Yêu mến và trân trọng con người, yêu mến Hà Nội, nhất là Hồ Gươm, đã khiến những bức ảnh của lão nhiếp ảnh Quang Phùng (ảnh) mang một vẻ đẹp riêng theo cách của ông. Những bức ảnh ấy đều “kể” câu chuyện cảm động về cuộc sống bởi cái nhìn trách nhiệm của một công dân gắn bó với Hà Nội và một nhiếp ảnh gia gắn bó với nghề.
Tình yêu với Hồ Gươm là vô tận
Với nhiều người, nơi nào đi nhiều đến nhiều lạ hóa thành quen, và phàm đã quen rồi thì ít nhận ra những điều khác lạ, những cái thú vị, những cái mới. Nhưng với ông, Hồ Gươm mỗi ngày mỗi mùa đều mang một chiếc áo mới, mùa thu năm nay, năm trước và nhiều năm đã qua, dù vẫn cảnh ấy, nhưng sắc màu của nó dưới góc máy của ông luôn thay đổi, những con người qua đây cũng mới lạ. Ông có thể gặp hoặc không gặp lại họ, nhưng trong những khoảnh khắc khác nhau ông đều có những bức ảnh khác nhau, không lặp lại. Ảnh của ông về một con người nào đó, một cảnh vật nào đó không chỉ đơn chiếc mà là những xâu chuỗi và có sự liên kết mang một câu chuyện rất cụ thể, có khởi đầu và kết thúc, có toàn cảnh và cận cảnh, mỗi bộ ảnh tối thiểu là hai ảnh, tối đa là mười hai ảnh là một câu chuyện kể về đời sống của nhân vật, cảnh vật mà ông “chộp” và “rình” được.
Sáng 2/9/2013 trong khi cả nước nghỉ Tết độc lập, lão nhiếp ảnh Quang Phùng (SN 1932) vẫn cần mẫn với công việc yêu thích của mình. Từ sáu rưỡi sáng ông đã xách máy chống gậy cuốc bộ từ nhà ở xóm Hạ Hồi ra Hồ Gươm. Nơi này có một sức hút kỳ lạ ông. Bức ảnh đầu tiên trong sự nghiệp nhiếp ảnh ông cũng chụp ở đây (ông chụp ảnh từ năm 1954) và từ đó đến nay những gì gắn với Hồ Gươm đều có trong mỗi khuôn hình của ông. Ông đã được vinh danh trong lễ trao giải Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2013 ở hạng mục Giải thưởng Lớn (hạng mục chỉ có duy nhất một đề cử . |
“Tôi kể cô nghe những bức ảnh mới nhất nhé, ảnh chụp sáng 2/9 đấy. Tất cả chỉ trong vài tiếng đồng hồ buổi sáng, chụp ảnh là phải chụp vào buổi sáng cô ạ”, lão nhiếp ảnh nói chậm rãi. Này, này, hay lắm này, trước tiên là bức ảnh hoa lộc vừng, vừa nói lão vừa đưa tôi xem bức ảnh chụp cận cảnh một đoạn của nhánh cây lộc vừng vươn cành ra phía Hồ Gươm, sau mưa, thân cây lộc vừng đen đậm như mực tàu, nổi bật trên đó là xác hoa lộc vừng đỏ ối.-Lộc vừng nở năm nào chẳng giống nhau mà bác phải kỳ công, chụp đi chụp lại làm gì?, tôi hỏi. -Không, không, khác đấy chứ, hoa rơi năm nay khác năm trước, tất cả những thứ tự nhiên thế nào thì vẫn nguyên thế ấy, không sắp đặt, mà sắp đặt cho thiên nhiên là vứt đi rồi, thế nên không khi nào lặp lại cả. Mà hoa lộc vừng sau mưa, dù đã rụng hết rồi vẫn đẹp lắm. Mùa này lộc vừng nở, phải ra thật sớm, nếu không các chị quét rác sẽ quét hết. Lộc vừng nở rơi như thảm hoa ấy, hoa này làm Hà Nội đẹp hơn, vì thế, mong các chị quét rác quét chầm chậm thôi... lão nhiếp ảnh nói đầy tiếc nuối.
Bức ảnh thứ hai, lão chụp một gốc cây trên hè sát Hồ Gươm mặt Đinh Tiên Hoàng, xung quanh gốc cây này có bốn cái đèn được chôn xuống, tối đến chúng sẽ được thắp sáng lên. Sao lại lắp đèn thế này, chôn bốn cái đèn xung quanh gốc cây, cây làm sao ngủ được. Kinh nghiệm từ đèn trên đường cao tốc có rồi đấy, lúa hai bên đường không trổ bông, vì lúa không được ngủ, cái cây này cũng vậy thôi. Tiền làm đèn thế này có thể xây cầu cho học sinh vùng sâu vùng xa đi học. Ấy là chưa kể, để chôn được mấy cái đèn này xuống, có khi phải đào sâu tới nửa mét thì chắc phải chặt cả rễ của cây, sao lại làm một việc như thế. Hơn nữa, các chị quét rác nói nếu cứ nhìn mãi vào cái đèn ấy, ánh sáng của nó hắt từ dưới đất lên không khéo thì mù mắt mất. Lão tiếp tục câu chuyện của mình.
Đấy, tình yêu Hà Nội của lão nhiếp ảnh Quang Phùng là thế, để mắt ngắm nghía, tỉ mẩn với từng thứ dù nhỏ. Những gì lão chụp đều khiến lão phải suy nghĩ, day dứt, cứ như thể việc ấy do lão gây ra vậy.
Câu chuyện về sáng mồng hai tháng chín của lão còn xoay quanh chị quét rác đang mang bầu bảy tháng đã có một đứa con trai 8 tuổi; chuyện hai cô cậu học sinh lớp 10 ngồi ghế đá, mặc trời mưa, vẫn che ô hôn nhau, “Lẽ ra trời mưa thế này, ở tuổi này chúng phải ở nhà chứ sao lại ngồi đây. Nhìn những bức ảnh này không hiểu cha mẹ chúng sẽ nghĩ gì?”, lão thắc mắc. Rồi lão kể chuyện hai đứa bé lớp năm lớp sáu đi câu cá: “Này, này, cô trông yêu chưa. Cô bé nhìn cứ như một nhành hoa. Tuổi này là tuổi trong sáng vô cùng. Cô bé nói, có ngày cháu câu được con cá bằng cổ chân ông ạ, cứ trời mưa là cháu đi câu, cứ như nghiện ấy.
Nhìn hai em bé ngồi mắc mồi câu, hai vị khách nước ngoài cũng phải dừng lại chụp ảnh chúng”, ông lão kể. Bộ ảnh về hai em bé ấy, ông chụp tới năm, sáu cái, ông đi theo chúng từ khi ngồi câu đến khi chúng đi về, bức ảnh cuối cùng kết thúc cuộc hành trình là tấm ảnh chụp hai anh em sải chân bước sang đường phía tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, “hai cô cậu như đi trên đường mây ấy, một kết thúc đẹp về tương lai của đất nước nhưng không quên công ơn của cha anh đi trước”, ông nói.
Chuyện về ảnh của lão nhiếp ảnh Quang Phùng cứ vậy, bức ảnh nào lão cũng kể từng chi tiết, mỗi ảnh đều có nhân vật, mỗi nhân vật đều có câu chuyện riêng, mà lão cẩn thận ghi chép vào những mảnh giấy rồi cất vào túi áo.
Sẽ tiếp tục in sách ảnh về Hồ Gươm
Cho đến bây giờ, nhiếp ảnh gia Quang Phùng đã có hàng ngàn bức ảnh về Hồ Gươm và muôn mặt đời thường của cuộc sống gắn với nó. Sau cuốn sách ảnh song ngữ “Dạo quanh Hồ Gươm”, lão đang dự định sẽ tập hợp thành một cuốn sách ảnh khác, tạm gọi là “Những cuộc tình bên Hồ Gươm”. Gọi là “những cuộc tình” nhưng không phải chỉ là tình yêu trai gái, ở đó có những mối tình khác, tình vợ chồng, bố mẹ với con cái, mối tình của những người câm,… Nhưng sẽ khó lắm đây khi lão phải chọn từ cả ngàn bức ảnh về Hồ Gươm, kèm với nó là cả ngàn câu chuyện về họ; để chỉ lấy ra khoảng 150 bộ ảnh điển hình nhất để làm sách.
“Này, này, mỗi bộ ảnh đều có câu chuyện của nó, hay lắm đấy. Cuốn sách sẽ mang những thông điệp, có tính ngụ ngôn, kể những câu chuyện đã xảy ra và tương lai về sau cũng vẫn giữ nguyên giá trị ấy”, lão cười hà hà, nói chậm rãi.
Ngồi nghe lão say sưa kể chuyện, lôi hết ảnh này đến ảnh kia cho tôi xem, mới thấy, “mối tình” của lão dành cho Hồ Gươm, dành cho Hà Nội sâu đậm thế nào. Mối tình ấy không tự nhiên sinh ra mà được góp nhặt hàng ngày, để rồi mỗi ngày qua đi, tình yêu ấy càng dày thêm, bền chặt thêm.
Điều này không thể lý giải bằng lời. Chỉ có thể hiểu rằng, bên cạnh nghiệp ảnh, thì thứ khiến lão có thể gắn bó cả đời với đất này chỉ có thể nói bởi lão sinh ra ở đây, cha mẹ đều gắn với Hà Nội, cha là người Hà Đông, mẹ là con gái Hàng Gai xinh nhất nhì Hà thành bấy giờ, bà chuyên bán mực tàu, giấy đỏ. Và điều quan trọng hơn cả, quê hương trong lão thiêng liêng không gì sánh được, “con người ta tài giỏi bao nhiêu thì cũng phải cắm rễ ở quê hương”, lão nói từ gan ruột thế.
Bài và ảnh: Xuân Phong