Nỗi sỉ nhục Milan: Cửa hàng Inter mọc lên ở nơi Milan sinh ra...

 ...Đấy là một câu chuyện có thật, và trận derby Milano diễn ra cuối tuần này hóa ra đã bắt đầu hai tháng trước, hồi tháng 11/2011. Trên BXH khi đó, Inter vẫn còn đứng thứ 5 từ dưới bảng lên (chỉ được 11 điểm), kém Milan tới 10 điểm. Nhưng trên thực tế, họ đã thắng trận derby đầu tiên.

Nỗi sỉ nhục với Milan

Vào một ngày mùa đông lạnh giá của năm cuối cùng thế kỉ 19, một CLB mang tên Milan cricket and football Club đã được một nhóm những người Anh và Italia lập ra trong một quán ăn có tên Fiaschetta Toscana ở số 1 phố Berchet. Năm tháng qua đi, để rồi một ngày cuối năm 2011, chính ở cái nơi ấy, đã mọc lên một cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm của Inter do chính đội bóng của ngài Moratti đáng kính sở hữu. Giới milanista chấn động. Ở cái nơi linh thiêng mà có lẽ hồn ma của ba người Anh có công sáng lập nên Milan là Kilpin, Alison và Davies vẫn còn lẩn khuất, thì với các milanista, điều ấy không khác gì một sự báng bổ kinh khủng. Với giọng bực bội và phẫn uất, một độc giả viết trên nhật báo Il Giornale của gia đình Berlusconi, trong một lá thư gửi chính ngài chủ tịch Silvio: “Công nhận là ở thị trường tự do, người ta có thể mua hay sang nhượng bất cứ bất động sản nào mà họ muốn, nhưng việc Inter thuê địa điểm đó để làm cửa hàng bán đồ lưu niệm là một hình thức khiêu khích. Họ không thèm đếm xỉa đến việc nơi đó có ý nghĩa như thế nào đối với Milan. Bản thân chính những người đứng đầu Milan đã làm ngơ và dày xéo lên lịch sử CLB: rất nhiều milanista đã yêu cầu Berlusconi mua nơi này vào thời điểm ông ta mua đội bóng năm 1986. Nhưng 25 năm đã trôi qua kể từ ngày đó, chẳng có động tĩnh gì, để rồi lịch sử của Milan bị làm nhục”.


Việc Inter lập cửa hàng ngay tại nơi khai sinh Milan chồng chất thêm hận thù giữa hai đội bóng.



Niềm tự hào bị tổn thương hay là tình yêu bị phản bội? Hiểu theo nghĩa nào cũng được, nhưng rõ ràng, vị độc giả kia chỉ là một trong rất nhiều milanista cảm thấy bị cả Inter lẫn chính Milan làm nhục. Ở cửa hàng mang tên “Solo Inter” tại nơi lịch sử của Milan ấy, những người Inter thường xuyên lui tới. Bà Mily, vợ chủ tịch Moratti, thường xuyên lui tới nơi này, trong khi Angelo Mario, con trai Moratti và hiện là phó chủ tịch Inter, là người rất thích thú với việc điều hành cửa hàng này. Anh này nói một cách dửng dưng trên kênh Sky Italia vào cái ngày mà cả nước Ý tỏ ra sửng sốt trước những gì đã xảy ra tại số 1 phố Berchet: “ Đấy chỉ là một sự trùng lặp. Tôi chẳng biết gì hết”. TGĐ Inter Paolillo khẳng định một cách bình thản: “Chẳng qua chỉ là sự ngẫu nhiên. Chúng tôi không muốn làm tăng thêm mối căng thẳng giữa hai CLB”. Điều kì quặc, là cách cửa hàng của Inter hai bước chân, là cửa hàng bán đồ lưu niệm của... Milan, có tên “Milan Store”. Đấy là một thế giới thực sự với những ai tự hào là rossonero. Laura Masi, giám đốc marketing của Milan: “Khi chúng tôi đọc được thông tin, là có một cửa hàng lưu niệm của Inter mọc lên tại chính nơi đã sinh ra Milan, có rất nhiều người trong ban quản trị Milan đã bật cười. Chúng tôi cũng không biết điều này. Milan có hai cửa hàng lớn rất gần nơi này. Giá mà ai đó gợi ý cho chúng tôi trước về nơi lịch sử này, có lẽ chúng tôi sẽ chuyển cửa hàng đến đấy”. Không một quan chức nào khác của Milan lên tiếng. Có lẽ họ cảm thấy mình đã “việt vị” sau khi nhận một cú sốc, để rồi giả vờ như không có chuyện gì nghiêm trọng.

Nỗi hậm hực của Rivera

Không ai biết điều gì thực sự đã xảy ra với Milan, nhưng ở một đất nước mà sự quan liêu và hành chính ngự trị đến mức thành một lối sống, và chủ nghĩa khiêu khích lên ngôi trong thời buổi mà những cuộc trả đũa trở thành một phương thức để chọc tức nhau, thì những điều trên cũng chẳng có gì quá đặc biệt. Những trận derby Milano diễn ra ở mọi khía cạnh và góc độ, mà sân cỏ chưa chắc đã đem đến tiếng nói cuối cùng. Hai năm trước, người viết bài này đã từng đến đúng nơi sinh ra Milan 112 năm trước và cũng từng đặt ra câu hỏi, là tại sao Milan không mua lại cái quán ăn cổ lúc ấy đang cần tìm chủ đầu tư mới. Đội bóng của Berlusconi đã luôn nhìn đối phương theo cái cách ngạo nghễ và trịch thượng để rồi một ngày nào đó, đối thủ cười vào mũi họ. Trong cái thành phố mà những nét văn hóa sống hòa trộn với văn hóa bóng đá ở thời kì mà người ta trở nên rộng rãi và dễ phớt lờ quá khứ, sự kiện nói trên là một cú sốc với thế hệ bóng đá cao niên. Huyền thoại của Inter, Sandro Mazzola, bảo: “Tin này khiến tôi choáng váng. Các anh có thể bảo tôi cổ lỗ sĩ, nhưng vào thời của tôi, một cửa hàng Inter trên đất Milan là không thể chấp nhận được. Không ai cho phép mở cửa hàng Inter ở nơi đã có Milan”. Huyền thoại của Milan, Rivera: “Ngày xưa chuyện này sẽ ầm ỹ lắm. Còn bây giờ, chẳng quan chức nào của Milan thèm để tâm đến những vị tiền bối. Mà Inter được sinh ra từ một dẻo sườn của Milan”...

Dường như Rivera có vẻ hậm hực. Phải, từ một dẻo sườn của Milan, khi hơn 40 kẻ nổi loạn tách khỏi Milan để thành lập Inter vào tháng 3/1908, cũng trong một quán ăn (có tên l’Orologio). Derby Milano là thế đấy. Nếu một cửa hàng của Inter mọc lên ở chính nơi đã sinh ra Milan, thì điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả việc trận derby đã được bắt đầu theo những cách kì quặc nhất, từ việc Milan đã đưa về Ronaldo và Vieri để chế giễu Inter thế nào, đến việc Inter nhảy vào cuộc đua với Milan để có chữ kí của Tevez đúng mấy ngày trước khi trận derby thứ 278 diễn ra. Thế giới của những “casciavit “(từ cổ chỉ các milanista) và “bauscia” (chỉ interista) chỉ nằm dưới một gầm trời, đúng hơn, một thành phố và lịch sử của họ là một câu chuyện rất dài của những đối đầu từ vĩ đại nhất cho đến kì quặc nhất. Như câu chuyện về cửa hàng “Solo Inter” ở số 1 phố Berchet...


Theo thethaovanhoa.vn

Giữ được Pato, Milan bỏ Tevez
Giữ được Pato, Milan bỏ Tevez

GĐĐH của AC Milan, Adriano Galliani, đã xác nhận việc ngừng theo đuổi tiền đạo Carlos Tevez của Manchester City.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN