Linh vật Rồng mang số hiệu 1000 trong dự án đúc 1000 rồng thời Lý để làm quà lưu niệm đặc biệt chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Các công trình, sản phẩm, biểu tượng ngoại lai, không đúng với văn hóa người Việt đã khiến hình ảnh văn hóa Việt Nam có phần méo mó, sai lệch.
Các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kiên quyết đưa các sản phẩm, hình ảnh không thuần Việt ra khỏi các di tích, trong đó có các linh vật ngoại lai.
Các biện pháp này đã bước đầu đạt được hiệu quả nhất định đã có nhiều giải pháp được triển khai và bước đầu có hiệu quả.
Những năm qua, linh vật ngoại lai xuất hiện nhiều trong các khu di tích nước ta, linh vật thuần Việt có phần "lép vế" và ít người dân nhận biết được đâu là linh vật Việt Nam, đâu là linh vật nước ngoài.
Để cải thiện tình trạng này, các cấp, các ngành, địa phương đã tăng cường quảng bá về linh vật thuần Việt như một hình thức tuyên truyền để người dân biết và không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với văn hóa nước nhà.
Từ câu chuyện về “Nghê - linh vật thân quen” Trong chuyến khảo sát gần đây nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tỉnh Ninh Bình về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam, Tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế đã chia sẻ câu chuyện khá lý thú về con nghê mà ông đặt tên là “Nghê - linh vật thân quen”. Câu truyện bắt đầu từ sự xuất hiện của đôi nghê trên bia "Minh tịnh tự bi văn" niên hiệu Quảng Hựu thứ 6 (năm 1090), trong đó có khẳng định nghê đã xuất hiện liên tục, đa dạng trong nghệ thuật của người Việt qua các triều đại.
Theo ghi nhận của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, gần đây, trước làn sóng sư tử, tỳ hưu và kỳ lân Trung Hoa ào ạt tràn vào Việt Nam, những người yêu mến văn hóa Việt đã quyết tâm làm sống lại vẻ đẹp nghìn đời của hệ thống linh vật Việt. Để góp phần quảng bá có hệ thống linh vật Việt Nam (đặc biệt là con nghê), chàng trai trẻ Nguyễn Trí Quang đã sáng lập ra trang web Vr3d như một bảo tàng linh vật online. Nhờ có trang web này mà rất nhiều nghệ nhân nhà điêu khắc đã phục dựng thành công cũng như tạo mới các linh vật cổ truyền.
Cùng với đó, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ cũng đã phục dựng thành công con nghê gỗ Phủ Sơn từng đặt ở đền thờ Lê Thánh Tông (nay là hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Phiên bản này đã được cộng đồng chào đón. Năm 2015, người dân làng Trạch Xá (Hà Nội) đã di dời cặp sư tử đá Trung Hoa, tiếp nhận đôi nghê do nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ vừa phục dựng. Tiếp đó, nhà điêu khắc này đã thu nhỏ mẫu nghê ở đền Lê Thánh Tông, kết hợp với mẫu nghê ở Thái Miếu nhà Hậu Lê để làm ra những đôi nghê phong thủy.
Cũng liên quan tới hình tượng con nghê, một sáng tạo ý nghĩa của họa sĩ Lê Văn Thao và nhóm Circle group của Trần Thành Tùng được giới thiệu nhân hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) diễn ra tại thành phố Huế từ ngày 18-21/5/2016 đã được quan khách ghi nhận. Theo Tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế: Nhóm các nghệ sỹ đã thiết kế món quà lưu niệm là một chiếc ấn tặng các chuyên gia UNESCO. Chiếc ấn gồm hai phần, phần chữ lấy từ “Huệ” trong bản "Thư viện lệ quy" và phần linh vật được chọn chính là con nghê đá trong nhà thờ của dòng họ Nguyễn Huy. Chiếc ấn này có kế thừa tạo hình của ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo” của chúa Nguyễn Phúc Chu hay ấn “Trần miếu tự điển” (có phiên bản tại Bảo tàng Nam Định). Có thể nói, đây là lần đầu tiên, linh vật nghê đã có mặt tại cuộc họp của UNESCO...
