. Tờ báo cũng giới thiệu các cổng vào nơi mít tinh, tỉ mỉ từ giờ giấc đến vị trí của các thành phần tham dự, kể cả trong trường hợp đi muộn thì xử lý thế nào”, chị Trịnh Thị Hòa, hướng dẫn viên tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia xúc động cho hay.
Bảo tàng lịch sử quốc gia là nơi đang lưu trữ bản gốc duy nhất của số báo này. Đến nay, 78 năm đã trôi qua, tờ báo Đông Phát đã trở thành một phần kí ức của lịch sử, một kỉ niệm lớn của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Nói về công tác bảo quản hiện vật, bà Phạm Thị Mai Thủy, Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng (Bảo tàng lịch sử Quốc gia) cho biết, việc bảo quản tờ báo Đông Phát với chất liệu giấy mà tuổi đời gần trăm năm cũng có những khó khăn, đòi hỏi phải có trình độ, kỹ thuật nhất định.
“Tuy nhiên, các kỹ sư tại bảo tàng đã đạt đến trình độ bảo quản cao và thường xuyên được tập huấn từ các chuyên gia nước ngoài. Hiện nay, các kỹ sư của bảo tàng cũng đi tập huấn cho các bảo tàng khác trong nước về công tác bảo quản các hiện vật với các chất liệu khác nhau, nhất là chất liệu giấy. Tờ báo Đông Phát cũng như các hiện vật bằng giấy khác đều được bảo quản trong môi trường đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm để duy trì hiện trạng tốt nhất cho hiện vật để hiện vật giữ được hiện trạng một cách tốt nhất”, bà Phạm Thị Mai Thuỷ cho biết.