Nước mắt chảy trên những trang thơ

Không phải cho dến khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ (ảnh) (SN 1935) mới làm thơ về biển đảo quê hương. Ông làm thơ về Trường Sa, Hoàng Sa, nhất là thơ về Lý Sơn, hòn đảo thân thiết gắn với quê hương ông, từ nhiều năm nay.

 


Nguyễn Thế Kỷ được biết đến nhiều bởi những đóng góp cho nghệ thuật sân khấu với nước nhà cũng như tỉnh Quảng Ngãi. Ông là tác giả của những vở diễn về đề tài cách mạng như “Đốm lửa núi Hồng”, “Núi rừng năm ấy”, “Tim đường Đồng Lộc”… hay một số vở kịch như “Những đứa trẻ không cô đơn”, “Thánh Gióng”, “Mẹ và con”, “Lão bộc của vua Quang Trung”.


Ở lĩnh vực văn xuôi, Nguyễn Thế Kỷ có các tác phẩm: “Vị thượng khách đến Paris về Hà Nội” viết về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trước và sau Cách mạng tháng 8; “Gian lao nghìn dặm” viết về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những năm đầu thập kỷ 40 ở Trung Quốc; “Anh hùng Dương Chí Uyển”, “Quảng Ngãi giai thoại và truyền thuyết”…

 


Thơ là một phần con người ông, “thơ gần trái tim mình nhất”, làm thơ để thỏa niềm say mê. Ông cũng tự nhận “thơ tôi có thể không hay, đôi lúc nó không phải là thơ nữa”, nhưng đó là tiếng lòng, là những xúc cảm của một nhà thơ, nhà viết kịch, cũng là của một công dân với những vấn đề nóng bỏng của đất nước.


Nguyễn Thế Kỷ từng được biết đến với những tập thơ theo chủ đề mang hơi thở của “chính sự”, những vấn đề “thời sự”, chẳng hạn thơ về đường dây 500 KV, thơ viết về văn hóa giao thông. Ông đã được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất hoan nghênh khi ra mắt tập thơ “Đàn của gió” (Nxb Lao động) về đường dây điện 500 KV Bắc - Nam. Gần đây, tập thơ “Con đường-Con người” (Nxb Trẻ) về văn hóa giao thông, một vấn đề luôn khiến dư luận quan tâm cũng đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết lời hoan nghênh ngay trang đầu tập thơ và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.


Năm 2013, Nguyễn Thế Kỷ cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Về tổ” viết về đề tài biển đảo quê hương (Nhà xuất bản Hội nhà văn) với 159 bài. Hiện giờ, ông lại chuẩn bị cho ra mắt tập thơ tiếp theo cũng về Trường Sa, Hoàng Sa với tên gọi “Sóng trào biển động”, hầu hết là những bài thơ mới viết kể từ khi Trung Quốc có những hành động gây hấn trên Biển Đông (ngày 2/5/2014).


Nguyễn Thế Kỷ là người nặng lòng với quê hương. Ông yêu Lý Sơn-Quảng Ngãi bằng tình yêu của người con với đất mẹ, cũng là tình yêu đối với Tổ quốc. Trái tim ông rung động khi viết về nơi những đội hùng binh Hoàng Sa đầu tiên hình thành, nơi mà nghi lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa bao đời nay lưu giữ, nơi những đoàn tàu của ngư dân vươn khơi bám biển… Những địa danh “Đảo Lý Sơn”, “Cù lao Ré”, “Chùa Hang”, “Chùa Đục”, “Dinh bà Roi”; những câu chuyện không thể quên về “Mộ gió”, “Khao lề thế lính Hoàng Sa”, “Ngư đội Trường Sa”,… đều trở thành những tựa cho thơ của ông.
Năm nay Nguyễn Thế Kỷ đã ở tuổi 80 tuổi, những ngày viết “Sóng trào biển động” có lúc sức khỏe ông tưởng chừng bị vắt kiệt.

Nhưng không có lý do gì ngăn được ngòi bút chảy ra trên trang giấy. Những lớp sóng ngoài khơi xa đang cồn lên cũng như những xúc cảm mãnh liệt trong lòng ông. Những câu thơ ông viết cho chính mình, để “giải tỏa” lòng mình cho bớt “nóng ruột”. “Tôi viết những bài thơ khác dù hay mấy cũng không thấy có gì là tự hào cả. Vậy mà khi viết “Sóng trào biển động”, trong suốt mấy tháng trời, chỉ một câu thôi mà nước mắt tôi cứ chảy ra”, ông nói.


Đầu tháng 7 này, khi miền Bắc đang trong những ngày oi nồng nhất, Nguyễn Thế Kỷ ra Hà Nội. Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Báo Người cao tuổi tổ chức cuộc tọa đàm “Thơ về biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa” của ông. Nhìn ông mái tóc bạc phơ, kể chuyện làm thơ về biển đảo mà giọng chùng xuống, mỗi câu nói đều chất chứa tâm tư, thảng có lúc thấy ông cười nhưng miệng cười mà ánh nhìn xa xôi.


Kể từ khi có sự kiện trên Biển Đông (ngày 2/5/2014), không đêm nào Nguyễn Thế Kỷ ngủ yên giấc. Trường Sa mà ông từng đi từ sau giải phóng miền Nam và một lần nữa sau sự kiện đảo Gạc Ma cùng với hải quân đã khiến Nguyễn Thế Kỷ không nguôi trăn trở, đau xót. Ông thương những người lính biển ngày đêm canh giữ biển đảo; đồng cảm với những ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu cho mình cũng là bảo vệ Tổ quốc; càng xúc động hơn khi kể câu chuyện hoãn cưới của một cặp trai gái vì chàng trai còn làm nhiệm vụ ngoài biển khơi,… bằng thơ.


Thơ Nguyễn Thế Kỷ mạch vần đơn giản, thiên về “kể” hơn là chuẩn chỉ bút pháp của câu từ, vần điệu. Đọc thơ có lúc thấy “trục trặc, rời rạc”; nhưng hơn hai trăm bài thơ về Trường Sa, Hoàng Sa, về Lý Sơn đều cho thấy tình yêu của ông với biển đảo. Tình yêu ấy tựa như tình yêu đối với cha, mẹ, không khi nào có thể nói hết, không lời nào có thể diễn tả cho đủ.

Nhưng điều hiển hiện mà ông có thể làm để thể hiện tình yêu ấy, là “Tối Ba Mươi thắp hương ông bà/Không quên liệt sĩ Gạc Ma, nhà giàn DK1’, và với ông “Yêu cha, yêu mẹ bao nhiêu/bấy nhiêu yêu nhà yêu nước” (“Nói hoài không hết”, trong tập thơ Về tổ). Để rồi từ đó, khẳng định đanh thép: “Mộ Gió Lý Sơn” vàng chứng tích/”Khao lề Thế lính” đỏ hương rằm/Ngư trường truyền thống là lai lịch/Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam” (“Vàng thau không lẫn lộn” trong tập thơ “Sóng trào biển động”, Quảng Ngãi tháng 5/2014).

 

Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN