Huyền bí lễ hội nhảy lửa vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ 2

Trong đời sống tinh thần, đồng bào Pà Thẻn luôn quan niệm có các vị thần che chở, giúp đỡ. Lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã trở thành một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tâm linh thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu vói khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.

Đồng bào Pà Thẻn ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) và xã Linh Phú (Chiêm Hóa), với khoảng 700 nhân khẩu. Khi nhắc đến người Pà Thẻn là người ta nhắc đến lễ nhảy lửa và ngược lại.

Tối 26/9, tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã tổ chức lễ đón nhận Chứng nhận Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, di sản này đã được công nhận ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Lễ nhảy lửa của đồng bào thường diễn ra khi mọi công việc đồng áng đã xong, vào khoảng ngày 16/10 âm lịch năm trước đến 16/1 âm lịch năm sau. Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân rộng ở thôn và chia làm hai phần, cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3 - 4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng.

Hình ảnh lễ hội nhảy lửa người Pà Thẻn, xã Hồng Quang huyện Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang:

Chú thích ảnh
Củi để thực hiện nghi lễ nhảy lửa được đồng bào dân tộc Pà Thẻn chuẩn bị từ sớm.
Chú thích ảnh
Trước buổi lễ khoảng 3 tiếng, thầy cúng gọi mời thần và "âm binh" tới tham gia lễ và nhập vào các học trò.
Chú thích ảnh
Thầy cúng ngồi trên một ghế gỗ dài, phía trước là dụng cụ cúng bằng thanh tre và sắt. Thầy đọc văn khấn mời gọi thần linh chứng dám và chở che, phù hộ cho những chàng thanh niên có được sức mạnh để thực hiện nghi lễ nhảy lửa.
Chú thích ảnh
Tối trời, lúc cơ thể của các học trò rung lên, đầu lắc liên tục là khi các vị thần đã nhập vào họ thành công. Họ có nhiều sức mạnh và chỉ trực tìm lửa để nhảy vào.
Chú thích ảnh
Đống lửa được đốt bằng những cây gỗ rất to đã được phơi khô để lấy than đỏ rực trong buổi lễ.
Chú thích ảnh
 Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng đó, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. 
Chú thích ảnh
 Điều đặc biệt là sau khi nhảy vào lửa, chân tay họ không hề bị bỏng, đau đớn hay trầy xước.
Chú thích ảnh
"Khi thần nhập vào người, người đi trên lửa có cảm giác rất lạnh và nhìn thấy lửa là rạo rực muốn lao vào. Khi nhảy vào lửa thì họ cảm thấy sảng khoải, dễ chịu và ấm người", một người tham gia lễ nhảy lửa cho biết. 
Chú thích ảnh
Người nhảy lửa nhắm mắt và được thần dẫn đi nên bản thân họ không biết là đang lao vào đống lửa.
Chú thích ảnh
Kết thúc, thầy cúng sẽ giải lễ cho các học trò để họ trở về là người thường. Tương truyền, nếu thầy cúng không giải lễ mà để cho học trò ra về thì khi về tới nhà có đống lửa nào thì người đó cứ nhảy vào phá hết đống lửa đó.
Chú thích ảnh
Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn có lịch sử lâu đời, được truyền lại qua nhiều thế hệ đến ngày nay.
Lê Phú/Báo Tin Tức
Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tối 26/9, tại xã Hồng Quang, UBND huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ đón nhận Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình được công nhận, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN