Nghệ thuật cho thiếu nhi, bao giờ mới “xông xênh”? - Phần cuối

Trò chuyện với rất nhiều những nghệ sĩ, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, thì đây cũng thực sự là một trăn trở của họ. Không muốn bỏ quên khán giả nhí, không muốn để các em rơi vào tình trạng “đói nghệ thuật”, nhưng đôi khi cũng là “lực bất tòng tâm”.

Cần mạnh dạn thay đổi

Ngoài dịp 1/6, còn một dịp nữa mà chương trình thiếu nhi ra mắt khá ồ ạt, đó là Trung thu. Sau hai dịp này, là 10 tháng trời vắng bóng sân khấu dành cho thiếu nhi. Cơ hội thưởng thức của các em chỉ là những bộ phim hoạt hình trên ti vi (vì bản thân rạp chiếu phim cũng chỉ tập trung khai thác phim thiếu nhi vào 2 dịp nói trên), hoặc những trò chơi truyền hình dành riêng cho khán giả nhí như Giọng hát Việt nhí, Đồ Rê Mí...

Đánh giá cao việc các nhà hát luôn quan tâm tới các em vào những dịp đặc biệt, nhất là mùa hè -mùa “rời xa sách vở” của các em. Nhưng, cũng lại thật sự băn khoăn về tình trạng “no dồn, đói góp” này. Bởi lẽ, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con người nói chung là thường xuyên và liên tục; với trẻ nhỏ càng cần thiết vì nó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của các em, giúp các em hình thành nhân cách. Và trong khi người lớn có thể mỗi tháng đến nhà hát kịch một lần (hầu như tháng nào cũng có 1 vở diễn mới, hoặc ít nhất cũng 2 tháng/vở diễn mới), thì các em đành chờ “dịp” của mình, hoặc giả là “xem ké” các vở kịch người lớn.

Tiết mục ảo thuật của cặp vợ chồng Hàn Quốc E.K và Zeki đã đến với thiếu nhi Việt Nam hè này. Ảnh: BTC

Trò chuyện với rất nhiều những nghệ sĩ, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, thì đây cũng thực sự là một trăn trở của họ. Không muốn bỏ quên khán giả nhí, không muốn để các em rơi vào tình trạng “đói nghệ thuật”, nhưng đôi khi cũng là “lực bất tòng tâm”. Có nhiều nguyên nhân khiến các chương trình thiếu nhi không thể thường xuyên và liên tục. Nguyên nhân đầu tiên, chính là thiếu kịch bản chương trình cho thiếu nhi.

“Ba năm hợp tác trong dự án “Chắp cánh Niềm tin”, Nhà hát Tuổi trẻ và Ngân hàng SHB đã đem đến cho khán giả nhiều tỉnh thành trên cả nước gần 200 đêm diễn, trong đó có 30 đêm diễn dành cho các khán giả nhỏ tuổi. Với chương trình 1/6 năm nay, chúng tôi muốn đưa các nhân vật hoạt hình và các nhân vật được các em nhỏ yêu thích qua nhiều thế hệ lên sân khấu, đến gần hơn với các em thiếu nhi, giúp các em hiểu được những giá trị nhân văn mà vở diễn muốn truyền tải”.

NSƯT Chí Trung - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ

Một nghệ sĩ rất tâm huyết với chương trình thiếu nhi khẳng định: Đã làm cho thiếu nhi thì muốn làm những chương trình hay, hấp dẫn, đồng thời phù hợp với lứa tuổi các em. Thế nhưng một chương trình giải trí dành cho thiếu nhi muốn hay thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đầu tiên là kịch bản, hai là những chiêu trò. Kịch bản sân khấu hay lâu nay quá hiếm, kịch bản hay cho thiếu nhi càng hiếm hơn.

Còn muốn có nhiều chiêu trò thì cần đến tiền, cơ sở vật chất của điểm biểu diễn. Và đây cũng chính là “cái khó” thứ hai. “Đầu tư một vở kịch thiếu nhi tốn kém hơn rất nhiều một vở kịch người lớn bởi các chi phí liên quan đến đạo cụ, trang phục, thiết bị kỹ thuật, tất cả đều phải lộng lẫy, hoa mĩ, hoành tráng thì mới hút trẻ con đến xem. Trong khi đó, giá vé trẻ em lại thấp. Các suất diễn hạn chế vì trẻ con khó đi xem được vào ban ngày và ngày trong tuần do vướng lịch học. Doanh thu thấp nên chi phí cho viết kịch bản, diễn viên cũng phải thấp đi. Tất cả những điều đó khiến các đơn vị xã hội hóa khó lòng làm được gì. Chưa kể với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của các rạp hát, để dàn dựng những tiết mục bắt mắt như bay lượn, nhào lộn trên không là bất khả thi”, một nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh cho biết.

Khó thì ai cũng thấy, nhưng không phải thiếu những “cái khôn” ló ra. Nhà hát Tuổi trẻ là một minh chứng. Với việc đẩy mạnh xã hội hóa nghệ thuật, thời gian qua nhà hát đã phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước, cả đơn vị làm nghệ thuật lẫn doanh nghiệp; để có thể ra đời các chương trình phục vụ giới trẻ. Vậy có thể đẩy thêm một bước, để xã hội hóa thực hiện những chương trình thường xuyên, liên tục hơn cho thiếu nhi, giúp các em không còn rơi vào cảnh “thưởng thức nghệ thuật theo mùa” như lâu nay nữa.

Bên cạnh đó, cùng với sự chủ động của các nhà hát, thì cũng cần có sự điều tiết của các đơn vị quản lý, sự đầu tư của Nhà nước, xây dựng kế hoạch phù hợp cho việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của thiếu nhi, giúp các em không bị hụt hẫng do những khoảng trống nghệ thuật như lâu nay.

TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội: “Chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi phải có lịch trình thường xuyên hơn...” 

Tổ chức các chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi không chỉ dừng ở việc cần thường xuyên hơn mà cần xây dựng thành lịch trình. Trong chương trình học của các cháu, việc học tập các môn như Mỹ thuật, Hát nhạc phải được quan tâm hơn và cần có sự thay đổi, đặc biệt là ở phần cảm thụ, thưởng thức nghệ thuật. Hình ảnh trẻ em Việt Nam đến xem các phòng tranh, các phòng triển lãm hay bảo tàng là rất hiếm hoi. Đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến trình độ thưởng thức nghệ thuật của người Việt nói chung và ở thế hệ trẻ nói riêng. 

Giảng viên Âm nhạc Đặng Châu Anh, Giám đốc Nghệ thuật SolArt: “Rất cần có dự án chương trình nghệ thuật dài hạn...”

Các chương trình nghệ thuật, âm nhạc tổ chức cho thiếu nhi vẫn còn rất ít, đặc biệt ở các địa phương. Trong khi đó, việc giáo dục nhân cách, tâm hồn, quan điểm thẩm mỹ cho trẻ thông qua nghệ thuật là rất tốt. Hiện nay, ở một số thành phố lớn, các trường chất lượng cao, trường quốc tế đã chú trọng các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã được tổ chức thường xuyên hơn. Một bộ phận phụ huynh đã có cách nghĩ khác nên việc đưa con đến các trung tâm nghệ thuật cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở các thành phố lớn. Về phía quản lý, các chương trình nghệ thuật do Hội đồng đội Trung ương, Thành đoàn, Cung thiếu nhi đã quan tâm nhiều hơn, phát động các cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi, kể chuyện, ca múa nhạc... khá đa dạng. Bên cạnh đó, những dự án cũng đóng góp cho các chương trình nghệ thuật này nhưng mang tính chất thời hạn. Nghĩa là khi dự án kết thúc thì chương trình không còn. Việc tổ chức chương trình cho thiếu nhi là bài toán khá nan giải do kinh phí. Ví dụ, tổ chức các chương trình nghệ thuật cho người lớn, nhạc nhẹ thì còn có kinh phí thu về nhưng cho thiếu nhi thì ít hơn hẳn. Do đó, rất cần có dự án dài hạn chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi. Các nhà sư phạm âm nhạc nghệ thuật, làm việc trong môi trường nghệ thuật cần tạo sân chơi nghệ thuật cho thiếu nhi. Các chương trình nghệ thuật diễn ra hàng tháng với các chủ đề khác nhau. Hiệu quả nghệ thuật mang lại từ những chương trình này rất lớn đối với tâm hồn trẻ nhỏ. 

Lê Vân


PV
Nghệ thuật cho thiếu nhi, bao giờ mới “xông xênh”?
Nghệ thuật cho thiếu nhi, bao giờ mới “xông xênh”?

12 tháng trong năm, chỉ có hai dịp thiếu nhi được thưởng thức nghệ thuật “dành cho mình” và đó cũng là dịp “bội thực” các chương trình thiếu nhi của các đơn vị nghệ thuật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN