Vùng đất cổ Mường Vang (ngày nay là huyện Lạc Sơn - tỉnh Hòa Bình) đã làm tốt việc triển khai Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về phát triển văn hóa, để xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Xây dựng đời sống văn hóa
Huyện Lạc Sơn - vùng đất cổ có tên gọi Mường Vang, là một trong bốn vùng Mường lớn của tỉnh Hòa Bình (“Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”), có gần 14 vạn người sinh sống, trong đó có trên 90% là đồng bào dân tộc Mường.
Một hộ gia đình tại thôn Lục 2, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) dệt vải thổ cẩm. Trọng Đạt - TTXVN |
Cuộc sống của người dân Lạc Sơn giờ đây đã có nhiều đổi thay. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên ở thị trấn, huyện, lỵ, các phương tiện ô tô, xe máy, ti vi, Internet có mặt khắp các bản mường. Nhưng phần lớn bà con người Mường Lạc Sơn vẫn sinh sống trong ngôi nhà sàn truyền thống; giờ gỗ rừng khan hiếm thì bà con đúc cột bê tông dựng nhà sàn kiểu mới, khang trang, sạch đẹp và vẫn giữ nguyên bản sắc của dân tộc mình.
Ông Bùi Văn Nỏm, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn cho biết: Cùng với việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất cho dân, cấp ủy và chính quyền huyện Lạc Sơn đã bám sát Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về phát triển văn hóa, để xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Đến nay, toàn huyện có hơn 3.000 tuyên truyền viên, 373 đội văn nghệ xóm bản, mỗi năm huyện tổ chức trên 300 buổi tuyên truyền; dàn dựng và biểu diễn các chương trình văn nghệ quần chúng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trên địa bàn.
Còn ông Bùi Thiên Văn, Cụm trưởng Cụm văn hóa Mường Vang chia sẻ: Trong 5 năm qua, các hoạt động văn nghệ quần chúng của huyện đã được tổ chức dưới hình thức cụm văn hóa, câu lạc bộ, đội văn nghệ... gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã phản ánh sâu sắc đời sống nhân dân, ca ngợi vẻ đẹp quê hương, tình làng nghĩa xóm, góp phần cổ vũ những tấm gương tiên tiến, đồng thời phê phán cái xấu, tiêu cực trong xã hội. “Lạc Sơn là huyện duy nhất của tỉnh có sáng kiến thành lập Cụm văn hóa Mường Vang từ tháng 10/1999. Cụm văn hóa Mường Vang ra đời đã tập hợp được các nghệ nhân văn hóa dân gian tham gia hoạt động, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ và thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ tại các xóm, bản ở 7 xã trong vùng”, ông Bùi Thiên Văn cho biết.
Cũng theo ông Bùi Thiên Văn, từ khi được thành lập đến nay, cụm văn hóa Mường Vang đã thu hút đông đảo nhân dân đến tham gia. Bên cạnh việc thường xuyên duy trì các buổi sinh hoạt tập thể vào các ngày thứ ba, thứ tư và chủ nhật hàng tuần, các thành viên trong cụm tổ chức những buổi thông tin, tuyên truyền lưu động tại những tụ điểm tập trung đông dân cư như: Khu vực chợ Vó, chợ Chiếng, chợ Sào... với các nội dung phong phú như: Xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, biểu dương gương người tốt - việc tốt về phòng, chống tệ nạn xã hội... Vào những dịp lễ, Tết, cụm văn hóa Mường Vang tổ chức giao lưu văn hóa, lễ hội văn hóa dân gian, những trò chơi dân gian, tập quán sinh hoạt của dân tộc. Hai lần tham gia liên hoan dân ca cấp tỉnh, Cụm văn hóa Mường Vang đều đạt giải cao.
Bảo tồn giá trị truyền thống
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, Huyện ủy Lạc Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức sưu tầm và vận động nhân dân giữ gìn, trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Nổi bật là những sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, phong tục tập quán dân tộc Mường của tác giả Bùi Huy Vọng, nông dân xã Hương Nhượng, đã đạt 11 giải thưởng có giá trị của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam,với hàng ngàn trang in, tiêu biểu như: “Ẩm thực dân gian Mường vùng huyện Lạc Sơn”, “Kinh nghiệm dẫn nước nhập đồng và Lịch cổ đá rò của người Mường”, “Tang lễ cổ truyền của người Mường”, “Lễ hội đình Khiêng”.
Hiện Lạc Sơn cũng đã kiểm kê 30 địa chỉ các phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc; lưu giữ được 1.200 chiếc cồng chiêng; tổ chức sưu tầm và phục dựng hai lễ hội dân gian của đồng bào Mường; trùng tu Chiến khu cách mạng Mường Khói (xã Ân Nghĩa), Mái đá làng Vành (xã Yên Phú), hang Trại (xã Tân Lập), hang Khụ Dúng (xã Nhân Nghĩa), địa điểm thành lập Văn phòng Tỉnh ủy (xóm Khị, xã Nhân Nghĩa), nơi ghi dấu lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến (xã Thượng Cốc).
Trong thời gian tới, huyện Lạc Sơn tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, làm nền tảng nâng cao đời sống, thị hiếu thẩm mỹ, góp phần định hướng lý tưởng, giáo dục truyền thống quê hương, nhất là đối với thế hệ trẻ của Mường Vang.
Nhan Sinh