Ông Vĩnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2009, Thư viện đã phối hợp cùng các thư viện tỉnh ở miền Trung, miền Nam thực hiện chương trình sưu tầm, số hóa và phát huy giá trị tài liệu quý hiếm Hán Nôm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp khó khăn như: không thuyết phục được người dân số hóa tài liệu họ sở hữu, kinh phí cho công nghệ để số hóa, một số tài liệu hiện nay đã hư hỏng chưa tìm được cách phục chế... Trên thực tế, không phải bảo tàng nào cũng có thể ứng dụng công nghệ cho các nội dung, hiện vật mà cần phải lựa chọn loại hình phù hợp để có thể làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của hiện vật gốc.
Khắc phục những khó khăn này, hiện nay, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị tài liệu quý hiếm Hán Nôm bằng các chương trình cụ thể. Việc ứng dụng công nghệ số giúp cho chương trình đạt được các mục tiêu quan trọng như: sưu tầm, tập hợp một cách có hệ thống, đầy đủ các tài liệu Hán Nôm với định dạng số (digital) có giá trị từ các gia đình, dòng họ khắp Việt Nam; hỗ trợ người dân lưu trữ được lâu bền tài liệu của dòng họ dưới dạng số; tăng cường hoạt động trao đổi, chia sẻ nguồn lực thông tin số giữa các đơn vị thư viện, bảo tàng... Với kỹ thuật số hóa phù hợp, thư viện đã tăng cường khả năng khai thác vốn tài liệu quý hiếm Đông Dương, chọn lọc tái bản, tổ chức khai thác và giới thiệu đến công chúng, các nhà nghiên cứu vốn tài liệu quý giá này.
Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài cho rằng, phần lớn các bảo tàng ngoài công lập được thành lập từ nguồn vốn cá nhân, gia đình, công ty nên khả năng tài chính thường hạn chế. Nguồn thu chủ yếu từ vé tham quan và các dịch vụ bổ trợ chưa thể trang trải chi phí thường xuyên của mỗi đơn vị. Do đó, việc xây dựng "Đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo tàng ngoài công lập" từ nguồn vốn của cá nhân, gia đình và công ty là điều khó khăn.
Nhằm thu hút khách tham quan, tăng cường hiệu quả các mặt hoạt động, Bảo tàng đang từng bước nâng cao hiệu quả đối với công chúng qua hoạt động trưng bày, triển lãm lưu động, giáo dục, trình diễn di sản văn hóa. Thời gian tới, bảo tàng sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử phát triển trên không gian mạng; hệ thống màn hình tương tác trong suốt (Transparent LCD), tương tác không chạm (LeapMotion)… để du khách có trải nghiệm thêm về hình ảnh cố định bên cạnh các kênh chữ chú thích. Đồng thời, công tác hướng dẫn khách tham quan không chỉ phụ thuộc vào hướng dẫn viên mà cần bắt kịp các xu hướng mới như robot gắn trí tuệ nhân tạo (AI) cùng hệ thống thuyết minh tự động bằng loa mini, tai nghe bluetooth (audio guide, podcast) tại các khu trưng bày như “Lịch sử áo dài”, “Áo dài di sản văn hóa”, “Gốm Bàu Trúc”…
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, đối với lĩnh vực bảo tàng, việc công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng phần nào ảnh hưởng đến các hoạt động của bảo tàng, đặc biệt là công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Theo đó, việc tìm kiếm những bước đi mới mang tính đột phá, phù hợp xu thế hiện nay đã và đang trở thành những mục tiêu mà các bảo tàng hướng đến trong thời gian tới.