Người ở phía sau

Đặng Nguyên Hào (ảnh) từng học piano nhưng sau cùng ông lại chọn nghề thầm lặng, làm người ở phía sau nắn chỉnh những thanh âm trước khi người nghệ sĩ bước ra sân khấu. Ông là một “người thợ - nghệ sĩ” đặc biệt, làm nghề đặc biệt - lên dây đàn piano, mà giới trong nghề ở Hà Nội không ai không biết.

 

Từ bỏ những gì không thuộc về đam mê


Đặng Nguyên Hào từng viết rất hay về cây đàn piano rằng cây đàn này có nhiều thứ “nhất” mà không loại đàn nào có được. Đó là cây đàn cao nhất, dài nhất, rộng nhất, nặng nhất, nhiều kim loại nhất, nhiều dạng gỗ nhất, dây to nhất… Khi tiếng đàn cất lên, từ tiếng rừng rậm, tiếng gió thổi, chim hót đến tiếng sấm chớp, bão bùng, đều kéo dài sự tưởng tượng của mỗi người. Người nghe đoạn nhạc êm dịu thì bảo đó là tiếng gió thổi, người lại bảo đó là tiếng nước chảy. Chiếc đàn đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.


Ông cũng từng học chuyên ngành biểu diễn piano tại trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia) từ khi lên mười tuổi nhưng là theo ý muốn của cha mình (Đặng Nguyên Hào vốn mê nghề điện tử, đến bây giờ vẫn vậy). Cha của ông, người làm công việc thư viện ở nhạc viện, hay viết văn, đã xuất bản hơn chục đầu sách, muốn con mình theo học một bộ môn nghệ thuật, mà khi ấy có nhiều ưu đãi. Thế nhưng sau bảy năm học, ông lại quyết định không gắn mình với bộ môn nghệ thuật sang trọng vào bậc nhất này.


“Học biểu diễn piano khó như lên trời. Chơi nhạc cũng như làm thợ, có người không cần học cũng có thể chơi được. Nhưng nhất thiết, chơi nhạc phải có niềm đam mê, tâm mình phải muốn thành nghệ sĩ”, ông nói. Trong khi đó bản thân ông không hề có niềm say mê đó có và ông không hề che giấu điều này. Ông bảo, biểu diễn piano, nếu không có tài năng, và quan trọng nhất là nếu không đam mê, không muốn trở thành nghệ sĩ thực thụ thì không thể theo nghề được. Vì vậy, được học chuyên ngành biểu diễn piano hẳn hoi nhưng ông không thể bắt mình đi theo thứ mình không muốn.


Chỉ có diều, Đặng Nguyên Hào là người có năng khiếu thẩm âm, ông sớm được giám đốc trường Âm nhạc Việt Nam khi ấy nhìn ra khả năng này nên đã cử ông cùng hai người nữa đi Liên Xô học lên dây piano. Ông cho đấy là may mắn của mình, bởi sau khi về nước, nghề lên dây đàn và sửa đàn piano đã cho ông một cuộc sống vô cùng phong phú hiếm ai có được. Ông trở thành người lên dây đàn số một cho loại nhạc cụ sang trọng vốn kén người chơi này.


Cần đôi tai chịu được “những cú đấm”


Ở Viện âm nhạc nơi ông công tác hơn hai mươi năm nay, mình ông đảm đương công việc chữa đàn, lên dây đàn cho hơn 100 cây đàn để các thế hệ học trò ở đây theo học và thành tài. Bây giờ, dù đã về hưu, ông vẫn quay lại trường cũ khi có bất cứ giảng viên nào nhờ tới. “Từ bảy giờ sáng đến tám giờ tối mỗi ngày, học trò học đàn liên tiếp, vì thế đàn xuống dây rất nhanh. Đấy, cách đây mới năm ngày vừa sửa xong, hôm nay lại phải sửa lần nữa cho cây đàn ấy đây”, ông Hào kể.


Theo ông Hào, người làm nghề này có khi chỉ cần năng khiếu cũng có thể làm được, nhưng có người học năm bảy năm cũng chẳng theo nổi nghề. Âm nhạc có độ cao, độ dài của âm thanh, người lên dây đàn tốt phải có độ nhạy cảm, đủ tinh tế để nhận biết âm thanh chuẩn.


Cái khó nhất của người lên dây đàn là họ phải có đôi tai chịu được “những cú đấm” của âm thanh. Những bản nhạc khi chơi bằng piano hấp dẫn người nghe như có ma lực là thế, nhưng khi người thợ lên dây, nắn cho thanh âm trở về chuẩn khi bị xuống dây lại trở nên vô cùng khó nghe.


“Giống như võ sĩ đấm bốc, anh ta phải hứng chịu những cú đấm thẳng vào mặt, người lên dây đàn cũng vậy. Trước khi lên dây phải liên tục gõ thật mạnh vào phím đàn sao cho âm thanh ngân rõ nhất và chỉnh dần, lúc ấy âm thanh dội vào tai, ở khoảng cách quá gần như thế, nghe lâu sẽ rất nhức đầu”, ông Hào nói.


Thời kỳ học lên dây đàn, chỉ sau sáu tháng ông Hào đã có ý nghĩ, thôi chết, mình không học được rồi, nghe những âm thanh từ cây đàn dội lại, mắt ông hoa lên, mọi thứ rung rinh trước mắt, đầu đau như búa bổ.


Không lẽ đầu hàng? Phải có cách gì chứ. Vài tháng sau đó, ông tìm ra cách để “đối phó” với “những cú đấm” ấy. Đó là dùng phương pháp loại bỏ. Người lên dây phải nghe được âm thanh đúng và sai, một khái niệm trừu tượng và không định lượng được, để làm sao phát hiện ra âm thanh đúng. Điều này giống như việc người ta đứng giữa một buổi chợ đông mà phải tìm ra được người quen, và vì thế, nhận diện người quen ấy không chỉ bằng mắt thường mà phải bằng cả trực giác đặc biệt, mà điều này không giáo trình nào dạy được.


Bí quyết nhà nghề


Nhưng điều quan trọng với người làm nghề như ông là làm thế nào để cây đàn chơi được hay, ít phải sửa nó, và nếu phải sửa thì tốn ít công nhất. Để làm được điều này, có rất nhiều thứ cần phải xử lý, trong đó có một công việc luôn phải làm, đó là giữ cho một số bộ phận của đàn không bị bọ nhạy cắn. Cấu tạo của đàn piano là cơ cấu máy móc, trong đó có những bộ phận làm bằng dạ (dệt từ lông cừu) và nỉ (cũng làm từ lông cừu nhưng được ép chặt nên cứng hơn). Lâu ngày những bộ phận này sẽ bị bọ nhạy tấn công, như một loại thức ăn ưa thích của chúng.

Ngoài ra, dưới tác động thời tiết của xứ nhiệt đới, mùa đông, độ ẩm không khí cao, cơ cấu máy bị bóp chặt lại, không chuyển động được. Trước đây, để xử lý việc này, người ta hay dùng đèn sưởi hoặc ống sấy, nhưng có những cây đàn vừa sấy hôm trước, hôm sau đã “chết”. Để khắc phục hai nhược điểm trên, Đặng Nguyên Hào phải mất hai mươi năm để chế ra một loại hóa chất đặc biệt tẩm vào các bộ phận nỉ và dạ. Nhưng hóa chất này phải đảm bảo nỉ còn “sống” (còn êm, nỉ “chết” sẽ làm cho mọi thứ chuyển động lộc cộc) và không bị biến đổi về màu sắc.


Chính vì những ngón nghề này mà ông được nhiều ngươi tìm đến. Nhiều chương trình hòa nhạc lớn tổ chức ở Hà Nội, trước giờ khai mạc ông đều có mặt lên dây, chỉnh âm cho chuẩn. Những lần nghệ sĩ Đặng Thái Sơn về nước biểu diễn cũng đều gọi cho ông. Các nghệ sĩ piano như Thùy Dung cũng nhờ sửa đàn. Ông “khoe” mình đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng mời ăn cơm khi đến sửa đàn ở nhà đại tướng.


Ông nói, với nghề nghiệp này, ông được gặp nhiều người sang trọng, cái sang trọng không hẳn vì họ chơi đàn giỏi hay giàu có mà “sang” trong nét nghĩ, hành động, “sang” trong cách ứng xử văn hóa. Đây cũng chính là cái được lớn lao của nghề đặc biệt này.


Và cũng vì thế, ông kiếm sống bằng nghề thật, nhưng sẵn sàng không lấy tiền công, hoặc lấy rất rẻ so với giá trị thực khi đến một gia đình nào đó, cảm tấm chân tình của gia chủ. Ông kể, có những gia đình chẳng khá giả gì, nhưng sẵn sàng bỏ tiền tích cóp được mua đàn cho con. Những người như thế đáng quý lắm. Có gia đình khi ông sửa đàn xong, sau hồi hàn huyên, ông không lấy tiền công mà còn kéo gia chủ đi uống bia. “Làm nghề này, sướng ở chỗ này đấy”, ông cười nói.

 Bài và ảnh:Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN