Quảng Ninh bảo tồn lễ hội gắn với phát triển du lịch bền vững

Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai các hoạt động bảo tồn các lễ hội, phục dựng, truyền dạy văn nghệ dân gian gắn với phát triển du lịch.

Chú thích ảnh
Nghi thức rước kiệu tại hội Lễ hội đình Trà Cổ năm 2023. Ảnh: TTXVN phát

Mảnh đất giàu giá trị văn hoá

Quảng Ninh có thế mạnh cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa đặc sắc, khác biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số với văn hóa, phong tục riêng biệt. 

Quảng Ninh hiện có 42 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, mỗi dân tộc có lễ hội riêng của mình gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất. Lễ hội đã làm cho không khí các thôn, bản tưng bừng sống động, đồng bào các dân tộc phấn khởi, hào hứng tham gia các hoạt động văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng, đồng thời tăng cường gắn kết cộng đồng không ngừng khơi dậy ở mỗi người dân ý thức gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền các giá trị văn hóa quý báu.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu... trên địa bàn tỉnh mang dấu văn hóa đặc sắc, đã và đang phát huy giá trị, trở thành những tài nguyên du lịch độc đáo thu hút đông đảo du khách thập phương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhắc đến các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số không thể không nhắc đến huyện Bình Liêu với trên 96% là dân tộc thiểu số sinh sống. Vì thế, Bình Liêu trở thành mảnh đất của các hội và lễ hội đặc sắc diễn ra suốt bốn mùa. Mùa xuân, hạ, Bình Liêu có lễ hội truyền thống như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng cọ, hội Kiêng gió; mùa thu, đông, mảnh đất miền biên giới lại rộn ràng với hội Mùa vàng, hội hoa sở...

Cùng với đó, lễ hội Bàn Vương của người Dao được duy trì tổ chức hằng năm, giữa tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên huyện Ba Chẽ tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Tày. 

Cũng như Bình Liêu, Ba Chẽ, các địa phương có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái đều tích cực phục dựng, bảo tồn, tổ chức các hoạt động lễ hội, ngày hội gắn với đời sống sinh hoạt, văn hóa của người dân phục vụ phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Đồng thời, các địa phương cũng đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành; tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến, xây dựng và phát triển các chương trình tour hợp lý; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử, hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa.

Bảo tồn bản sắc văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững

Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 1,1 lượt khách quốc tế tham gia du lịch cộng đồng với tổng thu từ hoạt động du lịch cộng đồng đạt 6.000 tỷ đồng và tạo ra 4.200 việc làm.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai du lịch cộng đồng, quan tâm đến chính sách hỗ trợ hạ tầng, đào tạo nghề, hình thành sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, xây dựng chiến dịch truyền thông cho các địa điểm du lịch cộng đồng; có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, hãng lữ hành…

Ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn).

Việc hình thành các làng văn hóa sẽ trở thành những “bảo tàng sống” nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch bền vững.

Thu Trang/Báo Tin tức
Chủ tịch nước: Phấn đấu để Quảng Ninh trở thành một tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Chủ tịch nước: Phấn đấu để Quảng Ninh trở thành một tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Tối 28/10, Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 – 30/10/2023) đã diễn ra tại Quảng trường 30/10, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN