Nghề chính của nhạc sỹ Hoàng Long, nhạc sỹ Hoàng Lân và nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích là thầy giáo, nhưng với tình yêu thương hết mực đối với các em nhỏ, các nhạc sỹ đã cho ra đời rất nhiều ca khúc hay cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
Thầy giáo, nhạc sỹ Hoàng Long - Hoàng Lân: Quan tâm giáo dục âm nhạc cho thế hệ trẻ
Nhạc sỹ Hoàng Long và Hoàng Lân là hai anh em sinh đôi, được công chúng biết đến nhiều với những ca khúc thiếu nhi có giai điệu trong sáng, hồn nhiên, dễ thuộc.
Trò chuyện với chúng tôi, nhạc sỹ Hoàng Long tâm sự: “Từ khi còn nhỏ, hai anh em đã thích nhạc và mơ ước trở thành nhạc sỹ. Từ khi 14, 15 tuổi, chúng tôi đã tập viết bài hát. Nhưng đến năm 17 tuổi (1959) thì tác phẩm âm nhạc đầu tiên của chúng tôi mới ra mắt và gây được sự chú ý của công chúng, đó là ca khúc “Em đi thăm miền Nam”. Ca khúc ra đời ngay lập tức được Đài tiếng nói Việt Nam phát sóng và được phổ cập trong một thời gian dài, được thế hệ thiếu niên giai đoạn 1960-1970 rất yêu thích”.
Sau “Em đi thăm miền Nam”, nhạc sỹ Hoàng Long-Hoàng Lân liên tiếp cho ra đời những ca khúc thiếu nhi tiêu biểu như: “Đi học về”, “Bác Hồ người cho em tất cả”, “Lái xe hơi”, “Những bông hoa những bài ca”, “Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác”, “Mèo con đi học”, “Bác đưa thư vui tính”, “Mùa hè ước mong”, “Chúng em cần hòa bình”... Trong tuyển tập “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỉ 20”, nhạc sỹ Hoàng Long- Hoàng Lân có 2 bài được chọn là: “Bác Hồ người cho em tất cả” và “Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác”.
Tính đến nay, hai anh em nhạc sỹ Hoàng Long - Hoàng Lân đã viết được khoảng 700-800 bài hát và 60 đầu sách. “Nhiều người khi gặp không biết tôi là ai, nhưng khi nghe tôi hát mấy bài hát quen thuộc thì vỗ tay và bảo: “Ôi, bài này hồi nhỏ em hát suốt...” - đó là niềm vui và là phần thưởng rất lớn đối với những người làm công tác nghệ thuật như chúng tôi” - nhạc sỹ Hoàng Long tâm sự.
Mặc dù công chúng biết nhiều đến hai ông với hình ảnh là những nhạc sỹ của thiếu nhi, nhưng nghề chính của hai ông vẫn là giảng dạy. Nhạc sỹ Hoàng Long từng là giáo viên tại Trường Trung cấp sư phạm Sơn Tây (cũ), sau về làm công tác nghiên cứu tại Bộ Giáo dục - Đào tạo. Nhạc sỹ Hoàng Lân trước từng giảng dạy tại Trường Sư phạm Nam Hà, sau về dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - Hà Nội), sau đó đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Hai ông cùng có nhiều năm làm công tác nghiên cứu về sư phạm âm nhạc tại Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục - Đào tạo, là chủ biên nhiều cuốn sách giáo khoa âm nhạc và các tài liệu giáo dục âm nhạc dùng trong các trường phổ thông và sư phạm. Cả hai nhạc sỹ đều rất quan tâm đến việc giáo dục âm nhạc cho thế hệ trẻ ở Việt Nam.
Cuối tháng 5/2012 vừa qua, hai ông vinh dự được Nhà nước trao tặng giải thưởng Nhà nước về các tác phẩm âm nhạc và công trình âm nhạc dành cho thiếu nhi.
Thầy giáo, nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích: Trong ca khúc có tuổi thơ của mình
Cũng xuất thân từ một nhà giáo, nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích từng dạy Trung cấp Sư phạm Sơn Tây, rồi chuyển về dạy ở Trường cấp 3 Chương Mỹ, cấp 3 Phúc Thọ (Hà Tây cũ) và sau này, ông công tác ở Vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho tới lúc về hưu.
Là một thầy giáo dạy sử, nhưng lại rất yêu thích âm nhạc, văn chương, nên thời trẻ Hàn Ngọc Bích đã từng viết những truyện ngắn gửi đăng báo. Ông đã từng định theo nghề viết văn, nhưng khi gặp nhạc sỹ Hoàng Long, khi ấy cùng giảng dạy tại trường Trung cấp sư phạm Sơn Tây, thì quyết định của ông lại chuyển sang hướng khác: Học sáng tác nhạc. Thầy giáo Hàn Ngọc Bích bắt tay viết ca khúc đầu tiên là một bài hát cho thiếu nhi có tựa đề "Cây bàng trước ngõ", với những lời ca trong sáng, dễ thương: "Mùa đông áo đỏ/ Mùa hạ áo xanh/ Cây bàng khi mở hội/ Là chim đến vây quanh…". Bài hát được một số bạn bè khen ngợi khiến ông tự tin hơn. Sau thành công của ca khúc đầu tiên, nhạc sỹ “nghiệp dư” Hàn Ngọc Bích lại được nhiều người biết đến với những ca khúc trẻ thơ như “Rửa mặt như mèo”, “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, “Tiếng chim trong vườn Bác”, “Em bay trong đêm pháo hoa”, “Tháng ba học trò”, “Xinh xinh hạt nắng”...
Nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích kể lại: “Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 15/5/1975, Hà Nội mới tổ chức bắn pháo hoa để mừng chiến thắng. Hôm ấy, tôi đưa con đi xem bắn pháo hoa. Khi về, cảm xúc dâng trào, tôi ngồi viết cả đêm. Rồi ngày hôm sau, tôi ra bờ sông Tô Lịch, ngồi dưới gốc cây dừa và hoàn thành nốt bài hát. Khi mang đến Đài tiếng nói Việt Nam thu thanh, có một đoạn cao trào hát rất khó, mãi không hát được. Lúc đó, cả ê kíp thu thanh đều mệt mỏi, nhạc trưởng Cao Việt Bách thì phát bực vì máy móc và cả mọi người đều chờ... Trong lúc bí, tôi đã có sáng kiến bỏ toàn bộ phần lời đoạn khó hát đó để chuyển thành câu hát la la la lá la... không ngờ lại thành công ngoài sức tưởng tượng”.
Trong cuộc đời sáng tác của mình, thầy giáo - nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích sáng tác không nhiều, nhưng những ca khúc của ông với vẻ đẹp của giai điệu, độc đáo về hình tượng âm nhạc vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng các em thiếu niên, nhi đồng. Nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích tâm sự: “Nghề chính của tôi là nghề giáo, chỉ khi nào có cảm xúc thì tôi mới viết. Và trong mỗi bài hát của tôi, có hai ông Bích, một ông Bích trẻ con và một ông Bích trưởng thành...”.
Trải qua hơn 40 năm, cho đến tận bây giờ, những bài hát của thầy giáo - nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích vẫn ngày ngày vang lên. Trong tuyển tập “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20”, nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích có tới 4 bài được chọn gồm “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, “Em bay trong đêm pháo hoa”, “Tiếng chim trong vườn Bác” và “Tre ngà bên Lăng Bác”.
Và còn nữa, rất nhiều những nhạc sĩ có nhiều ca khúc hay về thiếu nhi như nhạc sỹ Phạm Tuyên, Mộng Lân, Phong Nhã... Cũng còn những nhạc sỹ cho thiếu nhi trưởng thành từ nghề giáo như nhạc sỹ Nguyễn Hà Hải, tác giả của những bài hát “Năm cánh sao vui”, “Cá vàng bơi”, “Vì sao chim hay hót”, “Tiếng chào theo em”, “Sao nhi đồng chăm ngoan”, “Yêu sao ngôi nhà tuổi thơ”, “Hoa thơm dâng Bác”... Những người nhạc sỹ tài ba ấy đã làm đẹp hơn thời thơ ấu của nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng.
Phương Lan