Chấm điểm để chấn chỉnh lễ hội

Năm 2015, lần đầu tiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) quyết định chấm điểm công tác tổ chức lễ hội của các địa phương trong cả nước.

Và thay vì chỉ có Sở VH,TT&DL các địa phương chấm điểm gửi về bộ như dự kiến đầu năm 2015, sáng 10/12, tại Hà Nội, các phóng viên theo dõi mảng văn hóa văn nghệ đã được Cục Văn hóa cơ sở và Báo Văn hóa mời tham gia đánh giá về công tác tổ chức lễ hội.

Ngày 12/2/2015, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL, ban hành “Tiêu chí đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian”; với những thang điểm cụ thể để đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương. “Bộ VH,TT&DL kỳ vọng bộ tiêu chí này sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian 2015.

Các tiêu chí đánh giá, chấm điểm lễ hội.

Theo đó, bộ tiêu chí có 6 nội dung chính là căn cứ đánh giá (mỗi nội dung gồm các tiêu chí cụ thể), bao gồm: Công tác quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hằng năm (tối đa 9 điểm); quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ của bộ (tối đa 6 điểm); thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội (tối đa 25 điểm); đảm bảo môi trường an toàn tổ chức lễ hội (tối đa 40 điểm); tổ chức các hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật (10 điểm) và thực hiện thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội tại cơ sở (10 điểm). Điểm tổng của thang điểm đánh giá là 100. Điểm đạt từ 95 - 100 điểm là hoàn thành xuất sắc (loại A); điểm đạt từ 85 - 94 điểm là hoàn thành tốt (loại B), điểm đạt từ 51- 84 là hoàn thành (loại C) và điểm dưới 50 là chưa hoàn thành (loại D)”, đại diện Cục Văn hóa cơ sở cho biết.

Bên cạnh đó, mỗi mục cũng được chia thành các nội dung cụ thể, tương ứng là các mức điểm cụ thể, bao gồm cả điểm cộng và điểm trừ. Đơn cử như việc tổ chức đánh giá, chấm điểm chặt chẽ, chính xác và thực hiện công tác báo cáo đúng quy định; có cách làm hay, sáng tạo, đột phá trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội; được dư luận báo chí đánh giá tốt… đều được cộng 5 điểm. Tương tự, gửi báo cáo theo quy định chậm hoặc không gửi; bị dư luận, báo chí nêu nhiều thông tin phản ánh không tốt về lễ hội… đều bị trừ 5 điểm trong tổng điểm.

“Việc ban hành tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian ngay từ đầu mùa 2015, xuất phát từ nhu cầu thực tế trong công tác chỉ đạo, quản lý của bộ, các địa phương nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 41 của Ban Bí thư và Công điện 229 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực quản lý đối với hoạt động lễ hội. Trên thực tế, từ đầu mùa lễ hội năm 2015 đến nay, hiện tượng thiếu văn minh tại các lễ hội không phải là chuyện hiếm. Dựa trên cơ sở đánh giá cụ thể, các địa phương và bộ sẽ thấy được công tác tổ chức, quản lý tại các lễ hội mặt nào tích cực, mặt nào cần tiếp tục điều chỉnh, tích cực tạo chuyển biến vào mùa lễ hội năm sau. Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẽ hiểu rằng việc tổ chức lễ hội giờ không còn là việc của riêng mình, mà sẽ có những đánh giá, nhận định của xã hội, công chúng”, đại diện Báo Văn hóa khẳng định.

Khi ban hành bộ tiêu chí, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã khẳng định: Các mùa trước đây, công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương chủ yếu được đánh giá bằng định tính chứ không định lượng. Vì vậy, năm nay, việc triển khai chấm điểm dựa trên những thang điểm quy định khá cụ thể, sẽ giúp các địa phương và bộ có điều kiện, cơ sở định lượng khi đánh giá hiệu quả quản lý, tổ chức lễ hội ở mức độ nào. Tất nhiên, sự đánh giá qua bộ tiêu chí cũng chỉ ở mức tương đối, nhưng cũng đủ để thấy được qua một mùa lễ hội, công tác tổ chức, quản lý tại các địa phương có những mặt tích cực nào, những gì cần sát sao để điều chỉnh, tạo chuyển biến nhiều hơn.

Theo quy định, việc thực hiện “chấm điểm” là Sở VH,TT&DL và Sở VH - TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trên cơ sở các tiêu chí tổ chức đánh giá, chấm điểm gửi kết quả về Bộ VH,TT&DL trước 30/11 hằng năm để làm căn cứ bình xét thi đua. Cục Văn hóa cơ sở chịu trách nhiệm chủ trì, tổng hợp, báo cáo bộ trưởng.

Số điểm được đưa ra cho mỗi tiêu chí cũng cho thấy những vấn đề cần quan tâm, chấn chỉnh trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội đối với các địa phương. Chẳng hạn, tiêu chí “Thực hiện đặt hòm công đức đúng quy định. Quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền giọt dầu công khai, minh bạch, đúng mục đích” được chấm 10 điểm; “Không đổi tiền lẻ tại di tích, lễ hội trái với quy định của pháp luật” được 5 điểm; “Tuyên truyền, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, lễ hội; hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội” được 5 điểm; “Đảm bảo vệ sinh cảnh quan môi trường nơi tổ chức lễ hội...” được 10 điểm; “Không có các hiện tượng tệ nạn xã hội, ăn xin tại khu vực lễ hội” được 5 điểm; “Thực hiện việc quản lý, đốt vàng mã đúng quy định” được 10 điểm...


PV
Tưng bừng Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng
Tưng bừng Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng

Sau một tuần diễn ra, tối 25/11, giải đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng lần thứ 2 - Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã kết thúc; đồng thời khép lại một mùa lễ hội với nhiều hoạt động sôi nổi hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân Sóc Trăng và du khách trong và ngoài nước tham gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN