Nhân vật chính của chương trình là CEO Trần Thị Thanh Hằng - Chủ tịch CLB Doanh nhân 2030, Phó CT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư và Đào tạo Doanh Chủ.
Hai khách mời là CEO Hoàng Hải Âu - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Hoanggia Media Group, Chủ tịch CLB CEO-CKTC; CEO Robert Trần - Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC phụ trách thị trường Bắc Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương.
Chị Hằng đam mê tài chính và thị trường vốn. Chị chọn đề tài này làm luận văn tốt nghiệp ngay từ thời thị trường chứng khoán Việt Nam mới manh nha. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, thay vì trở thành nhà đầu tư, chị Hằng lại trở thành giảng viên kinh tế theo ý của gia đình. Suốt 4 năm chị sáng đi dạy, tối về với gia đình, mọi thứ diễn ra tuần tự và bình yên.
Năm 2004, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu sôi động. Nghe sinh viên, đồng nghiệp bàn tán về chứng khoán, chị Hằng không khỏi “ngứa nghề”. Một lần, sau giờ lên lớp, chị mò đến sàn chứng khoán. Sự nhảy múa của sắc xanh, đỏ, những dãy số làm sống dậy trong chị đam mê của cô sinh viên ngày nào. Nhiều ngày liền, đường đi của chị có thêm điểm dừng chân tại sàn chứng khoán.
Không kìm được đam mê, chị Hằng liều lĩnh giấu gia đình, giảm giờ dạy, làm thêm nghề tay trái: Môi giới chứng khoán. Vốn có kiến thức nền tảng cộng thêm niềm đam mê và khiếu nhạy bén, chị không mất nhiều thời gian để trở thành một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư mua, bán cổ phiếu. Trong đó có nhiều nhà đầu tư tầm cỡ. Uy tín và quan hệ của chị Hằng trong giới, ngành phát triển nhanh chóng.
Năm 2010, chị được mời về điều hành Công ty DC, Công ty đã có thâm niên 4 năm, nhưng đang liên tục lỗ. Các chủ nhân của DC muốn mời chị về để cải tổ lại doanh nghiệp. Hết sức bất ngờ và không kém phần hào hứng. Nhưng lý trí đã ngay lập tức lên tiếng, rằng chị Hằng chỉ có kiến thức về tài chính và chuyên môn về đào tạo. Còn kiến thức và kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp thì chỉ là con số không. Hơn nữa, nhận lời, chị sẽ phải bỏ nghề giáo, bỏ cuộc sống an toàn để dấn thân vào thương trường biến động và ẩn chứa nhiều rủi ro, điều mà cả gia đình chị luôn phản đối. Lý trí đã vạch rõ như vậy, nhưng niềm đam mê lại luôn thôi thúc chị Hằng nhận lời. Cuối cùng, sau gần một tháng đắn đo, mặc bao lời can ngăn, chị nhận lời về DC, chính thức bước vào đời doanh nhân đầy sóng gió.
Ngay sau khi đảm nhận vai trò mới, chị Hằng rà soát lại toàn bộ, từ cơ sở hạ tầng, nhân sự, tài chính đến quy trình quản lý. DC được lập ra bởi một số đại gia, nên khá mạnh tay chi. Thuê mặt bằng đắt đỏ, tuyển nhân sự chất lượng cao với quỹ lương lớn, chi phí marketing phi mã. Các khoá học thì toàn dạy về kiến thức vĩ mô, thay vì các khoá kiến thức cơ sở và rèn luyện kỹ năng đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.
Chị Hằng quyết định mạnh tay tái cơ cấu, thuê văn phòng mới rẻ hơn, bố trí lại nhân lực, xây dựng lại khoá học, điều chỉnh học phí để mở rộng “phễu” đầu vào; tập marketing “đánh” vào tệp khách hàng số đông. Các khoá học dày lên nhanh chóng, học viên ngày càng đông. Năm đầu công ty đã lãi ngay gần 700 triệu đồng.
Khi DC bước vào đà phát triển thì thị trường bất ngờ tuột dốc năm 2012. Hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, khủng hoảng tài chính năm 2012 đã lấy nốt niềm tin của các nhà đầu tư. Cùng với đó, việc sàn vàng đóng cửa, chứng khoán chìm trong sắc đỏ, nhà đất đóng băng, toàn bộ thị trường chạm đáy. Các lớp học vốn tấp nập ngày nào, nay chỉ còn 1, 2 học viên đăng ký. Tài khoá năm đó, công ty lỗ gần 1tỷ đồng. 30 % nhân sự xin nghỉ việc. Năm 2013 còn thê thảm hơn khiến các cổ đông chán nản muốn đóng công ty. Cái giá phải trả đam mê và sự liều lĩnh khi rời bỏ chốn an toàn của chị đây sao? Chị Hằng đâu còn bục giảng để quay về? Rồi còn những nhân viên trung thành gắn bó trong những năm khủng hoảng khó khăn và gia đình họ sẽ ra sao?
Thị trường ngày càng tối, công ty thì lỗ chồng lỗ, cổ đông không bỏ thêm vốn, tiền để vận hành doanh nghiệp? Tiền mặt bằng, tiền trả lương nhân viên, tiền marketing, tiền thuê giảng viên… lấy đâu ra?
Trong hoàn cảnh ấy, CEO sẽ làm gì? Câu trả lời sẽ có trong chương trình.