Nằm cách xa trung tâm xã A Vao, đường đến thôn Ro Ró vô cùng gian nan vất vả. Nhìn ngôi nhà tập thể của các thầy cô được cất lên nhờ tấm lòng của người Pa Cô giờ đã hư hại vì năm tháng, mới cảm nhận được khó khăn mà các thầy cô phải đối mặt.
Ngồi trong nhà nhưng lâu lâu lại lạnh run người vì những cơn gió lớn lùa qua, trên mái nhà có nhiều chỗ hở được phủ bạt che tạm. Thiếu thốn là thế nhưng ngôi nhà tập thể ấy luôn rộn tiếng cười...
Điểm trường Ro Ró có 5 thầy cô giáo. Có người đến từ đồng bằng xa xôi, có người là con của núi rừng nơi đây. Họ đến với bản bằng tình yêu thương học trò vùng cao và vì sự nghiệp trồng người cao cả.
Ở đây, người công tác ít nhất cũng được 2 năm, người lâu nhất gần 10 năm. Vượt lên khó khăn vất vả, các thầy cô phải có tình yêu thương và lòng nhẫn nại do khả năng tiếp thu kiến thức của các em còn chậm, nhiều em chưa biết tiếng Kinh. Người dân ở đây ít quan tâm tới việc học tập của con em nên các thầy cô phải tích cực vận động gia đình để các em đến lớp.
Cô Nguyễn Thị Thanh tâm sự: Lớp 2 mà cô đang làm chủ nhiệm có 30 học sinh. Những ngày mùa, lớp chỉ còn 3 - 4 em. Các cô lại phải chia nhau đến từng nhà vận động, có gia đình ở sâu trên núi phải vượt dốc, băng rừng hơn 5km mới đến nơi. Đến nhà đã khó, nhưng việc thuyết phục còn khó khăn hơn gấp nhiều lần để làm cho bố mẹ các em hiểu được ích lợi từ việc đi học và cho con em mình tiếp tục đến trường.
Sau những năm tháng gắn bó với mái trường giữa đại ngàn, các thầy cô đã dần thay đổi hướng suy nghĩ của người dân, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng xuống thấp, từ đầu năm học đến nay chưa có em nào nghỉ. Bằng hình thức vận động tại nhà, số học sinh trong độ tuổi đến trường ngày càng cao, đạt gần 98%.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Thầy Nguyễn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Avao cho biết: Mặc dù gặp nhiều kiện khó khăn nhưng các thầy cô giáo luôn nỗ lực không ngừng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực và nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên ở đây.
Gắn bó với bản đã hơn 7 năm nay, thầy giáo Hồ Văn Thiền chia sẻ: Trước khi tình nguyện lên đây tôi mong muốn sẽ cống hiến thật nhiều góp phần xóa mù chữ cho các em vùng cao. Cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy nhưng chính tình yêu thương, sự quý mến của dân làng là sợ dây tình cảm níu kéo chúng tôi ở lại. Tôi cũng như các thầy cô còn lại sẽ còn gắn bó với mảnh đất này lâu dài, để dìu dắt và dạy dỗ các thế hệ sau.
Tấm lòng của các thầy cô khiến cho người dân ở Ro Ró rất yêu thương và mến phục. Ông Côn Vàng, Trưởng thôn Ro Ró cho biết, các thầy cô giờ là một phần máu thịt của bản làng, được dân làng quý như những đứa con ruột thịt trong mỗi gia đình. Trong làng mỗi khi có việc gì hệ trọng các thầy cô chính là những vị khách danh dự đến chia sẻ, chung vui.
Thanh Thủy