Phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng: Bài 2: Nỗ lực hành động để tăng tình yêu với sách

Những năm gần đây, toàn xã hội đã vào cuộc tích cực nhằm phát triển văn hóa đọc, xây dựng được thói quen đọc sách trong cộng đồng, nhất là trong giới trẻ. Việc làm thiết thực này đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. 

Khuyến khích giới trẻ đọc sách

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg phê duyệt ngày 21/4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam. Đây là một việc có ý nghĩa lớn đối với xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc đọc sách, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập; đồng thời khuyến khích, phát triển hơn việc đọc sách và duy trì sách truyền thống trong thời đại truyền thông số.

Chú thích ảnh
Phố sách 19/12 ở Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Trong 5 năm qua, các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày sách Việt Nam. Đáng chú ý trong đó, để tích cực thu hút giới trẻ tham gia đọc sách, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cũng như các tổ chức đoàn cơ sở đã có rất nhiều sáng kiến, hoạt động hữu ích.

Điển hình Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức các cuộc vận động “100 quyển sách thanh thiếu nhi thành phố nên đọc”, “Đọc và làm theo báo Đội”; ngày hội “Thiếu nhi vui đọc sách” với chủ đề “Thiếu nhi với thế giới văn học”; duy trì và xây dựng mô hình “Mỗi cơ sở đoàn 1 tủ sách - Mỗi cán bộ đoàn tìm hiểu 1 quyển sách”.

Đoàn khối Bộ Xây dựng tổ chức tọa đàm “Chung tay lan tỏa tình yêu dành cho sách”, tổ chức cuộc thi ý tưởng đưa sách lan tỏa đến cộng đồng; xuất bản cuốn sách “Tuổi trẻ Sài Gòn Mậu Thân”, tổ chức buổi giới thiệu hồi ký “Khi Tổ quốc gọi” của tác giả Nguyễn Long Trảo; Ngày hội sách -“Hành trình chuyến xe tri thức lưu động”;  mô hình “Sách hay tặng bạn”… thu hút hơn 1 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia.

Thành đoàn Hà Nội liên tục 5 năm qua tổ chức “Ngày hội sách Thủ đô” với các hoạt động cụ thể như: Giới thiệu các ấn phẩm, sách mới, tác phẩm mới; thi kể chuyện về sách; tủ sách tặng em… thu hút hàng nghìn lượt thanh thiếu nhi thủ đô tham dự.

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của Thông tấn xã Việt Nam đã phát triển, xây dựng 4 tủ sách Đinh Hữu Dư tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình nhằm trao tặng sách, truyện, đồ dùng học tập, các vật dụng thư viện… cho trẻ em những địa bàn khó khăn.

Thống kê sơ bộ, 5 năm qua các cấp bộ đoàn trong cả nước đã xây dựng hơn 36.000 tủ sách các loại với trên 4 triệu cuốn sách. Trung ương Đoàn xây dựng bộ công cụ tuyên truyền về Ngày sách Việt Nam, về văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi (infographic, trailer, clip, banner…) đăng tải trên fanpage các ban, đơn vị Trung ương Đoàn và của các cơ sở đoàn; in 18.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền cấp phát cho các cơ sở đoàn. 

"Hút” giới trẻ đến với sách 

Tại Việt Nam, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là sức hấp dẫn từ mạng xã hội khiến cho một bộ phận không nhỏ giới trẻ không còn mặn mà với việc đọc sách truyền thống. Thay vào đó, họ chỉ đọc những thông tin có tính giải trí tức thời, ngắn gọn, “hot” và đọc sách điện tử (kindle book).

Một thực tế đáng buồn là số lượng bạn đọc trẻ tuổi thờ ơ với sách ngày càng gia tăng. Một bộ phận thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên hiện nay dường như không còn quan tâm đến sự tồn tại của các tác phẩm văn học kinh điển.

Chú thích ảnh
Đường sách TP Hồ Chí Minh thu hút khá nhiều bạn trẻ tới tham quan, vui chơi, đọc sách. Ảnh: baotintuc.vn

Với sự phát triển mạnh của internet và mạng xã hội, nhiều người cũng lo ngại tình yêu với sách sẽ dần bị lu mờ. Nhưng nhìn ở mặt tích cực, sự ra đời của sách điện tử hay nhiều hình thức sách cũng làm cho việc đọc phong phú khác hơn. Từ đó có thể hy vọng rằng, thế hệ trẻ sẽ tự giáo dục mình thông qua sách vở với những phương tiện hiện đại, bắt kịp xu hướng tương lai. 

Thế nhưng vẫn cần sự vào cuộc của cả cộng đồng để giúp người dân, nhất là giới trẻ nâng cao tình yêu với sách, quan tâm và phát triển thói quen đọc sách.

Để giới trẻ thêm yêu sách, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức cũng như xây dựng định hướng văn hóa đọc lành mạnh cho thanh thiếu nhi. Các tổ chức Đoàn thường xuyên tổ chức các ngày hội đọc sách theo chủ đề, nhất là vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, đất nước và tổ chức Đoàn; duy trì, thường xuyên bổ sung, cập nhật các đầu sách mới cho các tủ sách thanh niên, tủ sách măng non, tủ sách Bác Hồ, tủ sách pháp luật, tủ sách biển đảo…

Mặt khác, các đơn vị chức năng cũng vận động nguồn lực để tăng cường nguồn sách về cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các nhà xuất bản của Đoàn tăng cường sản xuất các bộ sách dành riêng cho thanh thiếu nhi, tập trung vào các sách về giáo dục kỹ năng, hình thành nhân cách.

Theo anh Nguyễn Quang Thạch, người thực hiện chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam": Cùng với Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có việc làm cụ thể, mạnh mẽ, bài bản đánh thức tiềm năng nghe và đọc sách của hơn 22 triệu học sinh, sinh viên. Các bộ ngành từ trung ương đến địa phương hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày quốc tế Thiếu nhi, Ngày Tết âm và dương lịch bằng tặng sách, mừng tuổi sách trẻ em, cho thanh thiếu niên để hình ảnh sách được đi vào tâm trí xã hội... 

Để duy trì việc đọc sách trong thời đại truyền thông số của công chúng nói chung, bạn đọc trẻ nói riêng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Chí Đạt cho rằng: Cần phải kết nối và phát triển song song việc xuất bản, phát hành sách in với sách điện tử trong hệ thống các nhà xuất bản.

Các nhà xuất bản cũng cần nhạy bén, kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xuất bản sách điện tử. Việc tuyên truyền giới thiệu sách cần được đẩy mạnh trong thời đại truyền thông số bởi sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Tiêm (Hội Xuất bản Việt Nam) gợi ý: Để duy trì, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là với những người trẻ cần có cơ chế khuyến khích các sản phẩm sách hay, có giá trị; đổi mới và đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình; có thêm nhiều giải thưởng văn học quốc gia.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần chú trọng bồi dưỡng, phát triển lực lượng sáng tác trẻ; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc; khuyến khích, tạo cơ chế để thành lập phố sách, đường sách, quán sách… ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác.

Mỹ Bình (TTXVN)
Phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng
Phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng

Sách cần thiết cho mọi người bởi sách giúp chúng ta thu nhận tri thức của nhân loại, bổ sung những khiếm khuyết của bản thân và giúp ích cho cuộc sống. Tất nhiên, trong cuộc sống bận rộn ngày nay, nhiều người chưa có thói quen đọc sách, nhất là giới trẻ, hình ảnh họ cùng thảo luận về cuốn sách lại càng hiếm thấy. Vậy sách có quan trọng với giới trẻ và họ đang đọc sách như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN