Diễn viên kỳ cựu của làng điện ảnh Việt Nam
NSND Thế Anh tên thật là Nguyễn Thế Anh, sinh năm 1938, tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông là con thứ 3 trong một gia đình khá giả, mẹ là một tiểu thương, cha là người học hành đỗ đạt.
Ngay từ nhỏ, Thế Anh đã đam mê nghề diễn viên và bắt đầu sưu tầm ảnh của các bộ phim nổi tiếng trên thế giới. Vì vậy, học xong phổ thông. ông thi vào Trường Đại học Sân khấu.
Xuất thân là diễn viên sân khấu, tốt nghiệp loại ưu với vai sĩ quan Mỹ trong vở "Đêm đen" của Ngô Y Linh, nhưng Thế Anh lại nổi tiếng ở lĩnh vực điện ảnh và trở thành thế hệ vàng đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, cùng với các nghệ sĩ Trà Giang, Thanh Quý, Lâm Tới, Như Quỳnh, dưới sự phát hiện, bồi dưỡng của các đạo diễn: Hải Ninh, Bạch Diệp, Phạm Văn Khoa, Vũ Phạm Từ…
Nhờ nét phong lưu và chiều sâu trong diễn xuất, ông hóa thân thành nhiều nhân vật cả phản diện lẫn chính diện, từ sĩ quan đến bộ đội, bác sĩ, kĩ sư, thầy giáo, thủy thủ... Trong đó, trung úy Phương là vai diễn điện ảnh đầu tiên của ông và cũng là vai diễn ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. NSND Thế Anh đã mang về cho bộ phim "Nổi gió" giải thưởng Bông sen vàng.
Chia sẻ tại buổi giao lưu chủ đề "Đi tìm chất xine Việt" (ngày 29/9/2018), NSND Thế Anh kể ông là "Trung úy Phương" thứ 13 được cố đạo diễn Huy Thành lựa chọn để thử sức. Trước ông, 12 người đã thử sức nhưng không làm cố đạo diễn Huy Thành ưng ý.
Để chuẩn bị cho lần thử vai trung úy Phương, NSND Thế Anh đã phải lăn lộn tìm hiểu về hình tượng nhân vật mình thử vai. Ông học tất cả, để rồi khi mặc quân phục, bước chân vào trường quay, mọi người đều gật gù "Trung úy Phương" đây rồi.
Tuy vậy, vai diễn nổi tiếng nhất của Thế Anh phải kể đến là vai Ba Duy trong "Mối tình đầu" của đạo diễn Hải Ninh. Nếu như Trung úy Phương thư sinh, đẹp trai lần đầu tiên đưa tên tuổi Thế Anh đến với khán giả cả nước, thì với Ba Duy, gã giang hồ khét tiếng ở Sài Gòn do một nghệ sĩ phía Bắc chính hiệu thủ vai, đã gây hiệu ứng sốt vé, kín rạp mỗi khi mang đi công chiếu.
Sau này, NSND Thế Anh đã đặt tên cho 2 con trai là Thế Phương và Thế Duy để kỷ niệm hai vai diễn làm nên tên tuổi của ông.
Bên cạnh hai vai diễn ấn tượng nhất trong sự nghiệp của mình, NSND Thế Anh còn có một vai diễn được không ít người nhắc đến là vai Chúa Trịnh Sâm trong phim "Đêm hội Long Trì". Đây là phim thuộc thể loại dã sử - cổ trang ấn tượng của điện ảnh Việt Nam.
Ông từng nói, ông được trời cho gương mặt có nét phù hợp để vào vai Chúa Trịnh Sâm và các vai diễn của ông hầu hết đều có nội tâm sâu sắc và đó cũng là yếu tố khiến khán giả nhớ.
Sau năm 1975, ông về lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt thập niên 1980-1990, ông tiếp tục công việc diễn xuất. Năm 1984, ông vinh dự nhận danh hiệu NSƯT và được phong tặng NSND vào năm 2001.
Thập niên 2000, ông tiếp tục tham gia một số bộ phim truyền hình như “Giao thời”, “Hoa dã quỳ”, “Xin lỗi tình yêu”, “Tiếng cuốc đêm khuya”... và một số bộ phim nhựa như “Người học trò đất Gia Định xưa”. Có khi, ông trở lại sân khấu kịch với vai phản diện Trần Luận trong “Người thi hành án tử”.
Năm 2003, ở tuổi 65, NSND Thế Anh góp mặt trong phim truyền hình "Dốc tình" rồi dừng hẳn diễn xuất. Tổng cộng ông đã đóng cả trăm bộ phim nhựa và phim truyền hình của cả miền Bắc lẫn miền Nam, trở thành một trong những diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt, các vai diễn điện ảnh ấn tượng của ông đã truyền không ít cảm hứng cho thế hệ sau.
Ngoài điện ảnh, trong lĩnh vực sân khấu, NSND Thế Anh cũng có nhiều vai diễn tạo ấn tượng: bác sĩ Hải trong “Đôi mắt”, Rubakov trong “Chuông đồng hồ điện Kremlin”, gián điệp Đức Stavinsky Nila trong “Cô bé đánh trống trận”, cố vấn Mỹ trong “Anh Trỗi”.
Một số nhân vật phản diện và chính diện với lối diễn xuất phóng khoáng, có chiều sâu trong “Hoa anh túc”, “Âm mưu và tình yêu”, “Khúc thứ ba bi tráng”, “Vụ án Eroxtrat”, “Đại đội trưởng của tôi”, “Bài ca Điện Biên”, “Người cha thô bạo”, “Hòn đảo thần vệ nữ”...
Trong lễ trao giải Cánh diều 2014, NSND Thế Anh đã được vinh danh thành tựu vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam với những cống hiến xuất sắc.
Và những vai diễn để đời, gây thương nhớ với bao thế hệ
Từ lần xuất hiện đầu tiên trên màn ảnh với vai trung úy Phương, NSND Thế Anh đã gây ấn tượng mạnh. Trung úy Phương là một nhân vật có một nội tâm giằng xé. Đây cũng là một nhân vật không “một chiều” rất hiếm hoi lúc bấy giờ, với những xoáy sâu vào sự rạn nứt phía sau một vẻ ngoài lịch lãm, hào hoa.
Ông từng chia sẻ, ngay trong lần chạm ngõ điện ảnh đó cũng như mãi về sau này, ông đã không chủ ý phân định trung úy Phương hay bất cứ những vai thường gọi là phản diện nào khác, qua một lằn ranh với các vai chính diện để phải đi tìm một cách diễn đóng khung.
Cũng rất hiếm hoi có một diễn viên vào vai chính diện hay phản diện đều thành công như NSND Thế Anh. Khi ông đóng vai những người tốt, chính trực, khuôn mặt ông có ánh sáng của niềm tin, lấp lánh và có tính lây lan. Khán giả bị cuốn vào một mối cảm tình tự nhiên như vốn dĩ phải là thế.
Trong “Em bé Hà Nội”, nhân vật của ông là một chỉ huy trưởng tên lửa trẻ tuổi, bình dị với nụ cười hiền lành mà phảng phất nỗi buồn. Với bộ phim này ông cũng đã “đi thực tế” cùng với các chiến sĩ tên lửa vào trận đánh.
Ông đã chứng kiến họ điều khiển rađa. Khi màn hình hiện lên một chấm đen, bắn là phải trúng hoặc là chết. Bởi phát bắn đó đã làm lộ trận địa và địch sẽ trút xuống hàng tấn bom. Ông cũng biết đồng chí tiểu đoàn trưởng - nhân vật của ông - cũng chỉ là một con người. Còn trẻ. Có vợ con và ham sống. Khi hạ lệnh bắn mà biết có thể không trúng, người chỉ huy ấy đã để lộ nỗi sợ hãi không thể kiềm chế. Nhưng anh và biết bao người như anh đã kiên cường đi qua chiến tranh, trở thành anh hùng như không thể khác. Tất cả những điều đó ngấm vào người diễn viên hay ngấm vào chính mỗi người Việt Nam, mỗi người Hà Nội như Thế Anh ngày ấy. Ông bảo “làm phim như thế ai đóng mà chả hay”.
Thế Anh cũng từng khiến người xem ngạc nhiên khi gây ấn tượng rõ nét dù vai diễn phụ đến mức chỉ xuất hiện duy nhất trong một phân đoạn. Ðó là vai linh mục trong "Ngày lễ thánh". Khi đưa tay cho Nhân (Trà Giang) hôn, linh mục chăm chú nhìn nàng. Chỉ một ánh mắt đó phải truyền tải hết mọi ý tứ. Ánh mắt chứa mãnh lực khiến Nhân biến sắc. Cô khuỵu chân xuống và hoàn toàn bị chinh phục. Thế Anh và Trà Giang đã có một lớp diễn không lời song lại lột tả rất rõ ràng tâm trạng của nhân vật.
Đặc biệt, để có vai Ba Duy thành công, NSND Thế Anh phải nhịn ăn, vào trại cải tạo, đến đường Hàm Nghi quan sát những người nghiện ma túy; dùng màu vẽ hình xăm khắp cơ thể cho giống đến mức vào chợ Bến Thành bà con tiểu thương phải kêu lên: "Con ơi, con đẹp trai thế này mà bị nghiện ngập, tội nghiệp quá đi!".
Cứ như vậy, Thế Anh luôn hết mình với vai diễn. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ lúc sinh thời đã viết về NSND Thế Anh: “Người xem thấy ở diễn xuất của Thế Anh những cảm xúc sống thực, liên tục, không bị hẫng, không bị so lệch. Dù là ở trong những trường quay chật hẹp, đông đúc, dù ở giữa rừng hay giữa phố, Thế Anh vẫn làm chủ được...”.
NSND Thế Anh cũng đã nói với Lưu Quang Vũ: “Ðối với tôi, gọi là ham thích hay yêu say thôi chưa đủ, có thể gọi là khát vọng. Tôi còn mong được thử sức thật nhiều vai diễn. Nếu kịch bản hay thì rất tốt và nếu chưa hay lắm cũng không sao. Tôi nhận hết, như tôi nhận phần sống của tôi...”.