Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã trao giấy chứng nhận cho đại diện chủ thể di sản các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông.
Người Mông ở Điện Biên có nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc như nghề rèn, nghè làm nhạc cụ, dệt vải, thêu, vẽ hoa văn trên vải... Trong đó, nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời, gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con người Mông.
Tại Lễ công bố, nghệ nhân Cứ A Khua, bản Dê Dàng, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa phấn khởi chia sẻ: Từ xa xưa, đồng bào Mông luôn chọn địa hình vùng cao của miền núi để sinh sống theo hướng tự cung, tự cấp. Vì vậy, người Mông cái gì cũng biết làm, việc gì cũng giỏi, từ rèn dao, rèn cuốc, xẻng, làm giấy, làm hương đến tự làm trang phục để mặc… Ngày nay, cuộc sống của đồng bào Mông đã có nhiều đổi thay, các vật dụng trong nhà cũng dễ dàng mua được ở chợ xã, chợ huyện, song nhiều người Mông vẫn giữ nghề rèn truyền thống.
Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập, tới khi định hình được sản phẩm thì mài cho sắc, làm tay cầm. Trong khâu tôi thép của người Mông có bí quyết riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn màu thép để đưa vào tôi. Người Mông có nhiều cách tôi thép khác nhau, có loại thép thì tôi bằng nước, có cho một lượng muối vừa phải, có loại thì tôi bằng nước của thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt...
Tại buổi lễ, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chúc mừng các chủ thể đồng thời khẳng định sự đóng góp không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ nhân, cộng đồng dân tộc Mông đã nâng niu, trao truyền và gìn giữ nét văn hóa đặc sắc này. Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên đề nghị trong thời gian tới, các chủ thể tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di sản; khuyến khích việc tăng cường truyền dạy nghề rèn cho thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động tìm đầu ra cho các sản phẩm; lựa chọn các cá nhân tiêu biểu để lập danh sách đề nghị công nhận “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”; có giải pháp thiết thực, cụ thể để gìn giữ và phát huy bản sắc độc đáo góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…