Sau hơn năm năm được thai nghén, cuốn tiểu thuyết giàu tham vọng và đáng kinh ngạc nhất của nhà văn 63 tuổi, người Mỹ Alice Hoffman “Những người nuôi giữ bồ câu” đã ra mắt bạn đọc. Đó là cuộc trình diễn ngoạn mục của trí tưởng tượng và tài nghiên cứu của tác giả, dựng nên một câu chuyện đầy mê hoặc trên bối cảnh nước Israel cổ đại.
Năm 70, chín trăm người Do Thái trong nhiều tháng ròng đã cố thủ tại Masada, một ngọn núi thuộc sa mạc Juda, kháng cự lại chiến đoàn Roma. Theo sử gia cổ đại Josephus, hai người phụ nữ và năm đứa trẻ đã sống sót. Dựa trên sự kiện lịch sử bi tráng này, cuốn tiểu thuyết của Alice Hoffman là câu chuyện đầy ám ảnh về bốn người phụ nữ mạnh mẽ, giàu sức sống và nghị lực phi thường; mỗi người bị số phận đưa đẩy đến Masada theo những con đường khác nhau.
Mẹ của Yael mất khi sinh cô; cha của Yael, một sát thủ chuyên nghiệp, không bao giờ tha thứ cho cô về cái chết đó. Revka, vợ một người thợ làm bánh trong làng, tận mắt chứng kiến quân lính Roma đã tàn bạo giết chết con gái của mình; bà dẫn hai đứa cháu trai thơ dại đến Masada, lũ trẻ đã bị câm vì những điều kinh hoàng diễn ra trước mắt. Aziza, con gái của một chiến binh, được nuôi dạy như con trai, cô trở thành một kỵ sĩ ngang tàng, một cung thủ cự phách và đem lòng yêu một đồng đội. Shirah, sinh trưởng ở Alexandria, am hiểu sâu sắc về những phép thuật và phương thuốc cổ đại, một người phụ nữ trác việt và có nội lực mạnh mẽ đến khó hiểu.
Cấu trúc của “Những người nuôi giữ bồ câu” gồm bốn phần chính, được kể qua giọng của bốn nhân vật nữ chính trên. Cuốn tiểu thuyết này có nội dung sâu sắc, lôi cuốn, tạo cho người đọc nhập tâm vào dòng chảy tự sự lúc bạo liệt, lúc trầm tư của bốn người kể chuyện, du hành ngược thời gian trở về một thời đại xa xưa, lạ lẫm nhưng hiện lên thật sống động, rõ ràng qua những chi tiết được tác giả tái hiện đầy màu sắc, âm thanh và rung động.
V.T