Những kỷ niệm không bao giờ quên
Chúng tôi gặp NSND Chu Thúy Quỳnh trong những ngày tháng 5 lịch sử, ở tuổi 75, sức khỏe đã yếu hơn, nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm với Bác Hồ, NSND Chu Thúy Quỳnh bảo: “Những kỷ niệm với Bác Hồ, là những ký ức tuyệt vời mà tôi mãi mãi không thể nào quên”.
NSND Chu Thúy Quỳnh trong tiết mục múa “Gặp gỡ bên mâm cỗ pháo”.ảnh Nhân vật cung cấp |
Qua câu chuyện kể của NSND Chu Thúy Quỳnh, chúng tôi được biết, đầu năm 1955, cô bé Chu Thúy Quỳnh, khi ấy mà mới 14 tuổi, được tuyển vào đội múa của Đoàn Ca vũ nhân dân Trung ương, là người nhỏ tuổi nhất đoàn. Cũng trong năm đó, cô bé Quỳnh được theo chân Đoàn Ca vũ Nhân dân Trung ương vào biểu diễn phục vụ Bác. Lần đầu tiên được vào biểu diễn cho Bác Hồ xem, nên bé Quỳnh vui lắm, và cũng hồi hộp lắm. “Khi chúng tôi đang hóa trang chuẩn bị cho buổi biểu diễn, Bác Hồ bất ngờ đến thăm.
Thấy Bác đi vào phía sau sàn diễn, tất cả anh chị em chúng tôi reo lên: "Bác Hồ, Bác Hồ". Bác tươi cười vẫy tay, tất cả chúng tôi ùa đến vây quanh Bác. Bác ân cần hỏi: "Các cháu là đoàn nào?", nghệ sỹ Nguyễn Văn Thương, khi đó là Trưởng đoàn của chúng tôi trả lời: "Chúng cháu là đoàn Ca vũ Trung ương ạ". Nghe vậy, Bác hỏi ngay: “Ca là gì?”. “Thưa Bác, ca là hát ạ!”. “Thế vũ là gì?”. “Thưa Bác, vũ là múa ạ!”. “Vậy tại sao không gọi là đoàn hát múa Trung ương?”. Cũng từ câu nói của Bác, sau này, Đoàn Ca vũ Trung ương được đổi thành Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương”, NSND Chu Thúy Quỳnh kể lại.
Trò chuyện một lúc, Bác hỏi: "Thế cháu nào bé nhất đoàn?". Nghệ sỹ Nguyễn Văn Thương trả lời: “Thưa Bác, bé Thúy Quỳnh là bé nhất đoàn ạ!”, nói rồi nghệ sỹ Nguyễn Văn Thương vẫy tôi ra chào Bác. “Khi đó, tôi quá bất ngờ, quá xúc động, vì thấy ước mơ được gặp Bác Hồ của mình bao lâu nay đã thành hiện thực, nên không biết nói gì, chỉ biết ngắm nhìn Bác, thấy Bác giống như một ông tiên vậy”, NSND Chu Thúy Quỳnh kể.
Sau lần gặp đầu tiên đáng nhớ ấy, NSND Chu Thúy Quỳnh còn có rất nhiều lần được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác Hồ xem. Đó là những lần Bác tiếp đón các đoàn khách nước ngoài, hoặc đón những đoàn khách của các đoàn thể, của Chính phủ đến thăm Bác. Hầu như lần nào, Bác cũng vào phía sau sân khấu thăm hỏi, động viên anh chị em trong đoàn.
Sau này, Đoàn ca múa nhân dân Trung ương có nhiều chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài, như ở các nước XHCN ở Đông Âu, đến Ấn Độ, Miến Điện, rồi sang Pháp, Italia, Angiêri… lần nào trước khi đoàn lên đường, Bác cũng gọi các thành viên trong đoàn vào dặn dò. Bác giới thiệu đặc điểm của từng nước mà đoàn sẽ đến biểu diễn, nhắc nhở mọi người trong đoàn phải chú ý để chọn chương trình diễn sao cho phù hợp, rồi Bác căn dặn, các nghệ sỹ đem chuông đi "đánh" nước người đấy nên phải "đánh" sao cho thật kêu, xứng đáng với đất nước, với nhân dân.