Đến thành công bước đầu việc nói “không” với linh vật ngoại lai Thời gian qua, ở một số nơi xuất hiện tình trạng xây dựng các công trình kiến trúc tâm linh, khu vui chơi giải trí sao chép mẫu hình của nước ngoài, trong đó có việc sử dụng tùy tiện các sản phẩm, biểu tượng xa lạ với văn hóa người Việt. Việc này vô tình phá vỡ cảnh quan trong các di sản văn hóa truyền thống. Khá nhiều du khách nước ngoài khi tham quan di tích Việt Nam cũng ngỡ ngàng bởi trong di tích Việt lại sử dụng các sản phẩm văn hóa, biểu tượng của một quốc gia khác.
Trước tình hình đó, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Sau khi được ban hành (ngày 8/8/2014) công văn đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội trong việc nói “không” với linh vật ngoại lai. Quyết tâm nói “không” với linh vật ngoại lại, tại làng nghề đá Ninh Vân (Ninh Bình), các nghệ nhân đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tạo ra các sản phẩm tượng nghê, sư tử theo phong cách nghệ thuật tạo hình truyền thống.
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban quản lý Làng đá Ninh Vân cho biết: Sau khi nhận được công văn chỉ đạo, làng nghề đã ngừng sản xuất sản phẩm ngoại lai, chuyển sang sản xuất những sản phẩm thuần Việt theo mẫu tại đền vua Đinh, vua Lê và cung đình Huế. Được tập huấn, tuyên truyền thường xuyên nên khi khách đến đặt hàng, các cơ sở sản xuất chủ động tuyên truyền về chủ trương sử dụng sản phẩm thuần Việt. Thay vì sử dụng những con sư tử ngoại lai dữ tợn, nhiều khách hàng đã chuyển sang đặt con nghê, sư tử hoặc những những con vật kiểu dáng mềm mại của người Việt.
Ông Diệu cũng cho rằng: Ở làng đá Ninh Vân, sản xuất những con vật thuần Việt dễ dàng, thân thiện hơn và thu nhập vẫn đảm bảo. Khoảng chục năm trở lại đây, Làng nghề đá Ninh Vân rất phát triển. Nghề làm đá chiếm tỷ trọng gần 89% trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn xã; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 3.000 thợ chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và gần 1.000 người ở các vùng lân cận. Thu nhập trung bình của người lao động làm đá trong làng từ 5-5,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ ở Làng nghề đá Ninh Vân (Ninh Bình), hầu hết các làng nghề mỹ nghệ cả nước hiện nay đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm truyền thống. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người dân Việt Nam đã nhận thức rõ về vấn đề sử dụng biểu tượng, linh vật trong các hoạt động phục vụ tâm linh. Hiện tượng cung tiến tràn lan vào di tích đã không còn; đặc biệt, việc cung tiến mới tượng sư tử đá ngoại lai vào các di tích đã được xếp hạng cũng chấm dứt.
Tuy nhiên, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho hay: Sau 3 năm triển khai công văn, bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Trong đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa biết, không phân biệt được tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ngoại lai. Nhiều người dân vẫn không biết việc cúng tiến tượng, đồ thờ vào di tích mà chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước là vi phạm Luật Di sản văn hóa...
Để khắc phục hạn chế trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp để tập huấn, tuyên truyền việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam tại các địa phương; tăng cường truyền thông; thực hiện các triển lãm lưu động, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về biểu tượng, linh vật truyền thống… Trong đó, Ninh Bình là địa phương mở đầu thực hiện kế hoạch, tiếp sau là Đà Nẵng, Hà Nội...
Bài 2: Đưa linh vật thuần Việt đến gần hơn với cộng đồng