Các đơn vị, địa phương cần đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, có phương án phòng, chống thảm họa thiên tai, cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham dự lễ hội, cho di tích và đảm bảo vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm khu vực tổ chức lễ hội. Đặc biệt chú ý các lễ hội lớn thu hút đông người như: Lễ hội Tịch Điền – Đọi Sơn và lễ hội đền Lành Giang (huyện Duy Tiên), lễ hội Phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương (huyện Lý Nhân)…
Đồng thời, kiện toàn các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội và chủ động phối hợp quản lý hòm công đức công khai, minh bạch; hướng dẫn nhân dân và du khách đặt tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định; không đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch trong khuôn viên di tích và lễ hội; bố trí, sắp xếp hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông gọn gàng, thuận tiện.
Tỉnh Hà Nam nghiêm cấm các hoạt động thương mại lễ hội, lợi dụng lễ hội để tăng các loại phí không đúng quy định, kinh doanh những dịch vụ không phù hợp, loại bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình…
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa tốt đẹp của di tích và lễ hội, duy trì và phát huy những lễ hội, những giá trị văn hóa phù hợp thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc, quê hương; vận động nhân dân loại bỏ hoặc thay thế các tập tục không còn phù hợp, những hành vi bạo lực, phản cảm gây bức xúc dư luận xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra và phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.