Sân khấu phía Bắc nhiều khởi sắc

Hàng loạt vở diễn mới được dàn dựng, trong đó có những vở vừa ra đời đã kịp nhận giải thưởng sân khấu khu vực... Sân khấu phía Bắc đang thực sự "nóng" trở lại.

Cùng sáng đèn


Là một trong những nhà hát dựng nhiều và thành công nhất kịch của Lưu Quang Vũ, nên không bất ngờ khi Nhà hát Tuổi trẻ góp mặt với 3 vở diễn trong "Liên hoan Sân khấu kịch Lưu Quang Vũ” (do Hội Nghệ sĩ sân khấu - NSSK tổ chức nhân dịp kỉ niệm 25 năm ngày mất của ông), gồm: “Mùa hạ cuối cùng” - đạo diễn NSƯT Chí Trung, vở kịch hình thể “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - đạo diễn NSND Lan Hương và “Lời thề thứ 9” - đạo diễn NSND Xuân Huyền (được diễn trong 2 ngày 11 - 12/9). Trong đó, "Mùa hạ cuối cùng" là một vở diễn gây được sự chú ý của dư luận bởi đề cập tới những vấn đề "đến nay vẫn rất thời sự" trong công tác giáo dục.


 

Một cảnh trong vở “Cải lão hoàn đồng” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

 

“Mùa hạ cuối cùng” với nhân vật chính là Châu, một học sinh giỏi, thông minh và thẳng thắn. Trong kỳ thi cuối năm lớp 12, khi phát hiện ra mình đã biết trước đề thi, Châu phản ánh với thầy giáo và đề nghị trường thay đổi đề thi. Ban giám hiệu đã họp và để đảm bảo cho "danh dự" của nhà trường, đề nghị của Châu không được chấp nhận. Châu thất vọng, mất niềm tin và bỏ đi... Tuy nhiên, cuối cùng, mọi chuyện được sáng tỏ, công bằng được lập lại. Vở diễn khép lại với thông điệp “Lẽ phải, nhân cách và lòng trung thực phải là những giá trị tuyệt đối”.


Vở diễn này từng được đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành dàn dựng khá thành công từ cách đây hơn 30 năm, cho lứa diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ như: Lê Khanh, Chí Trung, Đức Hải, Minh Hằng, Ngọc Huyền... Tuy nhiên, trong lần dàn dựng này, đạo diễn Chí Trung đã quyết định làm mới theo hướng "gần gũi hơn với nhịp sống hiện đại ngày nay" như anh chia sẻ, với phần âm nhạc được sáng tác của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc, phần hiệu ứng điện ảnh do NSƯT Phạm Việt Thanh cố vấn, phần mỹ thuật của họa sỹ Doãn Bằng.


Cũng là vở diễn tham gia liên hoan, "Vương nữ Mê Linh" mà Nhà hát chèo Hà Nội vừa dàn dựng, đã tạo được sự hấp dẫn với khán giả nhờ việc hiện đại hóa thành công vở chèo này, góp phần tạo "điểm sáng" cho sân khấu Thủ đô. Thậm chí, một cuộc tọa đàm "Chèo với khán giả hôm nay qua vở diễn Vương nữ Mê Linh” đã được CLB Nhà báo Sân khấu (thuộc Hội NSSK Việt Nam) phối hợp với Nhà hát Chèo Hà Nội tổ chức ngay sau đó, để đánh giá những đóng góp của vở diễn với sân khấu chèo hiện nay.


Theo lãnh đạo nhà hát tiết lộ, kinh phí đầu tư cho vở diễn là gần 1 tỷ đồng, trong đó có phần không nhỏ được dành cho phục trang và biên đạo múa. Trước "Vương nữ Mê Linh", vở diễn "Oan khuất một thời" cũng đã từng được Nhà hát Chèo Hà Nội đầu tư tiền tỷ để dàn dựng, và cũng theo hướng "hiện đại hóa" nhằm đưa chèo đến gần hơn với công chúng.


Đánh giá về "Vương nữ Mê Linh", GS - TS, NSND Đình Quang khẳng định: Vở diễn đã tạo cho ông nhiều thiện cảm. Còn GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật dân tộc cho rằng, có thể coi "Vương nữ Mê Linh" là một vở mang tính thử nghiệm của sân khấu chèo và xứng tầm với phong cách riêng của chèo Hà Nội. Đó là một sân khấu hoành tráng, trang trí hiện đại, huy động rất đông lực lượng nghệ sĩ của nhà hát. Theo GS Hoàng Chương: “Trong thời kỳ hiện nay chèo đang gặp khủng hoảng thì sự thử nghiệm của Nhà hát Chèo Hà Nội là vô cùng cần thiết để lôi kéo khán giả về với mình”.


Còn theo đánh giá chung của khán giả, vở chèo thành công trước hết là đã làm “mãn nhãn” người xem cũng như mang tính hấp dẫn cần có để hút khán giả. Chính sự hấp dẫn về đầu tư sân khấu hoành tráng, giao vai chính cho những gương mặt nghệ sĩ trẻ trung đã tạo sức hấp dẫn riêng cho một vở diễn. Đặc biệt, không phải đơn vị, nhà hát nào cũng dám giao vai chính cho lớp diễn viên trẻ như Nhà hát Chèo Hà Nội khi đã dốc tiền đầu tư tiền tỷ cho vở diễn đi dự thi Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc vào tháng 10 này.


Thành công vượt biên giới

Vừa kịp ra mắt, thì vở hài kịch "Cải lão hoàn đồng" của Nhà hát Kịch Việt Nam đã được chọn tham dự Liên hoan và Diễn đàn Sân khấu Trung Quốc - ASEAN (diễn ra từ ngày 27/8 - 1/9 tại khu tự trị Guangxi Zhuang, Nanning, Trung Quốc) và giành giải thưởng "Vở diễn được khán giả yêu thích nhất". Đạo diễn - NSƯT Tuấn Hải và NSƯT Lệ Ngọc đoạt giải Nghệ sĩ được khán giả yêu thích nhất.


“Cải lão hoàn đồng” lấy chất liệu là một trong những câu chuyện cổ về tài năng, trí thông minh của anh nông dân đã nhiều lần “chơi khăm” tên địa chủ gian ác, tham lam, khiến cho hắn chịu cảnh ngậm đắng nuốt cay mà không thể làm gì được... Trong vở diễn này, đạo diễn Tuấn Hải đã cố gắng đi vào khai thác những nét đẹp riêng, nét văn hóa độc đáo của dân tộc như lũy tre làng, cơi trầu chén nước mời khách theo lệ “miếng trầu là đầu câu chuyện”, trang phục mớ ba mớ bảy của phụ nữ thủa xưa... và đặc biệt là không “đao to búa lớn” khi chọn thông điệp cho vở diễn là những chân lý đậm màu sắc dân gian, giản dị: “Ở hiền gặp lành, tham thì thâm, gậy ông lại đập lưng ông”, từ đó, tạo ra trong những chiêu trò gây cười khá hợp lý.


Tại liên hoan, vở diễn đã được đánh giá cao của công chúng cũng như của BTC. Việc dùng phụ đề tiếng Trung, sử dụng nhiều hành động sân khấu để diễn tả... đã khiến khán giả “dán mắt lên sân khấu theo dõi” như Trưởng BTC liên hoan và diễn đàn, Fang Ning, nhận xét. “Cải lão hoàn đồng” đã góp phần chứng tỏ được trình độ của sân khấu Việt Nam trên sân chơi khu vực.


Hoài Hương - Cao Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN