Đây là hoạt động văn hóa, du lịch trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia - Ninh Bình năm 2021, góp phần giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa, các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Đồng thời khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống, tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của các nghệ nhân. Qua đó, các nghệ nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; quảng bá về tiềm năng du lịch làng nghề, mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề, người sản xuất với du khách.
Phần đầu sẽ là Triển lãm các di sản được UNESCO vinh danh, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. 350 bức ảnh đẹp do các nhiếp ảnh gia, giới thiệu các di sản được UNESCO vinh danh. Khu trưng bày này còn giới thiệu các hình ảnh về nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của các vùng miền trên cả nước như: ruộng bậc thang (Tây Bắc), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), sông Hương - Núi ngự (Huế), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình)…; các làng nghề cổ truyền (trồng hoa Tết, miến Cự Đà, tranh Đông Hồ, hương xạ Cao Thôn, pháo đất Hải Dương, gốm Bát Tràng)…; văn hóa cộng đồng như bản làng văn hóa, lễ cưới của các dân tộc thiểu số, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian.
Phần tiếp theo trưng bày gần 200 sản phẩm tiêu biểu của các nghệ nhân làng nghề truyền thống như: gốm Phù Điêu (Hải Phòng), chạm bạc Định Công, lụa Vạn Phúc, thêu truyền thống Đông Cứu Thường Tín, mây tre đan Phú Vinh, gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, gốm sứ Bát Tràng, nón làng Chuông (Hà Nội), gốm Chu Đậu Hải Dương, chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), hoa giấy Thanh Tiên (Thừa Thiên - Huế)...
Đặc biệt, Triển lãm còn dành riêng khu kể chuyện bằng nghệ thuật điêu khắc ánh sáng của nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự - người kế thừa những nét tinh hoa của nghệ thuật thủ công truyền thống Việt Nam kết hợp với sự sáng tạo của sức trẻ đương đại cho ra đời nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Tại triển lãm này, anh mang đến nhiều tác phẩm về những câu chuyện, thông điệp đặc trưng của văn hóa Việt: “Vạn Thắng Vương - Đinh Bộ Lĩnh”, “Đức Phật”, “Mái ấm gia đình”, “Hạo khí đại ngàn”…
Bên cạnh đó là triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Du lịch qua các lễ hội truyền thống Việt Nam” doTrung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Tạp chí Vietnam Heritage (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) thực hiện. Với hơn 80 hình ảnh chọn lọc được trưng bày, triển lãm là một tour du lịch qua những lễ hội đặc sắc ở Việt Nam mà các nhiếp ảnh gia yêu di sản đã ghi lại, trải dài từ Bắc vào Nam…
“Di sản quanh ta” là phần trưng bày 70 ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Minh Hải chụp về di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam. Đây là những bức ảnh nghệ thuật chụp phong cảnh thiên nhiên, con người, trên mọi miền đất nước cùng phong tục tập quán, lao động sản xuất, trang phục và tâm hồn con người các dân tộc Việt Nam.
Không gian “Sắc màu Di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống” của các tỉnh, thành phố tập trung giới thiệu các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu của địa phương, những điểm đến được du khách yêu thích; giới thiệu nét đặc sắc về sinh hoạt cộng đồng; quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch bền vững tại địa phương, sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực, sản vật của địa phương…
Đáng chú ý là khu trưng bày “Di sản cố đô Huế qua nghệ thuật ký họa” giới thiệu 200 tác phẩm ký họa về các công trình kiến trúc, các công trình văn hóa, danh lam thắng cảnh, con người, ẩm thực xứ Huế... Mỗi tác phẩm là những kỷ niệm, ký ức đẹp về di sản của mảnh đất kinh kỳ và góp phần lan tỏa thông điệp: hãy cùng nhau giữ gìn, bảo vệ và tôn vinh giá trị di sản văn hóa vùng đất Cố đô.
Tại đây cũng trưng bày 30 bộ áo dài truyền thống như áo dài Nhật Bình, áo dài ngũ thân và bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Viết Bảo trên nền tranh của một số họa sỹ Huế, lấy ý tưởng từ mỹ thuật cung đình và một số tác phẩm ký họa về Huế. Trình diễn áo dài thuộc bộ sưu tập của nhà thiết kế Việt Bảo trên nền tranh của các họa sỹ Huế và bộ sưu tập “Áo dài và điện ảnh” lấy cảm hứng từ các poster phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22. Ngoài ra còn có một số hoạt động bổ trợ như vẽ trên áo dài Huế, ký họa phong cảnh Huế trên nón lá Huế…góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp áo dài truyền thống Việt Nam.
Khu trưng bày của tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu, trình chiếu 360 độ về Không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng, chiếu phim tư liệu “Ký họa di sản cố đô Huế” và giới thiệu trải nghiệm tranh dân gian làng Sình, giới thiệu một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ (hoa giấy Thanh Tiên, diều Huế, nón lá cỏ bàng, nón lá sen, sản phẩm sơn mài)…
Các chương trình giao lưu, văn hóa nghệ thuật diễn ra hằng ngày trong thời gian diễn ra Triển lãm, giới thiệu nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: xẩm, ca trù, hát chầu văn, quan họ, hát Then, hát Xoan, diễn trò Xuân Phả, múa Poôn Poông, hát bài chòi, đờn ca tài tử, cồng chiêng Tây Nguyên, biểu diễn nhạc cụ dân tộc…
Triển lãm “Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và Sản phẩm thủ công truyền thống” diễn ra với hình thức trực tiếp từ 17- 24/12 tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Ninh Bình. Triển lãm online từ ngày 20/12 đến ngày 28/2/2022 trên website http://trienlamvhnt.vn và http://vhtt.ninhbinh.gov.vn.