Ngày 5/4 vừa qua, Ủy ban Olympic Việt Nam đã trình lên Bộ VH, TT&DL kế hoạch xin đăng cai Asian Games 18 (2019), trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một kế hoạch rất nghiêm túc của Việt Nam và tính khả thi cũng rất lớn, với kinh phí tổ chức rất “tiết kiệm”.
Tại hội nghị thường niên 2011 của Ủy ban Olympic Việt Nam, một mục tiêu quan trọng đã được khẳng định, đó là Việt Nam sẽ thực hiện chiến dịch vận động đăng cai Asiad 18 (năm 2019). Đây cũng là một trong những đề án trọng điểm trong Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Bộ VH,TT&DL cùng các cơ quan liên quan đề xuất kế hoạch đảm bảo nguồn vốn đầu tư đăng cai Asiad 18.
Ông Hoàng Vĩnh Giang - Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết, cơ hội đăng cai của Việt Nam là rất lớn. Hiện nay các đối thủ lớn của Việt Nam chỉ còn Đài Loan (Trung Quốc), Inđônêxia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Dù không có tiềm lực kinh tế mạnh bằng các nước này, nhưng Việt Nam lại nhận được sự ủng hộ hết mình từ Ủy ban Olympic châu Á (OCA), sau khi tạo ra được uy tín lớn trong lần tổ chức thành công AIG 3 năm 2009 và trước đó là SEA Games 23. Đó là chưa kể, yếu tố chính trị ổn định cũng là lợi thế không nhỏ của Việt Nam trong cuộc đua đăng cai với các đối thủ.
Vấn đề đáng lo ngại nhất trong kế hoạch chính là vấn đề kinh phí. Theo ông Giang, do không phải xây nhiều nhà thi đấu, sân vận động nên kinh phí tổ chức dự kiến chỉ khoảng 130 triệu USD. Tuy nhiên trong công bố mới nhất từ phía UB Olympic Việt Nam, con số kinh phí dự trù 130 triệu USD có thể phải nhích lên 150 triệu, trong đó riêng xây mới Nhà thi đấu đa năng (tại Mỹ Đình – Hà Nội) tiêu tốn hơn 50 triệu USD. Đồng thời để giành quyền đăng cai, Việt Nam sẽ tổ chức các đợt vận động hành lang nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nước trong châu lục trong cuộc bỏ phiếu quan trọng vào tháng 11 tới. TTK Hoàng Vĩnh Giang cho biết: “Về cơ bản, Bộ ủng hộ kế hoạch Việt Nam đăng cai tổ chức song thời gian tới cần phải bổ sung, hoàn thiện. Lịch trình, bản kế hoạch sẽ được Bộ VH,TT&DL xem xét, bổ sung rồi xin ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phía Ủy ban Olympic châu Á (OCA) gia hạn nộp bản kế hoạch xin đăng cai trước 15/5”.
Thủ đô Hà Nội sẽ là địa điểm diễn ra các môn thi đấu chính, lễ khai mạc và bế mạc. Các tỉnh khác như Quảng Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hải Phòng cũng sẽ được tham gia tổ chức các môn thi đấu. Đây là những nơi đã có sẵn cơ sở vật chất để lại từ SEA Games 22. Khu liên hợp Asiad có diện tích khoảng 200 ha tại vùng đông bắc sông Hồng - Xuân Canh, Xuân Trạch thuộc huyện Đông Anh. Làng Á vận khoảng 42 ha tại Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội, được coi là một khu tiểu đô thị, có khả năng bố trí tiếp nhận ăn, ở sinh hoạt cho khoảng 11.000 cán bộ, HLV, VĐV của 45 đoàn. Việt Nam cũng lên kế hoạch tổ chức các môn thi đấu. Theo đó, dự kiến chương trình thi đấu của Asiad 18 sẽ có trên 35 môn thi đấu (26 môn Olympic bắt buộc) với tiêu chí vừa đáp ứng tính truyền thống của Đại hội, vừa là những môn có trong hệ thống thi đấu Olympic. Đại hội dự kiến có sự tham gia tranh tài của khoảng 11.000 HLV, VĐV đến từ 45 quốc gia ở khu vực châu Á.
Hồ sơ xin đăng cai của Việt Nam sẽ được gửi đến Hội đồng Olympic châu Á (OCA), sau khi được phê duyệt của Chính phủ. OCA sẽ chính thức quyết định trao quyền cho quốc gia đăng cai Đại hội vào tháng 11 tới và khi đó, Việt Nam mới biết mình có thực hiện được giấc mơ hay không.
Anh Chi