Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn theo chủ trương bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, xây dựng tác phẩm chất lượng cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Huế cũng là địa phương đầu tiên đưa chương trình nghệ thuật vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn sau các nhà hát Trung ương thuộc Bộ. Thời gian vừa qua, các chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn đã nhận được sự hưởng ứng của khán giả cũng như truyền thông. Không để phụ lòng mong đợi của công chúng, các nghệ sỹ của xứ Huế hứa hẹn sẽ mang lại cho khán giả Thủ đô nhiều cảm xúc khác lạ.
"Mùa Đông xứ Huế" mang mang cái cảm giác hoài cổ, uy nghiêm của lịch sử huy hoàng in dấu trên đền đài, thành quách rêu phong. Ảnh: TTXVN |
Từ một tuần qua, nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, Tổng đạo diễn chương trình cùng các nghệ sĩ đã tiến hành tập luyện, khớp nối các tiết mục trong chương trình. Nhạc sỹ Nguyễn Việt Đức cho hay: “Mùa đông xứ Huế” sẽ là chương trình nghệ thuật đậm chất Huế nhất từ trước đến nay diễn ra ở Hà Nội. Các nhạc mục trong toàn bộ chương trình sẽ gửi tới công chúng Hà Nội các cung bậc cảm xúc khác nhau. Chương trình thu hút sự tham gia của các nghệ sỹ đến từ cả 3 miền nên việc khớp nối các tiết mục cho nhuần nhuyễn là việc rất cần thiết để chương trình đạt được hiệu quả cao nhất.
Phần một có tên gọi "Huế xưa" sẽ tái hiện một cố đô trầm mặc với những cơn mưa kéo dài níu lòng người, níu chân người chậm lại trong cái lạnh se sắt của "Mùa Đông xứ Huế". Từ đó, công chúng cảm nhận sự hoài cổ, uy nghiêm của lịch sử huy hoàng in dấu trên đền đài, thành quách rêu phong.
Đặc biệt, tiết mục mở màn “Nón bài thơ xứ Huế” sẽ gồm các làn điệu “Hò mái nhì”, “Mái sắp”, “Quỳnh tương” và “Lý con sáo” do 5 nữ Nghệ sỹ Ưu tú của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế biểu diễn. Tiết mục mở màn này góp phần giới thiệu đến khán giả dòng âm nhạc dân gian Huế. Ở Huế có hai mảng âm nhạc lớn là âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian. Âm nhạc cung đình đã được quảng bá rất rộng rãi qua các kỳ Festival Huế còn âm nhạc dân gian ít được biết đến hơn mặc dù đó là mạch nguồn nuôi dưỡng âm nhạc cung đình.
Phần hai của chương trình là "Tình Huế" không chỉ gồm những khúc ca lãng mạn, thiết tha của tình yêu đôi lứa bên sông Hương, núi Ngự nên thơ mà còn khắc họa nỗi nhớ da diết của những người con xa xứ thương về quê mẹ.
Phần ba cũng là phần kết của chương trình mang tên “Huế tự hào" với các ca khúc của những người con tài năng xứ Huế sáng tác và đã để lại dấu ấn không phai trong nền âm nhạc Việt Nam. Đó là nhạc phẩm của những tên tuổi như Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn, Minh Kỳ, Châu Kỳ, Dương Thiệu Tước, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Nam, Khắc Yên...
Chương trình nghệ thuật “Mùa đông xứ Huế” có sự tham gia biển diễn của nhiều giọng ca tên tuổi như Bảo Yến, Vân Khánh, Quang Linh, Đăng Dương, Anh Thơ, Vũ Thắng Lợi, Lê Anh Dũng, Lô Thủy…
Từ kinh đô trở thành cố đô, Thừa Thiên - Huế ngày nay vẫn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn dân tộc Việt Nam. Với văn hóa cung đình và dân gian rất đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng, xinh đẹp, Huế cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ nghệ sỹ bằng tài năng, trí tuệ sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc bất hủ, ấm áp, trữ tình, sâu lắng, đi vào lòng người và làm lay động hàng triệu trái tim con người Việt Nam…