Ánh mắt sắc lẹm, giọng nói chao chát gắn với những mụ Kim, bà Sùng, Hoạn Thư... đã từng làm nên “thương hiệu” Thanh Ngoan trong làng chèo Việt Nam. Dù chỉ toàn hóa thân vào những vai đanh đá, độc ác, ghê gớm nhưng ngoài đời chị lại là một người hoàn toàn khác, rất xởi lởi, cởi mở với mọi người và rất bao dung với đàn em.
Gặp NSƯT, đạo diễn Thanh Ngoan trong một buổi tập ở nhà hát Kim Mã, ở cái tuổi ngót nghét ngũ tuần, chị vẫn trẻ đẹp cái vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà. Tuy đã là Giám đốc Nhà hát chèo nhưng Thanh Ngoan vẫn không hề ngơi nghỉ, vẫn ngày ngày lên sàn tập để hướng dẫn các diễn viên, vẫn đi hát khi có điều kiện, vẫn chơi phách, chơi nhị những lúc rỗi nhàn vì với chị “cái nghiệp chèo đã vận vào thân”.
Sinh ra ở đất chèo Thái Bình, trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, từ nhỏ Thanh Ngoan đã sớm bộc lộ năng khiếu. Năm 9 tuổi, chị tham gia vào đội văn nghệ của làng, xã, đi diễn ở địa phương và không biết từ lúc nào, tình yêu với hát chèo đã ngấm vào Thanh Ngoan, chị thường chăm chú nghe các vở chèo phát trên đài, học lỏm mọi người và thuộc rất nhanh...
Năm Thanh Ngoan 13 tuổi, Nhà hát chèo Việt Nam về Thái Bình tuyển diễn viên. Trong ngày cuối cùng tuyển “vét”, Thanh Ngoan đã mạnh dạn rủ cô em họ vào thi và được chọn ngay. Con đường làm nghệ thuật của chị bắt đầu từ đấy.
Thanh Ngoan tâm sự: “Khi được nhận vào đoàn, tôi là người nhỏ tuổi nhất. Đó là những tháng ngày vô cùng khó khăn vì phải tự lập, sống xa cha mẹ, nếu không có đam mê chắc tôi không vượt qua được”.
Ngày ấy, để vượt qua nỗi nhớ nhà, cô bé Thanh Ngoan đã tưởng tượng ô cửa nhỏ của hội trường Nhà hát chèo là “cánh cửa” để nhìn thấy quê hương, cha mẹ. “Tối tối, tôi thò đầu ra ngắm trăng và tưởng tượng rằng ở quê nhà bố mẹ cũng đang nhìn vầng trăng ấy. Sợ nhất là trời mưa vì nếu trời mưa sẽ không được nhìn thấy trăng, bên cạnh đó, cứ trời mưa là tôi phải đối diện với nỗi buồn mênh mông trong lòng. Nhưng tôi phải cảm ơn những ngày tháng ấy vì những lúc cô đơn tôi lại lao đầu vào đọc sách và chuyên tâm học hành, tập luyện, kết quả là luôn được các thầy đánh giá cao vì nắm được bài rất tốt, đặc biệt là có một chất giọng lạ, có lực, có “thép”. Vào đoàn được nghe các thầy, các anh các chị hát véo von thì thích lắm, nó cứ ngấm dần vào máu mình và vừa yêu thích, vừa chuyên tâm nghiên cứu đã cho tôi cái nền cho những thành công sau này”.
Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, Thanh Ngoan từng đạt rất nhiều giải thưởng như: Huy chương vàng (HCV) Giọng hát chèo hay tổ chức tại Thái Bình (1981); HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1988 và 1990); diễn viên xuất sắc của sân khấu chèo Hà Nội (1991).
Cuộc đời làm nghệ thuật của NSƯT Thanh Ngoan không chỉ thành công với chèo, chị còn rất tâm huyết với các bộ môn nghệ thuật truyền thống như hát ca trù, xẩm, chầu văn. “Nhiều người từ g hỏi tại sao tôi lại hát được nhiều loại âm nhạc truyền thống như vậy? Với chèo, tôi có một lợi thế là có được giọng hát và vì có niềm đam mê với các bộ môn nghệ thuật truyền thống nên từ thế mạnh của chèo, tôi tự nghiên cứu và tìm ra cách thể hiện cho các loại hình kia. Khi học chèo đã đủ độ thấm rồi, nhà hát có tổ chức các loại hình khác và có mời thầy về dạy, lúc đó tôi lại có cơ hội để học thêm ca trù, xẩm, chầu văn một cách bài bản. Nên đến bây giờ, không chỉ chèo, vốn ca trù của tôi cũng không hề ít ỏi đâu”, Thanh Ngoan cười chia sẻ.
Yêu nghề là sống chết với nghề, với NSƯT Thanh Ngoan, 35 năm trong nghề, chị chưa hề hối hận một điều gì. Điều tâm đắc nhất của chị là đã dựng lại được chiếu chèo cổ ở nhà hát Kim Mã, biểu diễn vào thứ 6 hàng tuần, và chỉ trong vòng 1 năm, người ta đến để nghe chèo ngày càng đông. Nơi đây cũng là niềm vui của chị, dù bận bịu công việc quản lý đến đâu chị cũng đều đặn đến và hướng dẫn các em học trò tập luyện. Chị vẫn là như vậy, luôn sống chan hòa, cởi mở và bao dung, chăm lo cho anh em trong đoàn. Tuy nhiên trong công việc lại rất rạch ròi và nghiêm túc, lúc nghỉ ngơi thì cười nói vui vẻ thế thôi nhưng vào việc là rất nghiêm khắc. Chị vẫn đùa, vì mình thường đóng những vai sắc sảo quen rồi cho nên kể cả giọng nói cũng kinh khủng, có âm vực và âm khí đầy lực kể cả lúc nói bình thường, cách nói nhấn từ cũng làm cho giọng nói càng thêm sắc sảo nên nhiều khi làm cho các em sợ mà phải đi vào nền nếp.
Đúng như anh em trong đoàn vẫn nhận xét là “chưa thấy người đã thấy tiếng”, một Thanh Ngoan bên ngoài sân khấu lúc nào cũng hồ hởi, tay bắt mặt mừng, và đặc biệt hơn ở giọng nói sang sảng, đanh chắc. Chị hát cho tôi nghe 1 đoạn trong Tuần Ti - Đào Huế: “Ới iêng ơi, Hòn đá cheo leo, Thiếp tôi chèo mần răng cho đặng, Tôi hỏi thăm chú chăn trâu cùng o gánh nác, Đường tới Nam Định Bắc Thành nơi mô”.
Dường như chị cứ lên sân khấu, cứ nhập vai là cháy hết mình cho vai diễn ấy. Được gặp chị và nghe chị nói về chèo bằng những lời tâm sự tưởng như bất tận với tất cả tâm huyết của một người hết lòng vì nghệ thuật truyền thống, tôi ra về lòng thấy vui vui lạ, lẩm nhẩm lại một đoạn chị vừa hát, bỗng thấy yêu chèo đến thế!
Tạ Nguyên