Đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ, Bác đi từ ở chiến khu Bác về…”, cho đến tận bây giờ, những hình ảnh Bác Hồ giản dị với đôi dép cao su vẫn in đậm trong tâm trí của nhiều người. Nhưng có lẽ ít ai biết được rằng, một trong những người đã vinh dự được nhìn tận mắt đôi dép của Bác Hồ, được tự tay tái tạo hàng chục đôi dép phiên bản để trưng bày ở các bảo tàng hiện nay chính là nghệ nhân dép lốp Phạm Quang Xuân.
“Vua dép lốp”…
Bây giờ, nhiều người, nhất là giới trẻ thường gọi ông như vậy, bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân đã có thâm niên trên 50 năm làm dép lốp. Nghệ nhân Phạm Quang Xuân kể: “Tôi đã làm nghề này từ khi 17-18 tuổi. Đây là nghề của gia đình, tôi là thế hệ kế tiếp và tôi sẽ còn tiếp tục làm đến khi nào không làm được nữa mới thôi”.
Nghệ nhân Phạm Quang Xuân đang trình diễn tái tạo đôi dép Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Năm nay đã 74 tuổi, nhưng nghệ nhân Phạm Quang Xuân vẫn dành thời gian tỉ mẩn với từng đôi dép cao su. Dép của ông tuy làm thủ công, nhưng lại chắc chắn và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng hơn hẳn những đôi dép được sản xuất bán hàng loạt trên thị trường. Bên cạnh những đôi dép cao su thời kháng chiến, ông còn sáng tạo ra nhiều mẫu mã tiện lợi hơn, đẹp hơn. Cho đến giờ, ông đã có khoảng 10 mẫu dép khác nhau cho người tiêu dùng lựa chọn. Ông còn nghĩ ra cách khắc lên dép hình bản đồ Việt Nam với cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. “Để cho người phương Tây nếu có mua lưu niệm, khi về nước nhìn vào còn nhớ đôi dép này là của Việt Nam", ông Xuân nói.
Khách hàng tìm đến đặt ông làm dép có đủ mọi lứa tuổi, nhưng thanh niên đặt hàng vẫn là nhiều nhất. Vì dép ông làm chắc chắn, đi êm không bị đau chân nên thanh niên, nhất là những thanh niên thích đi phượt rất thích.
Không chỉ khách trong nước, nhiều khách nước ngoài cũng tò mò, tìm đến nhà ông đặt hàng một vài đôi về làm kỷ niệm. Ông khoe: “Mới đây vừa có mấy ông khách người Hà Lan, người Mỹ đã đến nhà đặt mua dép của tôi đấy”.
…và chuyện đôi dép Bác Hồ
Đôi dép cao su là sản phẩm đầy sáng tạo và độc đáo của nhân dân Việt Nam, chỉ có ở Việt Nam. Đôi dép ấy đã gắn bó thân thiết, trở thành biểu tượng của sự giản dị, một đặc trưng của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng đau thương mà oanh liệt của dân tộc ta. Đặc biệt, đôi dép cao su là một trong những biểu tượng về cuộc đời Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được gọi với tên gọi thân thương là “Đôi dép Bác Hồ”, đôi dép ấy đã xuất hiện trong các bài thơ, bài hát cách mạng…
Nhưng có lẽ ít ai biết được, đôi dép cao su Bác Hồ được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh mấy chục năm nay được chế tác bởi bàn tay của nghệ nhân Phạm Quang Xuân và các đồng nghiệp.
Nghệ nhân Phạm Quang Xuân cho biết, khoảng năm 1968, một số cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh sang xưởng sản xuất dép cao su (nơi ông đang làm việc) nhờ tập hợp thợ giỏi để làm dép cao su trưng bày trong bảo tàng. 5 người thợ giỏi nhất, trong đó có ông Xuân được lãnh đạo cử đi. “Chúng tôi đến bảo tàng, họ đưa cho đôi dép mẫu, chính là đôi Bác Hồ từng đi và yêu cầu làm một chục đôi giống y như thế. Họ không có yêu cầu gì đặc biệt ngoài lời dặn càng giống đôi dép cũ càng tốt”, ông Xuân kể.
Ông Xuân nhớ lại, đôi dép mà cán bộ bảo tàng đưa cho ông và đồng nghiệp trông rất cũ, đã mòn vẹt cả đế, được dán thêm một miếng cao su khác vào. Đôi dép này có hai quai to bắt chéo đằng trước và một quai vòng phía sau. Sau khi nhận nhiệm vụ, ông và các đồng nghiệp bắt tay vào chọn nguyên liệu phù hợp để chế tác ra những đôi dép giống như đôi mẫu.
Để làm ra được đôi dép hình dáng giống như đôi dép Bác Hồ thì không khó, nhìn mẫu rồi tìm loại lốp tương tự làm là có thể được, nhưng khó nhất đối với những người thợ giỏi là phải chế tạo ra những đôi dép trông cũng sờn, cũ y như nguyên bản. Ông Xuân cùng các đồng nghiệp đã xem xét, bàn bạc và cuối cùng, đã tìm những viên đá to nhỏ khác nhau về mài để cho đế dép mòn đi, quai dép cũng bị sờn, cũ đi…
“Biết mình được chọn để tái tạo lại đôi dép Bác Hồ, trưng bày ở bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi đều rất phấn khởi, cảm thấy rất vinh dự, tự hào, chúng tôi đã cố gắng hết sức để những đôi dép mình tái tạo thật giống đôi dép mẫu và chúng tôi đã làm được. Đôi dép chúng tôi tái tạo giống trên 95% đôi dép mẫu mà cán bộ bảo tàng đưa đến”, nghệ nhân Phạm Quang Xuân nhớ lại.
Biết ông Xuân là người chế tác đôi dép Bác Hồ trưng bày tại bảo tàng Hồ Chí Minh, một số bảo tàng địa phương đã tìm đến ông nhờ chế tạo đôi dép Bác Hồ để họ trưng bày trong nhà lưu niệm. Rồi những nghệ sỹ, diễn viên đóng vai Bác Hồ trong phim, sân khấu, kịch… cũng tìm đến và nhờ ông đóng giúp một đôi. “Với tôi, khi được tái tạo những đôi dép cao su Bác Hồ là những kỷ niệm mà tôi nhớ mãi”, nghệ nhân Phạm Quang Xuân tâm sự.
Bài và ảnh: Nguyễn Việt Sơn