Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học và nghệ thuật cho 7 tác giả, bao gồm: Ninh Viết Giao, Tạ Quang Bạo, Trần Bảng, Đoàn Hữu Công (Thuận Yến), Lương Nghĩa Dũng, Đinh Ngọc Liên, Hà Đức Trọng (Thu Bồn).
Nhạc sĩ Thuận Yến và con gái, ca sĩ Thanh Lam. |
“Giải thưởng Nhà nước” về văn học và nghệ thuật cho 28 tác giảm bao gồm: Vũ Quốc Ái (Lê Lam), Cổ Tấn Long Châu, Nguyễn Hữu Cấy, Bửu Chỉ, Cao Việt Bách, Nguyễn Bích, Trần Viết Bính (Trần Việt), Trần Lâm Biền (Trần Lâm, Tuệ Lâm), Nguyễn Thành Đại (Từ Lương), Hoàng Quốc Hải, Trần Hoàng Hải, Đỗ Văn Thuận (Hồng Diệu)...
Tờ trình này của Thủ tướng Chính phủ là trên cơ sở các Tờ trình số 48/TTr-HĐGT ngày 3/3/2017, số 49/TTr-HĐGT ngày 3/3/2017, số 55/TTr-HĐGT ngày 16/3/2017, số 56/TTr-HĐGT ngày 16/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh, "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2016); cũng như Tờ trình số 517/TTr-BTĐKT ngày 31/3/2017 của Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Trong số các tác giả được đề nghị lần này, trường hợp nhạc sĩ Đoàn Hữu Công (Thuận Yến) là đặc biệt nhất. Trong Tờ trình ngày 3/3/2017 của Bộ VHTTDL gửi Thủ tướng Chính phủ đã có riêng 1 mục đề nghị về trường hợp của tác giả "Màu hoa đỏ". Cụ thể: "Ngày 2/3/2017, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bổ sung chứng nhận Giải thưởng cho tác giả Đoàn Hữu Công (Thuận Yến) với các ca khúc “Vầng trăng Ba Đình”, “Người về thăm quê”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Con gái mẹ đã thành chiến sĩ”. Do đó, Bộ VHTTDL trình Thủ tướng xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật cho tác giả Đoàn Hữu Công (Thuận Yến) có cụm tác phẩm đủ điều kiện, tiêu chuẩn và tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước".
Như báo chí đã đưa tin, nhạc sĩ Thuận Yến, cùng nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, nhà thơ Thu Bồn, cùng 4 hồ sơ của các nghệ sĩ khác, dù đã qua các vòng xét chọn của Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh, "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2016, với số phiếu hơn 90%, đồng thời có những tác phẩm "để đời"; nhưng đã trượt trong danh sách trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 vì lý do "không có giải thưởng trong các cuộc thi hay liên hoan chuyên nghiệp" theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ; khiến bản thân gia đình các nghệ sĩ và công chúng có nhiều ý kiến phản hồi, yêu cầu làm rõ.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL, đơn vị chịu trách nhiệm trình hồ sơ đã có những quan điểm rất rõ ràng: "Các hồ sơ này tuy thiếu Giải thưởng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ nhưng các tác phẩm này được Hội đồng đánh giá có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sông xã hội, tác dụng giáo dục và định hướng thẩm mỹ cao cho thanh, thiếu niên; góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Chính vì vậy, Bộ VHTTDL vẫn kiên trì tiếp tục đề xuất các trường hợp nghệ sĩ nói trên.
Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL nghiên cứu sửa đổi Nghị định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, đồng thời có tờ trình trình Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” cho những trường hợp nêu trên.
Trong thời gian "trượt" giải thưởng Hồ Chí Minh, ca khúc "Màu hoa đỏ" của nhạc sĩ Thuận Yến cũng rơi vào vòng "lao lý" khi bị giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang ban hành công văn số 120/SVHTTDL - TTr yêu cầu gỡ bỏ ngay do thuộc danh sách các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung. Văn bản đã khiến
dư luận dậy sóng.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) và đích thân Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ngay lập tức vào cuộc, yêu cầu thu hồi văn bản nêu trên. Lãnh đạo Sở VHTTDL Tiền Giang sau đó đã phải lên tiếng
xin lỗi gia đình nhạc sĩ Thuận Yến vì việc làm này.