Luôn nhớ lời Bác dạy
Không chỉ được gặp Bác trong những lần vào Phủ Chủ tịch biểu diễn, nhiều lần, Thúy Quỳnh còn được Bác cho người đón từ khu văn công Cầu Giấy vào trong Phủ Chủ tịch thăm Bác. Những lần đó, Bác Hồ không chỉ hỏi han về tình hình học tập, về cuộc sống của Quỳnh, mà Người còn hỏi thăm về cuộc sống của các thành viên trong gia đình, về các anh chị em trong đoàn…
Trong một lần trò chuyện về việc luyện tập múa, khi nói về việc luyện tập để nhảy cho cao, Bác Hồ dạy: "Cháu hãy đào một cái hố, cho đất vào ống quần buộc chặt lại, đứng bên dưới hố và nhảy lên. Cứ như thế khi cháu thấy việc nhảy lên dễ dàng hơn thì cháu hãy đào hố sâu thêm một tẹo. Hố càng sâu thì khả năng bật nhảy của cháu sẽ càng cao hơn". NSND Chu Thúy Quỳnh bảo: “Nghe Bác nói thế, tôi hiểu rằng Bác không chỉ dạy tôi cách luyện tập, mà Người còn đang dạy cho tôi lòng quyết tâm và sự kiên trì, có kiên trì thì sẽ thành công. Từ lời dạy rất đơn giản của Bác tôi đã có thêm nghị lực và bền bỉ ý chí để chăm chỉ luyện tập”.
Trong số những kỷ niệm với Bác Hồ, đến bây giờ, NSND Chu Thúy Quỳnh vẫn nhớ đến những lần hỏi Bác những câu hỏi trẻ con, vụng về của một cô bé còn đang vô tư. NSND Chu Thúy Quỳnh kể: “Một lần vào thăm Bác năm 1956, trong lúc ngồi đọc báo cho Bác nghe, tôi đã hỏi Bác: "Thưa Bác, sao Bác không xây dựng gia đình để có con ạ!". Bác cười hiền, tay vỗ nhẹ lên đầu tôi và nói: "Bác đã có con đây rồi đấy thôi". Nghe Bác nói vậy, tôi cảm động phát khóc”, NSND Chu Thúy Quỳnh xúc động nhớ lại.
NSND Chu Thúy Quỳnh kể tiếp: “Một lần khác, tôi vào thăm Bác từ sáng sớm, đọc báo cho Bác nghe xong, Bác nói tôi xuống ăn cơm với Bác. Bữa ăn rất đạm bạc, chỉ có đậu phụ, rau muống chấm tương… Thấy Bác không chấm nước mắm, tôi hỏi: "Thưa Bác, sao Bác không dùng nước mắm!". Bác nói, Bác không thích mùi nước mắm, Bác thích chấm tương. Tôi lại thưa tiếp: "Sao các đồng chí phục vụ không làm nước mắm riêng để Bác dùng ạ". Bác cười vui: "Bác có phải là vua đâu mà làm nước mắm riêng"…
NSND Chu Thúy Quỳnh cho biết, lần cuối cùng bà được gặp Bác Hồ, là năm 1969. Khi đó, đoàn vào báo cáo với Bác kết quả chuyến đi lưu diễn ở Pháp, Italia, Angiêri. NSND Chu Thúy Quỳnh kể: Lúc đó, Bác đã rất mệt, gầy và tay mọc nhiều rôm. Nhìn thấy Bác yếu đi, tôi đã khóc. Bác bảo tôi: "Gặp Bác phải vui sao cháu lại khóc". Tôi thưa với Bác: "Cháu thấy Bác gầy, tay Bác nhiều rôm quá ạ!". Bác cười và an ủi tôi: "Bác không sao đâu. Chỉ em bé mới có nhiều rôm, chứ người lớn làm gì có rôm nào". Nghe Bác đùa vui vậy, nhưng trong lòng tôi vẫn buồn lắm. Sau lần đó, tôi không còn được gặp Bác lần nào nữa. Đến đầu thu năm 1969, tôi nghe tin Bác ốm đã mệt nặng, và đến ngày 2/9 Bác đã ra đi. Trong dòng người đưa tiễn Bác về nơi yên nghỉ, tôi luôn tự nhủ với mình: "Xin Bác yên lòng, con mãi mãi ghi nhớ lời dạy của Bác và mãi làm theo lời Bác".
“Cho đến bây giờ, những kỷ niệm về Bác Hồ vẫn mãi khắc sâu trong tôi. Với tôi, Bác không chỉ là một vị lãnh tụ, mà còn là người ông, người thầy… Bác là nguồn cổ vũ, động viên tôi, tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho tôi trong mọi công việc”, NSND Chu Thúy Quỳnh tâm sự.