Xử lý linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không hợp với thuần phong mỹ tục, không phù hợp với văn hóa Việt Nam là vấn đề được đông đảo phóng viên báo chí đề cập trong cuộc họp báo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra ngày 26/8, tại Hà Nội. Đây cũng là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm, báo chí phản ánh nhiều trong thời gian gần đây.Thời gian vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức có công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL gửi các Ban, Bộ, ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, các cơ quan đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Sư tử đá Trung Quốc gác lối vào đình Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: thethaovanhoa.vn |
Trong đó cũng nêu rõ: Ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng.
Trả lời ý kiến cho rằng: Việc tham mưu ra văn bản này không xuất phát từ Cục Di sản, đơn vị quản lí Nhà nước về lĩnh vực di sản, di tích mà lại là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ, ông Phan Đình Tân cho biết: Vấn đề này không chỉ đề cập đến các hiện vật, sản phẩm đưa vào trong di tích, cơ sở thờ tự mà còn liên quan đến các công sở, nơi công cộng. Do đó, việc tham gia tham mưu của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm là hợp lệ. Sau đó, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã khuyến cáo, đưa ra một số mẫu linh vật để người Việt Nam tham khảo, dùng các đồ phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam.
Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã thu thập tư liệu ảnh từ các nguồn khác nhau, tập hợp thành một bộ mẫu tượng tượng linh vật của Việt Nam hiện đang sử dụng tại các tỉnh/thành. Những hình ảnh tư liệu linh vật được nhiều nhà nghiên cứu, người quan tâm chia sẻ thông tin gửi về Cục.
Trong thời gian tới Cục sẽ cập nhật và đăng tải trên website ape.gov.vn để người dân truy cập và tham khảo. Những mẫu tượng linh vật này nhằm bước đầu giúp cho công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý cũng như hướng dẫn những nơi sản xuất, tiêu thụ, để các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành; Thanh tra văn hóa nghiên cứu, tham khảo.
Đại diện Cục Di sản cho biết, việc đưa các hiện vật, vật dụng vào các di tích đã được quy định rất rõ trong các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luật Di sản văn hóa, các địa phương cũng đã nắm được văn bản, có sự kiểm soát nhất định nhưng rõ ràng là việc này chưa được làm tốt.
Xã hội hóa trong các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích là chủ trương đúng, huy động được nguồn lực từ xã hội, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn có sai sót, việc công đức chưa chuẩn. Các hồ sơ liên quan đến trùng tu, tôn tạo di tích trong nội dung có cả phần bài trí nội thất, chỉ khi được phê duyệt thì các hiện vật đưa vào di tích mới đúng quy định.
Thực tiễn cho thấy nhiều tổ chức, cá nhân đưa thêm hiện vật vào di tích đều muốn tên tuổi cá nhân, dòng họ, tổ chức được ghi tên vào di tích đó nên đã làm nhiều việc như gắn tên mình vào hiện vật, làm bia đá, biển đồng đặt vào di tích. Qua kiểm tra, Cục Di sản đã yêu cầu các địa phương, di tích không được gắn trực tiếp tên các tổ chức, cá nhân mà tập hợp danh sách những người đã làm công đức trong một giai đoạn nhất định vào một bia chung như đã làm ở giai đoạn trước đây.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn cho biết: Về mặt quản lí nhà nước, Bộ đã có nhiều hướng dẫn, quy định rõ ràng, đồng thời phân cấp quản lí xuống tận cấp xã. Trong quá trình triển khai cần thường xuyên thanh, kiểm tra, nếu có tình trạng bày biện không đúng quy định, chưa chuẩn ở địa phương nào thì Bộ kiểm tra, nhắc nhở để chấn chỉnh. Sai phạm ở cấp nào thì cấp đó phải xử li.
Có một thực tế là khi vào các di tích, nhiều người có công lao đóng góp đòi quyền nọ, quyền kia trong di tích thì đề nghị Cục Di sản phải có hướng dẫn cụ thể và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Có một cái khó là các di tích thì thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nên cần sự đóng góp của xã hội. Người dân đến đóng góp kinh phí và đòi làm việc nọ việc kia thì người quản lí các di tích, nơi thờ tự cũng khó lòng từ chối. Các cơ quan quản lí nhà nước, địa phương cần liên tục kiểm tra, giám sát, rà soát thường xuyên để phát hiện sai sót, chấn chỉnh kịp thời.