Nhận diện sinh vật ngoại lai ở dãy Trường Sơn

Sự lan rộng của sinh vật ngoại lai hiện nay được ghi nhận như một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sinh thái và nền kinh tế thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Đặc biệt, nó càng trở nên nghiêm trọng hơn do sự biến đổi khí hậu và những xáo động về vật lý, hóa học đối với các loài và hệ sinh thái.

Qua kết quả thu thập tài liệu và nghiên cứu về sinh vật ngoại lai ở dãy Trường Sơn của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, bước đầu đã xác định được một số loài nguy hiểm. Trước hết phải kể đến là cây mai dương (hay còn gọi là cây trinh nữ đầm lầy), hiện đang là sinh vật ngoại lai gây hại lớn nhất ở Việt Nam .

Cây mai dương phân bố ở hầu hết trong các sinh cảnh tự nhiên và sinh cảnh công nghiệp trong nội địa, các vùng nước ngọt và vùng ven biển, chủ yếu là các khu vực gần nước ngọt. Đây là loài có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ và được du nhập vào châu Á từ cuối thế kỷ XIX. Chúng phát tán và lần đầu được ghi nhận ở Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1979, tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An và đã xuất hiện trên khắp cả nước.

Loài này rất phổ biến ở các vùng đất trống cũng như trong các khu bảo vệ, dọc đường, ven kênh rạch, sông suối và đất khô cằn, thoái hóa. Loài này đã trở thành một loài gây hại nghiêm trọng ở những vùng đất ngập nước thuộc dãy Trường Sơn, như Vườn quốc gia Cát Tiên và Yok Đôn, Biển Lạc, các hồ ở Quảng Trị, sông Đắk Rông, các hồ ở Lâm Đồng.

Loài thứ 2 là ốc bươu vàng cũng được nhiều nghiên cứu xác định là một trong những loài gây hại mạnh nhất tại Việt Nam . Ốc bươu vàng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sống trong các vùng đầm lầy. Ốc bươu vàng du nhập vào nước ta từ trước năm 1975. Đến năm 1989 chúng được nhập bằng nhiều cách khác nhau như một nguồn cung cấp thực phẩm cho người và động vật nuôi. Đặc biệt, đã có 2 công ty phía Nam liên doanh với Đài Loan nuôi ốc bươu vàng trên diện tích 23ha.

Loài ốc này đã xâm nhiễm vào đồng ruộng Việt Nam và với điều kiện sinh thái phù hợp, chúng đã phát triển nhanh chóng, trở thành dịch hại trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa, rau muống ở hầu hết mọi miền đất nước. Ốc bươu vàng còn được xác định là ký chủ trung gian truyền bệnh sán phổi từ chuột sang người.

Còn ốc sên là loài thứ 3 có nguồn gốc từ lục địa châu Phi, trở thành loài ốc cạn ngoại lai xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 1960. Đến nay trở thành sinh vật gây hại cây trồng cạn từ vùng đồng bằng cho đến miền núi. Mùa sinh sản của ốc sên là vào khoảng tháng 3 hàng năm. Ở một số đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên, ốc sên gây thiệt hại cho các vườn chuối, vườn rau, đậu và các loại cây trồng khác.

Lục bình (bèo Nhật Bản hoặc bèo tây) là loài thứ 4 di nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản vào năm 1902, với mục đích làm cảnh. Trong điều kiện thuận lợi, loài này phát triển rất nhanh phủ kín mặt nước. Khi thối mục, chúng làm giảm ôxy hòa tan trong nước, dẫn đến làm chết cá và các loài thủy sinh khác. Loài bèo này không chỉ cản trở giao thông đường thủy mà còn làm chậm dòng chảy, giảm khả năng phát điện, sức tưới tiêu và tăng kinh phí bảo trì các hồ chứa nước.

Loài thứ 5 là cây bông ổi (cây ngũ sắc) được đưa vào nước ta từ đầu thế kỷ XX, mục đích làm cảnh và đang có mặt rộng rãi khắp nơi
trong cả nước. Cây này đang phát triển mạnh ở Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Nguyên...có khả năng loại trừ một số cây bản địa và trở thành cỏ dại nguy hiểm đối với cây trồng.

Loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm thứ 6 là sâu róm thông hại thông thuộc họ bướm, có vùng phân bố tự nhiên ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Sâu róm thông xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 1950, cùng với việc nhập nội và gieo trồng một số giống thông từ Trung Quốc, như thông đuôi ngựa. Vào những năm 1965-1970, sâu róm thông gây ra những trận dịch lớn đối với rừng thông ở Quảng Ninh, Bắc Giang và từ đó trở thành đối tượng gây hại nghiêm trọng. Dịch sâu róm thông đã lan ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và đang có nguy cơ lây lan đến các tỉnh khác. Công tác phòng trừ sâu róm thông ở Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.


Văn Hào
Cây đàn tình trên dãy Trường Sơn
Cây đàn tình trên dãy Trường Sơn

Trong các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Cờ Tu, cây đàn abel là loại nhạc cụ gần giống cây đàn cò của người Kinh và gắn với nghệ thuật hát không há miệng của đồng bào Cơ Tu. Tiếng đàn hòa trong tiếng hát của đồng bào thay cho lời tỏ tình của đôi trai gái bên bờ suối, trên nhà moong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN