Người nghệ sĩ 1.728 lần đóng vai Bác

Hơn 40 năm qua, nghệ sĩ Văn Tân, người con của mảnh đất Bắc Giang, đã đưa hình tượng Bác Hồ đến mọi miền của Tổ quốc phục vụ đồng bào, chiến sĩ cả nước và được ghi nhận là người đóng vai Bác Hồ nhiều nhất.

 

Trong căn nhà ấm áp nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Hùng Vương, thành phố Bắc Giang, nghệ sĩ Văn Tân say sưa kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm khi ông đóng vai Bác Hồ trong hơn 40 năm qua. Ông khoe: “Tôi vừa từ Điện Biên, Lai Châu về, tôi lên đó lưu diễn kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm 10 năm thành lập tỉnh Lai Châu. Lên đó, chúng tôi đã nhận được sự đón tiếp rất nhiệt tình, nồng hậu của bà con các dân tộc, được gặp gỡ, giao lưu với các em học sinh dân tộc, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng... vui lắm”.

 

Nghệ sĩ Văn Tân trong bộ quần áo bà ba biểu diễn ở thôn Cầu Đen, Lạng Giang tháng 4/2014.

 

Ông kể, chuyến lưu diễn vừa rồi là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời biểu diễn của ông, bởi Lai Châu là tỉnh thứ 63 ông đến và diễn vai Bác Hồ, hoàn thành hành trình đi khắp các tỉnh mọi miền đất nước biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ cả nước. “Chuyến đi này thực sự có ý nghĩa với tôi. Hơn 40 năm qua, lúc nào tôi cũng mong mỏi sẽ đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, mang hình tượng Bác Hồ đến gần và phục vụ nhân dân cả nước. Và tôi đã có tổng cộng 1.728 lần đóng vai Bác Hồ” - nghệ sỹ Văn Tân tự hào kể.

Nghệ sĩ Văn Tân, tên thật là Nguyễn Văn Tân, sinh năm 1943 tại Lạng Giang, Bắc Giang; từng là diễn viên Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc, Phó trưởng đoàn Kịch nói Hà Bắc, Phó Hiệu trưởng trường Văn hóa Nghệ thuật và Phó đoàn chèo Bắc Giang.


Được thể hiện hình tượng Bác Hồ trong sự nghiệp biểu diễn là niềm vinh dự của người diễn viên, chính vì vậy mà nghệ sĩ Văn Tân luôn tự ý thức phải giữ gìn hình tượng Bác cả trên sân khấu cũng như ngoài đời thường. Ông luôn tự đặt ra những nguyên tắc trong những chương trình biểu diễn của mình. Dù biểu diễn ở xa hay gần, dù thời tiết tốt hay xấu, ông luôn đến trước giờ biểu diễn ít nhất hai tiếng để hóa trang và nhập tâm để diễn xuất tốt nhất. Mỗi khi hóa trang xong, ông luôn ngồi ở chỗ kín và tuyệt đối không tiếp xúc với ai, chỉ khi biểu diễn xong, tẩy xong lớp hóa trang ông là nghệ sĩ Văn Tân để tiếp xúc, giao lưu, trò chuyện với khán giả.


Với nhiều nghệ sĩ, được lựa chọn vào vai diễn Bác Hồ là nhờ chất giọng xứ Nghệ thân thương, hay có vóc dáng, khuôn mặt hao hao Bác, nghệ sĩ Văn Tân lại hoàn toàn không có những lợi thế ấy. Gặp ông ở ngoài đời, ít ai nghĩ rằng, một người có chất giọng Bắc, khuôn mặt tròn khác xa với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại có thể hóa thân vào hình tượng Bác “ngọt” đến thế. Ông cũng là nghệ sỹ được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh phục vụ nhân dân nhiều nhất” năm 2010.


Vở kịch đầu tiên ông đóng vai Bác có tên “Một kỷ niệm cao quý”, kể về câu chuyện trong một lần Bác đến thăm đơn vị pháo cao xạ thủ đô. Khi đó, ông vừa âm thầm luyện tập, vừa tự ngâm rễ cây dứa bà, rễ đay cạo trắng để làm râu, làm tóc để đóng vai Bác. Khi xem nghệ sĩ Văn Tân biểu diễn, đồng nghiệp trong đoàn đã phải thốt lên: “Ôi, giống Bác Hồ quá!”.


Nghệ sỹ Văn Tân cho biết, để có thể khắc phục những nhược điểm về ngoại hình, giọng nói, ông ngày đêm miệt mài và âm thầm nghiên cứu, tập luyện bắt chước từng giọng nói, cử chỉ, thần thái của Người. Có thời gian, ông dành cả tháng trời vào quê Bác học tiếng, luyện tập cách nhấn câu, nhả chữ của Bác theo cuốn băng 13 bài nói chuyện, đọc thơ, diễn thuyết của Bác Hồ do đồng chí Vũ Kỳ tặng. Ông tâm sự: “Để khắc phục 17 điểm không giống Bác trên khuôn mặt mình, thời gian đầu, tôi phải dành 2 - 3 tiếng đồng hồ để hóa trang. Nhưng từ khi được những họa sĩ của xưởng Phim truyện Việt Nam hướng dẫn, tôi chỉ phải dành 1 tiếng đồng hồ để hóa trang trước mỗi giờ biểu diễn”.


Sau mỗi lần biểu diễn, nghệ sỹ Văn Tân luôn lắng nghe những lời góp ý từ đồng nghiệp, những người đã từng gặp gỡ, làm việc với Bác Hồ, để hoàn thiện vai diễn của mình. Ông còn dành thời gian nghiên cứu những tư liệu về Bác Hồ để sáng tác những hoạt cảnh, vở kịch cho phù hợp với đối tượng mà ông biểu diễn phục vụ. Nhiều vở kịch, hoạt cảnh do ông tự biên soạn như: “Bác Hồ với cán bộ, công nhân ngành Thủy lợi”, “Bác Hồ với thi đua yêu nước”, Bác Hồ thăm Côn Sơn”, “Tình Bác sáng đời ta”...


Đến nay, tuy đã ngoài 70, nhưng ông vẫn thường xuyên nhận được mời tham gia biểu diễn, nhất là trong những dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ. “Là một người nghệ sỹ, tôi luôn nỗ lực để thể hiện tốt nhất cốt cách, phong thái của Bác trong những lần đóng vai Người, để khơi gợi trong những xúc cảm của người xem đối với Bác Hồ qua những vai diễn của mình”.


Bài và ảnh: Hà Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN